Theo báo cáo của Bộ Xây dựng gửi tới đại biểu Quốc hội kỳ họp này, mới chỉ có 341 tỉ đồng trong gói đầu tư 30.000 tỉ đồng xây dựng nhà ở xã hội (tương đương 1,1%) được giải ngân. Trong giờ nghỉ giải lao phiên họp Quốc hội ngày 19.11, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã trả lời phỏng vấn của báo chí về sự chậm trễ này.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: Nguyễn Lâm

Hiện nay nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn. Như Đồng Nai, Bình Dương… theo tính toán nhu cầu đều lên đến khoảng 100 ngàn căn. Muốn đáp ứng được phải có cung nhưng hiện nay nguồn nhà xã hội rất ít. Chiến lược nhà ở xã hội ở ta mới được thực hiện mà một chiến lược phải dài hạn, giai đoạn 10 năm, tầm nhìn 20 năm và có thể lâu hơn nữa.

Nhiều nước phát triển thu nhập bình quân đầu người trung bình 50 ngàn USD/năm mà họ vẫn phải xây dựng nhà ở xã hội. Cho nên chúng ta cũng phải rất cố gắng để cải thiện nhu cầu nhà ở của người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp: công nhân khu công nghiệp, giáo viên, người nghèo… đều là những người phải quan tâm. Đây là chính sách lớn nhưng phải lâu dài, không thực hiện được ngay, phải cụ thể để khuyến khích động viên nhà đầu tư làm.

Nhà ở xã hội thì nước ta còn nghèo nên vốn ngân sách của nhà nước còn hạn chế nên phải huy động các doanh nghiệp làm. Cho nên phải có cơ chế chính sách hỗ trợ. Không phải doanh nghiệp nào cũng thích làm nhà ở xã hội bởi vì lợi nhuận của nhà ở xã hội thấp, lại vướng nhiều quy định về đất đai, về đầu tư cần có thời gian nhất định để một dự án thực hiện được.

Gói này cũng cần phải đúng đối tượng. Đây là gói đầu tư của nhà nước. Nếu không đúng đối tượng, thì sẽ dẫn đến tình trạng lợi dụng để tham nhũng, làm thất thoát nguồn lực của nhà nước nên phải có những quy định cụ thể để có thể giải ngân được. Cũng không phải vì thế mà làm chậm. Phải chặt chẽ về đối tượng, tiêu chuẩn nhưng cũng làm nhanh. Cái này không chỉ có trách nhiệm của Bộ Xây dựng mà của cả Ngân hàng Nhà nước và đặc biệt là các địa phương cũng phải vào cuộc để xác nhận về nhu cầu của đối tượng được mua nhà. Làm rõ về thủ tục, nếu khai chưa có nhà ở thì cán bộ chính quyền phải chủ động đến kiểm tra, xác nhận cho người ta.

*Với chương trình đầu tư này, liệu có tạo lên những dạng công trình nhà ở chất lượng, kiến trúc không được như mong muốn không ?

-Không. Nhà ở xã hội hiện nay nó khác rất nhiều nhà ở xã hội mà trước nay vẫn quan niệm. Nó là nhà ở thị trường phi hàng hóa. Có cung, có cầu, có cạnh tranh nhưng được sự hỗ trợ của nhà nước.

Người dân tiếp cận thì được mua với giá thấp hơn giá thị trường tại thời điểm đó. Nhưng có cạnh tranh, đơn vị làm nhà ở xã hội mà làm kém thì người dân sẽ không mua, thất bại, nên cũng phải làm cẩn thận, cạnh tranh. Có những nước làm nhà ở xã hội chất lượng kém nhưng ta rút kinh nghiệm, phải làm nhà ở xã hội chất lượng tốt. Như khu nhà ở Đặng Xá (Hà Nội), người ta không thể phân biệt nhà ở xã hội ở đó với nhà ở thương mại.Nhà đầu tư vừa phải làm được, vừa phải có lãi, chúng ta cũng mong muốn như vậy.

*Có bế tắc gì trong hoạt động giải ngân của các ngân hàng ?

-Chậm giải ngân tất nhiên ngoài có việc chậm xác nhận của địa phương cũng có trách nhiệm của ngân hàng, rồi trách nhiệm của việc hướng dẫn, chưa làm sao để nhanh nhất thì cái này, các cơ quan đều phải vào cuộc để làm thôi. Bộ Xây dựng cũng thường xuyên đi kiểm tra, cùng các địa phương tháo gỡ để các dự án nhà ở thương mại chuyển được sang các dự án nhà ở xã hội nhanh nhất.

Hiện nay có sự lệch pha lớn giữa cung và cầu về nhà ở xã hội. Chúng ta phải khắc phục, bằng cách hướng bất động sản vào các mục tiêu của chiến lược nhà ở, giải quyết nhu cầu nhà ở cho tất cả người dân. Trước đây, đầu tư nhiều nhà ở thương maị quá thì nay phải chuyển hướng bớt sang đầu tư nhà ở xã hội. Tới đây, Chính phủ sẽ ban hành một nghị định về đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội. Nó sẽ tạo sự thông thoáng. Dự thảo nghị định chúng tôi đã trình lâu rồi, dự kiến Chính phủ sẽ ban hành sớm trong những ngày tới đây.

*Hiện nay tốc độ giải ngân gói này cũng có thể coi là quá chậm ?

-Vấn đề không phải là nhanh hay chậm. Mà phải đúng đối tượng. Muốn nhanh phải có nhà, phải có mua bán, phải có hợp đồng. Mà muốn có hợp đồng phải có nhà. Nhưng cung đang thiếu. Các địa phương phải vào cuộc, động viên các doanh nghiệp đầu tư làm nhà xã hội. Có nhiều nhà mới giải quyết nhanh. Tôi e 30000 tỉ đồng là còn ít.

*Khi xây dựng chính sách này, một trong những mục tiêu của nó là góp phần phá băng thị trường bất động sản nhưng đến thời điểm này coi như mục tiêu này chưa thực hiện được ?

-Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cần một giải pháp tổng thể, đồng bộ. Còn gói 30 ngàn tỉ đồng này là chính sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ nhà ở cho người nghèo chứ không phải mục đích chính là tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Các nước giàu họ cũng vẫn phải làm nhà ở xã hội thì họ cũng có những gói tín dụng lãi suất rất thấp để làm nhà ở xã hội cho người dân. Gói này không phải làm ra để cứu thị trường bất động sản.

Bất động sản muốn đỡ khó khăn thì trách nhiệm của nhà nước, của doanh nghiệp… cần giải pháp đồng bộ để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, không có quy hoạch, tự phát…và phải rà soát, phân loại dự án, chuyển bớt nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Và cần một số giải pháp về tín dụng, tái cấu trúc doanh nghiệp…Còn gói này chỉ để giúp gỡ khó khăn về nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp. Hỗ trợ này là lâu dài chứ không chỉ vài năm.

Hà Giang (Một thế giới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.