Phát biểu trước cuộc họp Chính phủ ngày 2/12, Bộ trưởng Xây dựng cho hay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở thương mại diện tích nhỏ, giá bán thấphiện giải ngân chậm vì phải có người làm nhà ở xã hội và cần có giao dịch nhà ở xã hội vốn hiện rất ít. Nhiều doanh nghiệp đang chuyển đổi dự án thương mại sang nhà ở xã hội nhưng còn vướng thủ tục.
“Gói hỗ trợ này chúng tôi không mong muốn có thể nhanh, vì nhanh là không đúng đối tượng”, ông Dũng cho hay.
Gói hỗ trợ cho vay mua nhà ở trị giá 30.000 tỷ đồng được triển khai từ 1/6 với lãi suất cho vay cao nhất không quá 6% một năm, thời hạn cho vay tối đa 10 năm đối với khách hàng cá nhân và 5 năm đối với khách hàng doanh nghiệp. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến 31/10, các ngân hàng đã giải ngân cho 920 cá nhân với dư nợ 221 tỷ đồng và 4 khách hàng doanh nghiệp với dư nợ 91 tỷ đồng. Như vậy, sau 5 tháng triển khai, gói hỗ trợ nhà ở mới tiêu giải ngân hơn 1% ngân sách được duyệt.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định, chủ trương hỗ trợ thị trường bất động sản thời gian qua là đúng. Để tháo gỡ khó khăn thì phải khắc phục lệch pha cung cầu: phân khúc nhà cao cấp cung nhiều nhưng cầu thấp, nhà ở có quy mô trung bình và nhỏ thì cung hiếm mà cầu thì cao. Theo tính toán của Bộ Xây dựng, chỉ tính các bộ ngành trung ương đã thiếu tớ 30.000 căn cho công chức, viên chức, văn nghệ sĩ, lực lượng vũ trang.
Về tình hình tồn kho bất động sản, so với cuối quý I đã giảm được 28.000 tỷ, tương đương 22%, còn khoảng 100.000 tỷ tồn kho (chưa kể tồn kho những dự án dở dang). Ông Dũng cho hay, tồn kho không chỉ giảm ở các nhà đã hình thành, mà cả những dự án còn dở dang.
“Nếu chuyển sang nhà ở xã hội thì các chủ đầu tư có thể hoàn thàn, còn nếu cứ giữ dự án thương mại sẽ mãi tồn kho. Chính sách khẳng định đã trúng và đang đi vào cuộc sống. Thị trường đang lên”, ông khẳng định.
Nói thêm về chiến lược nhà ở, Bộ trưởng Xây dựng cho rằng, đây là điều các nước phát triển đã làm, tức là cần thị trường có sự quản lý nhà nước thay vì thị trường chỉ có “bàn tay vô hình”. Đất ngày càng ít đi, nên cần phát triển theo kế hoạch.