Liên quan đến nhà biệt thự bị bỏ hoang, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Hà Nội kiểm tra việc sử dụng nhà ở tại 18 dự án khu đô thị mới (KĐTM). Kết quả cho thấy, ở hầu hết các dự án còn nhiều nhà ở chưa hoàn thiện, chưa đưa vào sử dụng gây lãng phí đất đai, làm mất mỹ quan, trật tự đô thị.
Cần bãi bỏ việc bán nhà xây thô

Một trong những giải pháp hạn chế tình trạng biệt thự bỏ hoang là không cho phép bán nhà xây thô. Ảnh: Khánh Nguyên


Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hầu hết các dự án đã đi vào vận hành và có dân cư sinh sống. Các khu đô thị có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và các hạng mục hạ tầng xã hội tương đối đầy đủ, như dự án KĐTM Định Công, KĐTM Trung Yên, Làng Quốc tế Thăng Long, KĐTM Nam Thăng Long - Ciputra... tỷ lệ nhà ở được đưa vào khai thác sử dụng cao. Còn những dự án xa trung tâm hoặc hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa được xây dựng đồng bộ, tỷ lệ nhà ở đưa vào sử dụng đạt thấp, đặc biệt là các nhà ở loại biệt thự, liên kế. Thống kê cho thấy, tỷ lệ đưa vào sử dụng có sự khác biệt giữa các loại nhà ở. Trong khi các căn hộ nhà chung cư cao tầng có tỷ lệ đưa vào sử dụng đạt xấp xỉ 100%, thì tỷ lệ nhà ở liên kế đưa vào sử dụng đạt 80% và tỷ lệ nhà biệt thự đưa vào sử dụng mới đạt 58%.

Việc còn nhiều nhà chưa đưa vào khai thác sử dụng tại một số dự án phát triển nhà ở có nhiều nguyên nhân, nhưng theo Bộ Xây dựng, chủ yếu là do cơ cấu nhà ở trong các dự án chưa hợp lý. Ở nhiều dự án, nhà thấp tầng, biệt thự chiếm tỷ lệ lớn, trong khi nhà ở chung cư cao tầng có tỷ lệ thấp; trong khi đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa được xây dựng đồng bộ, thiếu các công trình thiết yếu, như trường học, nhà trẻ, chợ... hoặc không được kết nối với hạ tầng chung của đô thị, giao thông đi lại khó khăn. Thêm vào đó, hiện tượng đầu cơ, tích trữ tài sản còn phổ biến, nhưng thiếu sự kiểm tra hoặc không kiên quyết trong xử lý của chủ đầu tư và các cơ quan quản lý các cấp. Đặc biệt, phương thức triển khai thực hiện đầu tư, kinh doanh còn nhiều bất cập. Tình trạng nhiều dự án phát triển nhà ở chỉ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sau đó phân lô, bán nền cho người mua nhà tự xây dựng hoặc bán nhà xây thô để người dân tự hoàn thiện làm chậm tiến độ, không hình thành đô thị hoàn chỉnh như quy hoạch, không chỉ xảy ra trên địa bàn Hà Nội, mà còn xảy ra tại nhiều địa phương, gây lãng phí tài nguyên đất đai, vốn đầu tư của xã hội, làm mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng xấu tới dư luận.


Một thực tế là tỷ lệ lớn nhà biệt thự, liên kế ở nhiều dự án đã bán, nhưng người dân không đưa vào sử dụng. Chủ đầu tư rất khó xử lý các trường hợp này vì quan hệ giữa chủ đầu tư và người sử dụng là quan hệ bên bán - bên mua. Khi người mua hoàn tất việc thanh toán có nghĩa căn nhà đó thuộc sở hữu của họ, họ toàn quyền quyết định việc ở hay không. Không có quy định nào cho phép bên bán kiểm tra hay thu hồi lại nếu người mua không ở.


Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, giải pháp để khắc phục việc nhà hoang gây mất mỹ quan đô thị là bãi bỏ việc bán nhà xây thô để người mua tự hoàn thiện. Thay vào đó nên quy định chủ đầu tư phải hoàn thiện sản phẩm trước khi bán. Ông Nguyễn Quốc Tuấn cũng cho rằng, việc yêu cầu chủ đầu tư mua lại các căn nhà để hoang là rất khó, vì đó là tài sản thuộc sở hữu tư nhân, mặt khác giá chủ đầu tư bán ra và giá thực tế trên thị trường chênh lệch rất lớn.
Theo Y Linh (HNM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0