Nguy cơ chất tải nội thành là thấy rõ
PV:- Việc xây dựng cao ốc tại khu triển lãm Giảng Võ (Láng Hạ) hay hàng chục chung cư cao tầng đang mọc lên trên đoạn đường chỉ 2km đang khiến dư luận lo ngại, thậm chí Chủ tịch Hà Nội còn phải đau xót nói quy hoạch Hà Nội đang bị băm nát. Thế nhưng, điều đáng ngạc nhiên là việc xây dựng nói trên đều đúng Luật. Chúng ta phải hiểu nghịch lý này như thế nào, thưa ông?
KTS Trần Trọng Hanh: - Về mặt quản lý nhà nước, các cấp lãnh đạo cũng đã đưa ra chủ trương cụ thể, phải giảm quy mô của khu vực nội thành xuống 80 vạn dân. Tuy nhiên, trên thực tế, số người cư ngụ tại Hà Nội lại tăng lên 1,5 triệu dân/5 quận nội thành.
Nhu cầu tự nhiên là phải xây dựng các công trình nhà ở để giải quyết mức tăng quy mô dân số này cho nên các dự án xuất hiện nhiều mà thanh khoản vẫn rất tốt. Điều này càng kích thích các doanh nghiệp đầu tư.
Chúng ta phải xem xét một cách toàn diện, đừng lấy cái nhỏ để giải quyết cái lớn. Toàn bộ những khu vực nội thành không được chất tải thêm, đó là nguyên tắc. Còn tách ra từng việc giải quyết là bất hợp lý cho tổng thể, do đó cần phải cẩn thận, phải quản lý chặt việc này.
Trong trường hợp phải xây dựng thêm vì một điều kiện đặc biệt thì cũng phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét trên cơ sở pháp lý, khoa học để quyết định. Tóm lại, về mặt chiến lược, không nên chất tải thêm vào khu vực nội thành, dẫn đến năng lực chịu tải quá sức, dẫn đến úng lụt, ách tắc giao thông, hậu quả vô cùng lớn.
Hà Nội đang có quá nhiều chung cư cao tầng
PV:- Mới đây, chính Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nhận định quy hoạch thành phố đã bị băm nát, nên giờ phải trả giá. Nhận thức như vậy của lãnh đạo Hà Nội có ý nghĩa như thế nào trong việc sửa quy trình sai? Nếu không sửa, người Hà Nội sẽ phải trả giá như thế nào?
KTS Trần Trọng Hanh: - Quy hoạch chung của thủ đô Hà Nội hiện nay là có vấn đề, do đó, tôi thấy, cá nhân chủ tịch nhận định như vậy là chính xác.
Hiện tại, theo Luật Quy hoạch, việc lập quy hoạch chung là do Hà Nội quyết định. Theo Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, trong những trường hợp đặc biệt, Thủ tướng phải xin ý kiến Quốc hội, chứ không được giao quyền cho Bộ Xây dựng.
Nếu cứ để các địa phương bị áp đặt từ trên xuống thì sẽ rất khó làm. Theo tôi, Luật Thủ đô đã có thì nên giao cho Hà Nội điều chỉnh sớm. Bởi chắc chắn chúng ta sẽ phải trả giá nếu quy hoạch bị băm nát như hiện tại.
Tất nhiên, sửa sai hiện giờ cũng không phải là việc dễ, thậm chí, chúng ta phải xác định sẽ đối diện với nhiều khó khăn, một đời Chủ tịch cũng không sửa xong được.
Cái khó ở đây chính là quy hoạch chung cũ. Hàng mấy trăm dự án đều thỏa thuận trên cơ sở chấp nhận và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp vào. Một quy hoạch không có sự khống chế về chiến lược mà chạy theo thị trường, nguyện vọng chủ đầu tư, ý chí nhà lãnh đạo, cái gọi là quy hoạch này khó sửa nhất.
Đương nhiên phải có những biện pháp để giảm tải việc này. Cả hai siêu thành phố Hà Nội, TPHCM, nếu không có nghiên cứu đúng về quy hoạch, sẽ rất khó khăn. Mà nếu không sửa chữa thì Hà Nội sẽ biến thành một "siêu đô thị ốm yếu", không bền vững.
Lợi ích thì ở đâu cũng có, nhưng phải biết cân chỉnh các lợi ích đó, cân chỉnh giữa lợi ích lâu dài và trước mắt. Ở đây phải ưu tiên lợi ích bền vững, về mặt kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo lợi ích thế hệ hôm nay không hi sinh thế hệ mai sau.
Nên thành lập Ủy ban quy hoạch và kiến trúc
PV:- Trước đây, Hà Nội đã từng đề cập đến vai trò của một KTS trưởng nhưng chức danh này cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng, giờ có phải là lúc Hà Nội nhất định phải chọn ra một người để sửa chữa quy hoạch Hà Nội hay không?
KTS Trần Trọng Hanh: - Hiện nay, không nơi đâu còn dùng mô hình KTS trưởng nữa. Hà Nội trước kia từng ứng dụng quy chế tạm thời KTS trưởng từ năm 1995, nhưng khi tổng kết thì thấy KTS trưởng không phải cơ quan chuyên môn, cũng không phải cơ quan nhà nước, hiệu quả không cao nên mới hủy bỏ.
Hầu hết các quốc gia đang áp dụng mô hình Ủy ban quy hoạch kiến trúc của thành phố, gồm một tập thể giống như một Hội đồng thành phố nhỏ. Ủy ban này có nhiệm vụ tư vấn cho thị trưởng để giải quyết vấn đề về quy hoạch kiến trúc của thành phố.
Khi còn mới lập Luật Quy hoạch, chúng tôi đã đưa ra ý kiến thành lập Ủy ban quy hoạch và kiến trúc gồm thành phần cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan sự nghiệp, các nhà khoa học, sự tham gia của đại diện công chúng am hiểu chuyên môn giúp thành phố xử lý công việc này.
Thực chất, Ủy ban này có vai trò như KTS trưởng, nhưng nó tập hợp được trí tuệ đa ngành, đa chiều, giải quyết những vấn đề chuyên môn.
Nhưng nếu người lãnh đạo thực sự cảm thấy cần thì nó mới có tác dụng còn nếu không thì ủy ban cũng chỉ ngồi chơi xơi nước.
PV:- Từ trường hợp các Bộ ngành, trường học xin đất làm trụ sở mới, rồi ở lại không chịu trả trụ sở cũ và nếu muốn Hà Nội đẹp thì theo ông, cơ quan mới phải được toàn quyền như thế nào? Với tư cách chuyên gia quy hoạch đô thị ông sẽ dành lời khuyên cho Hà Nội như thế nào trong tình thế này?
KTS Trần Trọng Hanh: - Mô hình về trung tâm hành chính có 3 loại: xây dựng khu trung tâm hành chính biệt lập; trung tâm cơ quan hành chính xen kẽ; biệt khu gắn trong thủ đô.
Giờ nếu chúng ta lập một trung tâm hành chính chính trị quốc gia thì đương nhiên các chủ đầu tư là các Bộ ngành phải trả lại đất. Một Bộ ngành không có quyền quản lý đất, đầu mối là UBND TP HN, do đó, đi thì phải trả lại, kể cả chuyển tiền, bán đất, đấu giá đất cũng phải nộp tiền đó vào ngân sách nhà nước.
Các Bộ không thể quan niệm đất của ta, ta cứ dùng, rồi chuyển đổi mục đích, lấy lại cho các chủ đầu tư vào rồi lại xây nhà cao tầng thì không có tác dụng.
Việc chuyển đổi mục đích có mấy điểm nguy hiểm: một là, quy hoạch chuyển đổi mục đích giao cho một công ty không có đơn vị quản lý, nhà nước sẽ mất nhiều tiền, trong khi đất đó sau khi quy hoạch mang đi đấu giá công bằng; hai là, phải làm theo quy hoạch; ba là, về mặt chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ thì UBND TP là đầu mối quản lý, các Bộ ngành cũng chỉ là một người sử dụng đất chứ không có quyền điều hành Hà Nội.
Về quy hoạch thì phải có mô hình quy hoạch tốt, phải có quy định về nhà nước, có bộ máy quản lý có hiệu lực, năng lực. Ủy ban quy hoạch chỉ là một cách để thực hiện quy hoạch thật tốt.
Với tình thế Hà Nội hiện nay, đầu tiên, phải điều chỉnh lại quy hoạch này, mô hình một đô thị và 5 vệ tinh đã quá lạc hậu không phù hợp để gắn kết đô thị nông thôn.
Tiếp đó, phải lấy nhà nước pháp quyền là chính, để làm cơ bản nhất vì nếu không tôn trọng pháp luật, thì khó xử lý. Sau đó, phải có sự tham gia của cộng đồng dân cư. Cuối cùng, năng lực quản lý của chính quyền địa phương.
- Xin cảm ơn ông đã chia sẻ với Đất Việt!
-
Đừng để quy hoạch 'làm khó quy hoạch'
Nói về quy hoạch mới công bố, đại diện UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, quy hoạch phân khu 4 quận nội đô là cơ sở pháp lý để cụ thể hóa những quy hoạch chi tiết.
-
Cao ốc “bức tử” hạ tầng phía tây Hà Nội
CafeLand - Sự xuất hiện ồ ạt của hàng loạt cao ốc chọc trời đã khiến những tuyến đường ở phía tây Hà Nội như Lê Văn Lương – Tố Hữu, Mễ Trì Hạ, Trung Hoà,… đứng trước áp lực quá tải về hạ tầng và ùn tắc giao thông nghiêm trọng. ...
-
Qui hoạch bị phá vỡ tan hoang, người dân Hà Nội còn khổ dài!
Hà Nội chịu áp lực rất lớn về tình trạng nhập cư không thể kiểm soát, cùng với đó là các hệ lụy về giao thông, môi trường, an sinh xã hội…