Khắp nơi “trùm mền”
Rất nhiều KCN, cụm công nghiệp bị đình trệ do các nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết và vì năng lực tài chính yếu, hụt hơi trong giai đoạn kinh tế khó khăn
Đặt ra chỉ tiêu đến năm 2015, mỗi huyện, TP phải có ít nhất một cụm công nghiệp (CCN), tỉnh Sóc Trăng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập 6 KCN. Để có được diện tích đất thành lập các KCN này, tỉnh phải thu hồi trên 1.000 ha đất nông nghiệp và hàng ngàn nông dân đành phải “hy sinh” mảnh ruộng của mình.
Vào KCN… trồng khoai, cà
Trồng cà trong KCN An Nghiệp (Sóc Trăng) và đất hoang ở cụm công nghiệp Tây An (huyện Duy Xuyên - Quảng Nam). Ảnh: DUY NHÂN - HOÀNG DŨNG
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau nhiều năm được phê duyệt quy hoạch, trong 6 KCN nói trên của tỉnh Sóc Trăng hiện chỉ có KCN An Nghiệp (vốn đầu tư 70 tỉ đồng, thu hồi 251 ha đất lúa) là có nhà máy, số còn lại trong tình trạng quy hoạch treo do thiếu kinh phí bồi thường giải tỏa và thu hút đầu tư yếu. Ngoài 52% tổng diện tích đã và đang triển khai xây dựng nhà xưởng, cơ sở hạ tầng, phần đất còn lại của KCN An Nghiệp là bỏ hoang.
Vắng bóng nhà đầu tư
KCN Sông Hậu (xã Đông Phú, huyện Châu Thành - Hậu Giang) khá thưa vắng nên nhiều người vào đây trồng dưa hấu và mở chợ tạm trên đất bỏ hoang. Ảnh: CA LINH
100 năm nữa chưa lấp đầy
Khu Kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) có tổng diện tích 1.325 ha, là khu kinh tế trọng điểm của miền Trung. Ngoài vốn đầu tư 900 tỉ đồng để tái định cư và xây đường dẫn vào khu kinh tế chi từ ngân sách, 1.167 tỉ đồng còn lại do các đơn vị kinh doanh hạ tầng đầu tư để san ủi mặt bằng. Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động (từ năm 2006), đến nay Khu Kinh tế Nhơn Hội vẫn chỉ là mênh mông… cát. Hiện chỉ có 35 dự án đăng ký đầu tư vào đây.
Dân kêu rát họng, vẫn “rùa bò” ! Tháng 5-2008, liên danh nhà đầu tư Hoa Cheng Long Đức Phong (Trung Quốc) và Hoàng Quân (TPHCM) làm lễ khởi công xây dựng hạ tầng KCN Du Long thuộc 2 xã Lợi Hải, Bắc Phong (huyện Thuận Bắc - Ninh Thuận). Đây là dự án KCN lớn nhất của Ninh Thuận, có diện tích hơn 407,2 ha (phần lớn được thu hồi từ đất sản xuất của người dân địa phương) với tổng vốn lên đến 528 tỉ đồng. Đã hơn 5 năm trôi qua, dự án hiện vẫn còn ngổn ngang. Dân kêu nhiều lần, chính quyền huyện, xã cũng bức xúc nên cuối tháng 9-2008, lãnh đạo tỉnh phải yêu cầu đại diện liên danh nhà đầu tư trong nước là Công ty Hoàng Quân đẩy nhanh tiến độ. Dù vậy, tình trạng “rùa” của dự án vẫn tiếp tục kéo dài. Tháng 4-2011, Công ty Hoàng Quân rút khỏi liên danh, UBND tỉnh buộc phải cấp lại giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Hoa Cheng Long Đức Phong. Dự án xem như trở về điểm xuất phát. Một cán bộ xã Lợi Hải ngao ngán: “Tỉnh có chủ trương thu hồi đất của dân để làm KCN, bà con chấp hành nghiêm nhưng hàng trăm hecta đất nông nghiệp bỏ hoang mấy năm qua, lãng phí quá”. Cuối tháng 4-2012, Tập đoàn Hoa Cheng Long Đức Phong đã khởi động lại dự án nhưng tiến độ thi công rất cầm chừng. |