23/10/2013 3:16 PM
Cầu Sài Gòn 2 thông xe ngày 15/10/2013, sớm hơn so với dự định 3 tháng. Công trình này không chỉ làm thông thoáng về mặt hạ tầng giao thông mà còn tạo thế chộn rộn cho thị trường nhà đất ở khu Đông TP.HCM.

Trong khi đó, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cũng đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, các nhà thầu đang triển khai xây dựng. Những tuyến hạ tầng kết nối này đã dần lấy lại ưu thế cho khu vực quận 2, 9, Thủ Đức so với sự lấn lướt trước đó của khu Nam Sài Gòn.

Cũng thời gian này, Ban quản lý dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (qua địa bàn Long An, TP.HCM và Đồng Nai) cho biết, cuối năm nay, dự kiến sẽ khởi công tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành. Trong khi, ở Bình Dương, phía Becamex cũng cho hay đã ký MOU với nhà thầu xây dựng đường vành đai 3 (nối Thành phố mới Bình Dương với TP.HCM, Đồng Nai)...

Những thông tin dạng này luôn được giới đầu tư nhà đất "săn đón kỹ lưỡng". Nó cũng giống như thời 2004 - 2005, họ bất chấp sự xa xôi, mạo hiểm để đổ về Nhơn Trạch khi được biết trung tâm hành chính di dời về đây và thông tin tìm được chủ đầu tư xây dựng công trình cầu nối giữa Nhơn Trạch với quận 9 (TP.HCM).

Song, giữa thông tin quy hoạch và thực tế triển khai lại là hai chuyện khác nhau. Điển hình như sân bay quốc tế Long Thành. Dân đầu tư từ TP.HCM đã từng ùn ùn kéo về Long Thành đón đầu các cơ hội "hái ra tiền" trong tương lai.

Thị trường tại đây những năm 2006 - 2007 nhộn nhịp cảnh mua bán, lập dự án... Nhưng rồi bắt đầu từ năm 2011, đến các khu vực lân cận điểm đặt sân bay, không khó để thấy các bảng treo bán đất, sang nhượng dự án...

Thậm chí, dân "cò đất" ở đây còn đông hơn người bán và người mua. Giá cả bỗng chốc trượt dài, nhiều khu, người bán chấp nhận cắt lỗ một nửa so với giá mua ban đầu để tránh việc chôn vốn quá lâu vào một giao dịch.

Hơn nữa, theo quy hoạch ban đầu, sân bay Long Thành dự kiến sẽ đi vào khai thác năm 2020, nhưng có vẻ với những gì đang diễn ra thì rất khó xảy ra khả năng này vì hiện, quy hoạch chi tiết vẫn chưa có và cũng chưa gọi được vốn. Đó là lý do làm nản lòng dân đầu tư.

Ở quy mô nhỏ hơn có thể kể đến khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), dù các trục kết nối giữa khu này với trung tâm quận 1 đã khá hoàn thiện với hầm Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn 1, 2, cầu Thủ Thiêm nhưng các tuyến đường chính chạy vòng quanh khu đô thị vẫn án binh bất động sau gần 3 năm nay đã khiến việc đấu giá các khu đất trở nên khó khăn.

Hạ tầng giao thông luôn là yếu tố quyết định đến tính hấp dẫn của một dự án. Ngay như dự án nhà ở tái định cư ở quận 12 và Bình Chánh, dù giá bán đang được điều chỉnh sang nhà ở xã hội ở mức từ 6 - 7 triệu đồng/m2, nhưng sức mua còn phụ thuộc vào giao thông kết nối và dịch vụ xung quanh dự án.

Nếu giá nhà rẻ mà các tuyến đường kết nối từ dự án đến khu vực trung tâm TP.HCM không thuận lợi và các tiện ích phục vụ cho cư dân không có thì người mua chấp nhận ở thuê thay vì tính đến chuyện sở hữu một căn hộ phù hợp với túi tiền.

Hàn Nguyên (Doanh nhân Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.