13/09/2023 4:14 PM
Theo chuyên gia pháp lý, việc đề xuất “luật hoá” – cấp sổ hồng cho chung cư mini sẽ biến loại hình này trở thành căn hộ chung cư thông thường, trong khi loại hình này chưa đáp ứng được các yêu cầu về thẩm duyệt PCCC, quy chuẩn thiết kế, nghiệm thu công trình… sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân, hạ tầng và thị trường.

Vụ cháy chung cư mini ở Khương Đình khiến hàng chục người thương vong.

Khoảng 23 giờ 05 phút, ngày 12.9, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại chung cư mini cao 9 tầng, nằm sâu trong ngách 70, phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân. Chung cư được xây kiểu nhà ống với một mặt tiền, 3 mặt giáp nhà dân, được chia khoảng 40-50 căn hộ cho thuê, chủ yếu là các hộ gia đình và sinh viên, trong đó một hầm để xe, 8 tầng căn hộ và một tầng tum. Mỗi tầng được thiết kế với 5 căn hộ có diện tích từ 35-56m2.

Vị trí toà chung cư nằm trong ngõ nhỏ, khiến cho công tác chữa cháy và cứu hộ gặp nhiều khó khăn.

Thông tin ban đầu từ Công an Hà Nội, cho biết đến 7h30 ngày 13.9, lực lượng chức năng xác định có khoảng 40 người thương vong trong vụ cháy này. Đây là con số thương vong quá lớn, so với các vụ hoả hoạn trong nhiều năm trở lại đây.

Từ vụ cháy này, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về quy định PCCC cũng như tính pháp lý của loại hình chung cư mini, đang là dòng sản phẩm khá “hot” tại các đô thị lớn hiện nay.

Lý giải về sức hấp dẫn của phân khúc này, Ths. Nguyễn Văn Đỉnh, Chuyên gia pháp lý đầu tư, bất động sản cho biết, chung cư mini có diện tích vừa phải, giá bán phù hợp túi tiền của các hộ gia đình trẻ, người lao động và có vị trí tiện lợi cho sinh hoạt, làm việc của người lớn và học tập của con trẻ. “Tuy nhiên, đây lại là một “vấn nạn” của các đô thị!”, ông Đỉnh nhấn mạnh.

Đáng nói, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lại đề xuất “luật hóa” loại hình này dưới cái tên là “nhà ở nhiều tầng nhiều hộ ở của hộ gia đình, cá nhân”!?

“Tức là nếu một hộ gia đình, cá nhân có thửa đất ở vài trăm mét vuông thì có thể xây dựng chung cư mini để bán mà không cần phải thành lập doanh nghiệp, không cần lập dự án đầu tư để thực hiện thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản? (Gồm các thủ tục: chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất/cho thuê đất, định giá đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi/thiết kế cơ sở, thẩm duyệt PCCC, cấp GPXD, nghiệm thu PCCC, nghiệm thu công trình đủ điều kiện khai thác, vận hành...)”, chuyên gia này đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, ông Đỉnh cho biết, Điều 57 dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi bản mới nhất (trình Hội nghị Đại biểu chuyên trách cuối tháng 8.2023) lại cho phép chủ nhà được lựa chọn cấp “sổ hồng” riêng đối với từng căn hộ.

Điều 57 dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi bản mới nhất (trình Hội nghị Đại biểu chuyên trách cuối tháng 8/2023) cho phép chủ nhà được lựa chọn cấp “sổ hồng” riêng đối với từng căn hộ.

Điều này sẽ dẫn đến loại hình chung cư mini được “luật hóa” và không khác gì căn hộ chung cư thông thường. Theo đó, một hộ gia đình trẻ với tài chính 700-800 triệu cũng có thể mua một căn hộ chung cư mini diện tích 30m2 và được cấp “sổ hồng” giống hệt như mua căn hộ trong dự án?

Theo ông Đỉnh, nếu chính sách này được thông qua, chắc chắn sẽ dẫn đến chung cư mini “đã hot ngày càng hot hơn”, người dân sẽ càng đổ xô mua chung cư mini, sẽ hình thành làn sóng đi lùng mua các lô đất ở kề cận để hợp thửa, xây chung cư mini bán tràn lan thay vì khuyến khích phát triển nhà ở theo dự án, đảm bảo kết nối hạ tầng đồng bộ.

Đặc biệt, ngoài vấn đề an toàn, PCCC thì việc giải quyết hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (trường học, y tế, hành chính, dịch vụ...) cho các hộ gia đình mua chung cư mini sẽ chồng chất thêm cho chính quyền các đô thị Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng... nếu “luật hóa” chung cư mini.

Từ đó, Ths. Nguyễn Văn Đỉnh kiến nghị, không “luật hóa” chung cư mini, trái lại cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ loại hình này. Đặc biệt, không công nhận giao dịch mua bán căn hộ chung cư mini, kiên quyết không cấp “sổ hồng” riêng đối với từng căn hộ chung cư mini để không làm bùng phát loại hình này, tránh nguy cơ mất an toàn và quá tải hệ thống hạ tầng đô thị.

“Nếu hộ gia đình, cá nhân nào có quyền sử dụng đất ở, muốn xây chung cư thì phải thành lập doanh nghiệp/hợp tác xã và lập dự án đầu tư để thực hiện thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản”, ông Đỉnh kiến nghị.

Khiêm Phạm
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.