Trả tiền và chờ đợi
Năm 2001, UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương cho Tổng công ty vật liệu xây dựng (năm 2003 sáp nhập vào Tổng công ty xây dựng Sài Gòn, gọi tắt là SGC) bán các nhà xưởng, kho thuộc tài sản của tổng công ty, trong đó có nhà đất tại số 124/9D Ung Văn Khiêm (P.25, Q.Bình Thạnh, diện tích 1.839,40 m2) để trả nợ ngân hàng và tạo nguồn vốn kinh doanh.
Mặt bằng này tất nhiên thuộc sở hữu nhà nước. Năm 2008, UBND TP.HCM duyệt giá bán khởi điểm là hơn 19,6 tỉ đồng và giao cho Sở Tài chính, Sở TN-MT, Sở Quy hoạch - Kiến trúc… cùng các ban ngành liên quan tiến hành thủ tục bán đấu giá, nghĩa vụ tài chính, các thủ tục pháp lý để công nhận quyền sử dụng đất. Theo hướng dẫn của Sở Tài chính, SGC ký hợp đồng giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM tổ chức bán đấu giá.
Ngày 16.10.2008, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM tổ chức buổi bán đấu giá và Tân Thành Đô là đơn vị trúng đấu giá với giá 29,75 tỉ đồng. Cùng ngày, Tân Thành Đô và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và chứng thực tại Phòng công chứng số 5. Thực hiện hợp đồng, ngày 5.11.2008, Tân Thành Đô đã chuyển đủ số tiền mua tài sản vào tài khoản của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TP. Sau đó, 50% số tiền trúng đấu giá đã được nộp vào ngân sách, 50% còn lại nộp vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính.
Minh họa: DAD
45 ngày và... gần 4 năm
Theo thỏa thuận của các bên, thời hạn giao tài sản là 45 ngày kể từ khi người mua nộp đủ tiền mua tài sản. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp vẫn còn long đong gửi văn bản khắp nơi kêu cứu vì chưa nhận được tài sản. Nguyên nhân của việc chưa bàn giao tài sản trúng đấu giá như thỏa thuận là bởi vì trên khuôn viên khu đất này còn có 3 hộ dân đang ở mà SGC chưa di dời được. Trong khi đó, theo quy định đất bán đấu giá phải là “đất sạch”.
Điều khó hiểu là cho đến khi hoàn tất thủ tục thẩm định, duyệt giá để tổ chức bán đấu giá, cơ quan chức năng thực hiện công tác thẩm định không hề nắm bắt được việc có 3 hộ dân đang tồn tại bên trong khu đất và không hề báo cáo việc này. Tại công văn ngày 9.6.2011, UBND Q.Bình Thạnh cho rằng, Sở Tài chính tham mưu cho UBND TP.HCM trong việc bán đấu giá mặt bằng này mà không kiểm tra thực tế, hiện trạng khu đất, không đảm bảo một trong các tiêu chí bắt buộc của việc đấu giá là “đất sạch”. Không yêu cầu và bắt buộc SGC thực hiện di dời 3 hộ dân để đảm bảo mặt bằng sạch trước khi tổ chức đấu giá, dẫn đến việc vướng di dời.
UBND Q.Bình Thạnh đã đưa ra hướng giải quyết, hỗ trợ, đền bù để di dời các hộ dân, sớm bàn giao mặt bằng cho bên mua. Tuy nhiên vẫn chưa tìm được “tiếng nói chung” từ phía các sở ban ngành TP. Và đến thời điểm này không chỉ doanh nghiệp trúng đấu giá chưa thể nhận được tài sản mà cuộc sống của 3 hộ dân “bị bỏ quên” cũng không thể ổn định. Hơn nữa, việc chậm trễ bàn giao mặt bằng khiến doanh nghiệp vừa mất cơ hội kinh doanh, vừa phải gánh lãi suất cao kéo dài bởi nguồn tiền mua đấu giá là tiền vay ngân hàng.