Dự án “bỗng dưng” được khoác lên cái tên cải thiện môi trường sống và chỉnh trang đô thị nhưng thực chất là xây dựng khu đô thị thương mại tại thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Khuất tất trong việc triển khai thực hiện khiến người dân bức xúc. Đặc biệt, hơn 400 hộ dân sinh sống tại địa phương nhiều năm qua bị ảnh hưởng dự án không được bố trí tái định cư, không biết đi đâu về đâu.

Lập lờ với dân

Từ phán ánh của người dân, chúng tôi tìm hiểu kỹ về dự án gây nhiều bức xúc này. Theo đó, ngày 27-5-2011, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ có Quyết định 1334/QĐ-UBND chấp thuận quy hoạch phần đất diện tích 15,48ha tại thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) để Công ty cổ phần Đầu tư Cadif đầu tư xây dựng (chủ đầu tư) khu đô thị thương mại thị trấn Cờ Đỏ. Sau đó, UBND huyện Cờ Đỏ phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; đồng thời lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Ngày 2-2-2012, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Cadif ký quyết định phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư hơn 305 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng trên 110,795 tỷ đồng, còn lại là bồi thường, hỗ trợ tái định cư (110,687 tỷ đồng), nộp tiền sử dụng đất (54,857 tỷ đồng) và… lãi vay ngân hàng (gần 29 tỷ đồng).

Theo quy hoạch, toàn bộ hộ dân phía bên phải bờ kênh này sẽ bị giải tỏa trắng.

Tuy nhiên, ngày 20-3-2013, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng lại ký quyết định số 1334 cho phép việc đổi tên dự án thành “Chỉnh trang và cải tạo môi trường sống”. Các nội dung khác liên quan đến dự án vẫn không đổi. Chủ đầu tư sẽ chỉ đầu tư giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Nhiều hạng mục còn lại như các dãy nhà phố thương mại (gần 44.000m²), trung tâm thương mại (gần 10.000m²), công trình thương mại dịch vụ đa năng kết hợp ở (nằm 2 bên tỉnh lộ 922, rộng 11.144m²), khu nghỉ dưỡng (trên 5.000m²), khu ăn uống giải khát (trên 1.600m²), sẽ kêu gọi các doanh nghiệp khác hợp tác đầu tư hoặc chuyển nhượng sau khi hoàn thành hạ tầng kỹ thuật… Các bên có liên quan không hề tổ chức cuộc họp nào để giải thích tại sao phải thay đổi tên như thế. Khó hiểu hơn, trong văn bản có liên quan đến dự án này được ký ban hành sau đó hơn 1 tháng, cũng do Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng ký (ngày 26-4-2013), vẫn giữ tên cũ là “Khu đô thị thương mại”…

Tiếp xúc với báo chí, Giám đốc Công ty Cadif Lê Văn Sơn cho rằng: Phải đổi tên dự án là do… yêu cầu của Ngân hàng Thế giới (?). Thế nhưng trên thực tế, từ đầu năm 2012, khi ký quyết định phê duyệt dự án này, Công ty cổ phần Đầu tư Cadif đã thể hiện rõ dự án định vay WB gần 94 tỷ đồng (chiếm gần 31% tổng mức đầu tư) nhưng chưa được chấp thuận.

Dân mất nơi ở

Mang tiếng là dự án “chỉnh trang và cải tạo môi trường sống” thế nhưng đối chiếu với tất cả các văn bản có liên quan, cho thấy để thực hiện chủ đầu tư phải giải tỏa trắng 565 hộ dân và 6 tổ chức. Đáng quan ngại hơn khi ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Cadif, xác nhận chỉ có 140 hộ đủ tiêu chuẩn bố trí tái định cư và mua nền tái định cư. Điều này gây bức xúc cho người dân địa phương.

Theo trình bày của người dân, từ lúc dự án được triển khai tới nay, bà con được mời họp 2 lần. Lần họp công bố quy hoạch, không có nội dung cho dân góp ý. Khi công bố dự thảo phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì rất nhiều bà con không đồng tình. Nguyên nhân có hàng trăm hộ dân bị “lọt sổ” là do trong nhiều năm qua, chính quyền địa phương không công nhận quyền lợi hợp pháp về đất ở theo quy định pháp luật về đất đai. Từ đó dẫn tới chuyện rất nhiều hộ dù sinh sống ổn định mấy chục năm qua tại địa phương, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước, có hộ khẩu đầy đủ; đất ở có lược đồ, giải thửa rõ ràng vẫn bị cho là sống trên đất công. Trong khi thực tế chính quyền chưa có quyết định công bố hoặc cắm mốc để quản lý, ngăn cắm người dân cất nhà trên khu đất này… Bà Trương Thị Hai, 80 tuổi, bức xúc: “Cha mẹ tôi từng ở đợ cho chủ đất này từ khi bà mới lọt lòng. Qua các thời kỳ, cho tới khi tôi lập gia đình. Vì cha mẹ chỉ có một mình tôi là con nên tôi bám trụ ở đây, sinh con, đẻ cái. Khi các con của tôi lập gia đình, tôi cho mỗi người một miếng. Vậy mà tới nay đất của tôi và mấy đứa con chẳng được cấp sổ đỏ; không được tái định cư, rồi sinh sống sao đây?”

Trong khi đó, nhiều trường hợp đất ở có giấy tờ hợp pháp bị áp giá bồi thường theo hướng bất lợi. Bà Lê Thị Dạ cho biết: “Trong quyết định của UBND huyện thu hồi 1.265m² đất của tôi, có thể hiện rõ diện tích đất ở đô thị, đất trồng cây lâu năm. Nhưng khi áp giá, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lại áp giá đất ở nông thôn, chứ không theo khung giá đất hàng năm do UBND TP Cần Thơ ban hành”. Những khuất tất của dự án này, câu trả lời có lẽ phải từ ngành chức năng TP Cần Thơ.

Bình Đại (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.