“Trong tháng 6, Chính phủ sẽ ban hành nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Theo đó, nhà ở xã hội sẽ có diện tích tối thiểu 25 m2” - phát biểu trên của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam một lần nữa lại gây ra những dư luận khác nhau về căn hộ diện tích nhỏ, đồng tình có và lo ngại cũng có.
Không có cơ chế kiểm soát
Về nguyên tắc, căn hộ 25 m2 được xây dựng chỉ dành cho 1-2 người. Tuy nhiên, ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho rằng không có cơ chế nào kiểm soát được số lượng người sống trong căn hộ, bất kể diện tích lớn hay nhỏ.
“Các cách tính hiện nay, chẳng hạn căn hộ 50 m2 là hai người ở, chỉ mang tính ước lệ để từ đó phân bổ các chỉ tiêu về mật độ xây dựng hay các tiện ích khác như chỗ để xe… Còn thực tế một căn hộ có bao nhiêu người ở thì cơ quan quản lý chẳng thể khống chế” - ông Tuyến giải thích. Cũng theo ông Tuyến, đời sống khó khăn sẽ càng dẫn đến việc nhiều người cùng sống trong một căn hộ để tiết kiệm chi phí. Trong khi đó, căn hộ diện tích quá nhỏ sẽ không đáp ứng đủ những tiện ích sinh hoạt cho nhiều người.
Người dân đang tìm mua căn hộ tại phòng giao dịch nhà đất. Ảnh: HTD
“Ở các nước cũng có căn hộ diện tích nhỏ, thậm chí còn nhỏ hơn 25 m2 nhưng trình độ phát triển kinh tế của họ cao. Người dân của họ quen sống độc lập, tiện nghi nên căn hộ 25 m2 là phù hợp. Còn với tình hình ở Việt Nam, căn hộ càng nhỏ thì số lượng cư dân trong chung cư càng đông thôi” - ông Tuyến bày tỏ. Một vấn đề nữa là đừng đánh đồng căn hộ nhỏ với căn hộ giá rẻ. Chẳng qua vì chia nhỏ diện tích, dẫn đến giá thành sản phẩm hạ xuống nên người mua mới có cảm giác giá thấp.
Phải có điều kiện ràng buộc
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, ủng hộ căn hộ 25 m2 nhưng đề nghị phải có điều kiện ràng buộc. “Căn hộ 25 m2 là nhu cầu có thật, đáp ứng được cho những người độc thân hoặc các cặp vợ chồng trẻ cần nhà ở riêng. Diện tích này cũng rất phù hợp với các ký túc xá dành cho sinh viên hay công nhân thuê. Quan trọng là tỉ lệ bao nhiêu và nên xây dựng ở đâu?” - ông phân tích.
Theo ông Châu, không nên phủ kín 100% căn hộ diện tích nhỏ tại một dự án mà tỉ lệ chừng 20% là phù hợp. Chung cư có căn hộ dạng này không nên xây ở khu trung tâm mà chỉ ở vùng ven, đô thị vệ tinh. Khu vực xây dựng phải hoàn chỉnh về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tạo sự tiện ích cho người sinh sống. Giá căn hộ lý tưởng là dưới 15 triệu đồng/m2 hoặc có thể dưới 10 triệu đồng/m2 nếu có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. “Đặc biệt không nên quy định chỉ nhà ở xã hội mới được xây dựng 25 m2 còn nhà ở thương mại thì không. Tương tự, loại nhà này cũng không giới hạn chỉ cho thuê, thuê mua mà vẫn có thể bán” - ông Châu đề xuất.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Đất Lành, cho biết thêm, theo thông tin ông hay được từ Bộ Xây dựng, không phải chỉ nhà ở xã hội mới có diện tích tối thiểu 25 m2 mà cả nhà ở thương mại cũng sẽ được chấp thuận có diện tích nhỏ.
“Nếu cạnh tranh một cách sòng phẳng như vậy, nhà ở xã hội diện tích nhỏ sẽ bị “đo ván” trước nhà ở thương mại vì thủ tục quá rắc rối, giá cả lại chẳng chênh lệch bao nhiêu” - ông Đực nhận xét.
Theo Luật Nhà ở năm 2005, nhà ở xã hội có diện tích tối thiểu 30 m2, nhà ở thương mại tối thiểu 45 m2. Trước đây, Sở Xây dựng từng bác kiến nghị của Công ty Đất Lành về đề xuất xây căn hộ diện tích 25-30 m2. Lý do là sẽ phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng hạ tầng, mất cân đối về dân số… |