Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng, nhiều sự việc người dân không đồng tình một phần do chưa đảm bảo tính công khai, dân chủ.

Các chính sách quy định khá rõ

Trả lời về một số vấn đề liên quan đến chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, sáng 13/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, căn cứ vào Luật Đất đai, Chính phủ đã ban hành Nghị định 197, sau này là Nghị định 69 đã quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, các dự án đầu tư phát triển về kinh tế và xã hội.

Trên cơ sở quy định của Chính phủ, các địa phương căn cứ trên tình hình thực tế của địa phương mình để ban hành các quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhằm cụ thể hóa chính sách của Nhà nước.

“Quy định như thế nào cũng phải đảm bảo nguyên tắc là đảm bảo quyền hợp pháp của người dân có đất bị thu hồi. Theo đó, giá trị đền bù phải sát với thu nhập do sử dụng đất mang lại. Ngoài ra chính sách của Nhà nước còn hỗ trợ cho người dân như về di dời, đào tạo, tái định cư… để đảm bảo người dân có chỗ ở ít nhất là bằng với nơi cũ, người mất việc làm thì có cơ hội chuyển việc làm”, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng, trong quá trình tổ chức thực hiện có phần không tuân thủ đúng các nguyên tắc và có biểu hiện chưa đảm bảo tính công khai, dân chủ nên một số trường hợp người dân chưa đồng tình

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện đã xảy ra sự thiếu đồng tình, khiếu kiện, có những vụ việc chống đối. Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng, trong quá trình tổ chức thực hiện có phần không tuân thủ đúng các nguyên tắc như đã nêu và cũng có biểu hiện chưa đảm bảo tính công khai, dân chủ.

Để khắc phục yếu kém trên, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan tiếp tục có giải pháp hoàn thiện cả về chính sách cũng như về tổ chức thực hiện.

Về việc chủ đầu tư được giao đất nhưng sau thời gian quy định không sử dụng thì sẽ bị thu hồi đất. Nhưng nếu chủ đầu tư đã có đầu tư, thậm chí có quyền sử dụng đất thì về nguyên tắc khi thu lại đất này chúng ta vẫn áp dụng Nghị định 197, Nghị định 69 như thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng.

Đối với dự án trọng điểm (như đối với dự án Thủy điện Sơn La), ngoài chính sách chung, đến nay Chính phủ đã giao Bộ Tài chính phối hợp với bộ ngành liên quan nghiên cứu bổ sung thêm chính sách mới.

Ví dụ nghị định 197 quy định hỗ trợ lại cho người dân 6 tháng, nhưng với Sơn La, Chính phủ hỗ trợ lại đến mức tối đa là 36 tháng. Ngoài ra còn hỗ trợ tối đa cho người dân về cây trồng vật nuôi theo Nghị định 197 và Nghị định 69.

“Ngoài ra các khu tái định cư như Thủy điện Sơn La thì Nhà nước cùng với địa phương tập trung các nguồn lực để xây dựng khu tái định cư. Theo tiến độ hiện nay, tình hình thực hiện khá tốt, vì có những đầu tư khác biệt hơn so với dự án khác”, Bộ trưởng cho biết thêm.

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm vì thiếu kinh phí?

Về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm so với yêu cầu của Quốc hội, ngoài khó khăn về kinh phí, thì theo đánh giá của Bộ Tài chính cũng như một số cơ quan, tổ chức khác, chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng.

Về kinh phí, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, tại Nghị quyết số 2 ngày 9/1/2008, Chính phủ đã giao cho UBND cấp tỉnh bố trí tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất để thực hiện công tác đo đạc, lập cơ sở dữ liệu, hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, chính sách hiện nay cũng hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Theo Nghị định 84 năm 2007 của Chính phủ và Nghị định 120 năm 2010 với mục tiêu tháo gỡ khó khăn vướng mắc và tạo thuận lợi cho các hộ gia đình, cá nhân hợp thức hóa quyền sử dụng đất và đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã quy định cho phép hộ gia đình cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất và được trả nợ dần khi có khả năng, trong thời hạn 5 năm theo giá đất tại thời điểm cấp giấy.

Ngoài ra còn miễn 50% tiền sử dụng đất trong hạn mức khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đối với đất chuyển mục đích sử dụng không phải là đất ở do tách hộ đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo…

Quy định xử lý nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp cấp đất trái thẩm quyền sử dụng đất do dẫn chiếu xây dựng nhà ở tạo thuận lợi cho quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, giá đất tính tiền sử dụng đất đối với diện tích trong hạn mức là giá đất do UBND cấp tỉnh quy định, bằng 30-50% giá trị trường. Đối với diện tích ngoài hạn mức thì được áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính.

“Như vậy chính sách thực hiện nghĩa vụ sử dụng đất phù hợp với thực tế, thể hiện ưu đãi đối với số hộ gia đình, cá nhân trong việc hoàn thiện thủ tục pháp lý về quyền sử dụng đất”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng cho biết, khó khăn hiện nay mà các địa phương gặp phải là việc dành 10% tổng thu tiền sử dụng đất để chi cho việc đo đạc, lập dữ liệu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Bộ Tài chính chính cũng phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường trình Chính phủ những địa phương thực sự khó khăn, hàng năm dành một phần tăng thu trong ngân sách của các địa phương để dành cho các địa phương để chi cho công tác này./.

Theo VOV
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.