10/04/2014 3:11 PM
CafeLand - Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định 496/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xu hướng Công viên nghĩa trang được thể hiện rõ qua đồ án Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội

Quy hoạch nghĩa trang bao gồm: Nghĩa trang tập trung cấp quốc gia, nghĩa trang tập trung liên tỉnh, nghĩa trang tập trung cấp thành phố, nghĩa trang tập trung cấp huyện và cấp xã, cụ thể như sau:

Đối với nghĩa trang tập trung cấp quốc gia:

Cải tạo, nâng cấp, mở rộng nghĩa trang Mai Dịch 1 thành công viên nghĩa trang với quy mô hiện có là 5,5 ha lên 5,8 ha đến năm 2015; sử dụng hình thức táng một lần; phục vụ nhu cầu an táng lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước;

Xây mới nghĩa trang cấp quốc gia tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, quy mô khoảng từ 100 - 150 ha; sử dụng hình thức táng tổng hơp; phục vụ nhu cầu an táng lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Đối với nghĩa trang tập trung liên tỉnh:

Đóng cửa nghĩa trang Yên Kỳ 1, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì (hiện có 38,4 ha);

Mở rộng nghĩa trang Yên Kỳ 2, huyện Ba Vì đến năm 2020 khoảng 203 ha, đến năm 2030 khoảng 583 ha; sử dụng hình thức táng tổng hợp, phục vụ nhu cầu an táng của nhân dân khu vực đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng và các tỉnh lân cận (Hòa Bình, Phú Thọ).

Đối với nghĩa trang tập trung cấp thành phố:

Đóng cửa các nghĩa trang: Sài Đồng (quận Long Biên), Văn Điển (huyện Thanh Trì) và cải tạo thành công viên nghĩa trang trước năm 2015 (riêng nghĩa trang Văn Điển chỉ phục vụ hỏa táng);

Mở rộng nghĩa trang tập trung Vĩnh Hằng (huyện Ba Vì) với quy mô hiện có là 37 ha lên 87 ha đến năm 2020, sử dụng hình thức hung táng, cát táng, táng 1 lần và hỏa táng, phục vụ nhu cầu an táng của nhân dân và quy tập mộ di chuyển trong khu vực phát triển đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng;

Quy hoạch, cải tạo mở rộng nghĩa trang Thanh Tước (huyện Mê Linh) thành công viên nghĩa trang với quy mô hiện có là 7 ha mở rộng lên 23 ha đến năm 2030; sử dụng hình thức cát táng; phục vụ nhu cầu an táng của nhân dân khu đô thị huyện Mê Linh;

Xây dựng mới: Nghĩa trang Minh Phú (huyện Sóc Sơn) đến năm 2020 khoảng 83 ha đến năm 2030 khoảng 100 ha; Nghĩa trang Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) đến năm 2020 khoảng 10 ha; Nghĩa trang Xuân Nộn (huyện Đông Anh) đến năm 2020 khoảng 10 ha; Nghĩa trang Trung Màu (huyện Gia Lâm) đến năm 2020 khoảng 17 ha, đến năm 2030 khoảng 35 ha, đến năm 2050 khoảng 53 ha; Nghĩa trang Trần Phú (huyện Chương Mỹ) đến năm 2020 khoảng 10 ha, đến năm 2030 khoảng 25 ha; Nghĩa trang Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) đến năm 2020 khoảng 17 ha, đến năm 2030 khoảng 30 ha.

Đối với nghĩa trang tập trung cấp huyện:

Đóng cửa, dừng chôn cất tại nghĩa trang Xuân Đỉnh (5 ha), quận Bắc Từ Liêm trước năm 2015;

Cải tạo, nâng cấp, mở rộng nghĩa trang Hà Đông, quận Hà Đông với quy mô hiện có là 3,65 ha lên 7,4 ha đến năm 2015 theo hướng cải tạo thành công viên nghĩa trang, sử dụng hình thức cát táng, phục vụ nhu cầu nhân dân trên địa bàn quận Hà Đông;

Mở rộng nghĩa trang nhân dân thị xã Sơn Tây với quy mô hiện có 3,5 ha lên 19 ha đến năm 2020; sử dụng hình thức hung táng, cát táng, táng 1 lần; phục vụ nhu cầu an táng của nhân dân và quy tập mộ di chuyển trên địa bàn thị xã Sơn Tây;

Xây dựng mới 11 nghĩa trang tập trung huyện để phục vụ quy tập mộ di chuyển và chôn mới của khu vực đô thị và nông thôn trên địa bàn các huyện: Nghĩa trang huyện Sóc Sơn (xã Tiên Dược) khoảng 5 ha, nghĩa trang huyện Đông Anh (xã Vân Hà) khoảng 10 ha, nghĩa trang huyện Phúc Thọ (xã Liên Hiệp) khoảng 15 ha, nghĩa trang huyện Quốc Oai (thị trấn Quốc Oai) khoảng 11 ha, nghĩa trang huyện Thường Tín (xã Nghiêm Xuyên) khoảng 35 ha, nghĩa trang huyện Thanh Oai (xã Tân Ước) khoảng 30 ha, nghĩa trang huyện ứng Hòa (xã Phương Tú) khoảng 10 ha, nghĩa trang huyện Đan Phượng (xã Hồng Hà) khoảng 30 ha, nghĩa trang huyện Hoài Đức (xã Tiên Yên, xã Đắc Sở) khoảng 20 ha, nghĩa trang huyện Mỹ Đức (xã Hương Sơn) khoảng 10 ha, nghĩa trang huyện Thạch Thất (xã Yên Trung) khoảng 34 ha.

Đối với nghĩa trang cấp xã:

Hiện tại, tiếp tục sử dụng các nghĩa trang hiện có, có kế hoạch đóng cửa các nghĩa trang phân tán có quy mô nhỏ, không đảm bảo khoảng cách ly an toàn vệ sinh môi trường hoặc không nằm trong quy hoạch sử dụng đất nghĩa trang. Di chuyển các mộ phần đến nghĩa trang tập trung ở các vùng theo quy hoạch;

Mỗi xã có từ 01 đến 02 nghĩa trang tập trung cấp xã (tùy thuộc diện tích, địa giới hành chính và quy mô dân số theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới). Vị trí cụ thể các nghĩa trang xã được xác định trong các quy hoạch xây dựng nông thôn mới;

Đối với các nghĩa trang hiện có nằm trong khu vực phát triển đô thị, khi có kế hoạch lấy đất phục vụ nhu cầu phát triển đô thị sẽ được di chuyển đến các nghĩa trang tập trung gần nhất hoặc các nghĩa trang phục vụ quy tập mộ di chuyên. Chấm dứt tình trạng chôn cất phân tán, tự phát.

Về mạng lưới các nhà tang lễ, đến năm 2020 Hà Nội sẽ có 32 nhà, năm 2030 là 38 nhà và đến năm 2050 sẽ là 44 nhà, cụ thể như sau: Cải tạo, nâng cấp 11 nhà tang lễ hiện có (nhà tang lễ thành phố và nhà tang lễ trong bệnh viện) nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn môi trường; Tiếp tục xây dựng 07 nhà tang ễ thuộc các dự án đang triển khai; Xây dựng mới 26 nhà tang lễ (trong đó 01 nhà tang lễ quốc gia).

Tổng kinh phí để thực hiện đồ án Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 vào khoảng 24.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn đến năm 2020 khoảng 13.000 tỷ đồng.

N.Đăng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.