Các quan chức Việt Nam trong một buổi đối thoại với các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu năm nay. Ảnh Hùng Lê.
Việc cấp GCNĐT có nhiều điểm thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước trong việc giám sát hoạt động đầu tư, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những vi phạm (nếu có) của nhà đầu tư so với quy định trong GCNĐT và pháp luật về đầu tư.
Tuy nhiên, GCNĐT cũng có nhiều bất lợi. Thứ nhất, do trước khi đầu tư Nhà nước chỉ căn cứ vào hồ sơ dự án của nhà đầu tư nên khó có thể xác định khả năng thực sự của chủ đầu tư. Vì vậy, trong thực tế có thể dẫn đến trường hợp cấp GCNĐT cho nhà đầu tư không có năng lực. Điều này dẫn đến tình trạng “trục lợi cơ chế” (rent seeking), tức là người vào trước xin GCNĐT để “xí đất”, giành phần người vào sau. Người đến sau phải mua lại dự án của người đến trước, Nhà nước thất thu, còn người trục lợi cơ chế hưởng lợi.
Thứ hai là đối với nhà đầu tư chậm thực hiện dự án thì Nhà nước cũng rất ngại khi phải rút GCNĐT vì dễ gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư. Việt Nam đang chuẩn bị tham gia công ước giải quyết tranh chấp đầu tư (ICSID). Việt Nam hiện cũng đã ký trên 63 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương và một số hiệp định đầu tư đa phương, do đó, việc rút GCNĐT dễ có nguy cơ bị nhà đầu tư kiện.
Thứ ba là kể cả khi không rút GCNĐT thì các ưu đãi hay quyền kinh doanh trong GCNĐT cũng khó mà chỉnh sửa (nếu các ưu đãi thuế trong GCNĐT không đúng), vì chỉ có thể sửa đổi GCNĐT khi nhà đầu tư yêu cầu.
Về phía nhà đầu tư, việc gắn thành lập doanh nghiệp với cấp GCNĐT cũng rất bất tiện cho họ khi cứ vào Việt Nam là phải có dự án, và nếu không có pháp nhân thì không thể đàm phán để mua lại dự án. Tình hình “con gà quả trứng” như vậy khiến rất nhiều dự án giậm chân tại chỗ trong nhiều năm trời.
Vì vậy cần nghiên cứu chỉ quy định cấp GCNĐT trong những trường hợp thực sự cần thiết, và lợi ích của việc cấp GCNĐT lớn hơn rủi ro do việc cấp GCNĐT mang lại, ví dụ như các dự án sử dụng nhiều diện tích đất đai, tác động nhiều đến môi trường hoặc các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư…
Kinh nghiệm của Trung Quốc về cấp giấy phép kinh doanh có nhiều vấn đề Việt Nam có thể học hỏi. Thứ nhất là Trung Quốc tách bạch việc cấp phép đầu tư vào dự án sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng (nhóm 1) với dự án dịch vụ (nhóm 2). Thứ hai là trong các nhóm dịch vụ cũng có sự phân biệt tùy vào tầm quan trọng của dịch vụ đó, và phải có thời hạn xét duyệt cụ thể.
Đối với nhóm 1, mối quan tâm hàng đầu là sử dụng đất, bảo vệ môi trường, mức tiêu hao điện, nước, nhu cầu sử dụng lao động... Vì vậy, cần phải có luận chứng kinh tế kỹ thuật hay báo cáo tác động môi trường (trừ trường hợp đầu tư vào khu công nghiệp).
Đối với dự án nhóm 2 thì giao cho cơ quan cấp phép phối hợp với Bộ Thương mại rà soát và chấp thuận, nếu liên quan đến cam kết gia nhập WTO (nhóm 2A). Trừ các dịch vụ mang tính chuyên nghiệp (như pháp lý, kiểm toán) hay hạ tầng xã hội (như tài chính, viễn thông, giáo dục, y tế, báo chí, vận tải đường biển, đường không) (nhóm 2B), thì phải có bộ quản lý ngành xét duyệt, cũng phải có dự án khả thi, và không cam kết thời hạn xem xét. Thời gian xem xét không được quá năm ngày, và Bộ Thương mại cũng không được quyền đòi hỏi thêm các tài liệu khác. Tất nhiên, để quản lý chặt, Bộ Thương mại có thể quy định là chỉ cấp phép cho thời hạn năm năm.
Kinh nghiệm của Indonesia về giấy phép kinh doanh cũng cho thấy việc quản lý chủ yếu chỉ tập trung vào mức độ hạn chế sở hữu của người nước ngoài trong một số ngành nghề (gọi là negative list - danh mục loại trừ). Trong mọi trường hợp, Indonesia cho phép nhà đầu tư nước ngoài lập công ty trước, rồi xin giấy phép kinh doanh sau. Để tránh trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các ngành nghề hạn chế đầu tư nước ngoài, Indonesia áp dụng quy chế giấy phép hoạt động. Nếu nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào một công ty trong nước có 10 ngành nghề, và ba trong số đó hạn chế đầu tư nước ngoài, thì giấy phép kinh doanh không phải sửa đổi, song ba giấy phép hoạt động nói trên sẽ bị thu hồi.
Lê Nết