ThS. Hồ Bá Tình

ThS. Hồ Bá Tình
Chuyên gia kinh tế

Thiên nga đen phủ bóng

12/04/2020 9:24 AM
ThS. Hồ Bá Tình ThS. Hồ Bá Tình
CafeLand - Đang ngồi miên man suy nghĩ “kịch bản nào cho nền kinh tế và làm thế nào để tồn tại trong thời đại dịch”, bỗng nhiên tôi nhận được cú điện thoại của một người bạn. Câu đầu tiên tôi nghe được là: “Tao đóng nhà hàng rồi mày ạ”.

Có lẽ kết cục này không quá bất ngờ, nhưng tôi vẫn xót xa cho nó bởi bao nhiêu tiền dành dụm, bao nhiêu tâm huyết và kỳ vọng đã tan thành mây khói. Một kết cục mà cách đây sáu tháng khi mở nhà hàng anh bạn tôi không thể lường được.

Mặc dù bạn tôi tỏ ra khá điềm tĩnh, nhưng tôi vẫn nhận ra giọng nói đầy lo lắng của nó. Số tiền dành dụm được 600 triệu đồng và số tiền vay bạn bè và người thân 500 triệu đồng đã ra đi nhanh chóng chỉ sau ít tháng mở nhà hàng.

Trước đó, khi mở nhà hàng, nó đã tham vấn ý kiến của nhiều người trong đó có tôi. Từ góc độ vĩ mô hay vi mô, chúng tôi đều đánh giá đây là một dự án khả thi cao. Về phần bạn của tôi cũng rất tự tin vì có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này và đang rất thành công với một nhà hàng quy mô nhỏ hơn.

Tuy nhiên, ở đời chẳng ai học được chữ ngờ. Dịch bệnh viêm phổi do virus corona đã lan tràn trên toàn cầu. Đây có thể xem là một hiện tượng "Thiên nga đen” vì có lẽ chẳng một ai trong chúng ta có thể dự đoán và phòng ngừa trước khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán – Trung Quốc vào cuối tháng 1 vừa qua.

Khi đánh giá kế hoạch kinh doanh nhà hàng cho bạn mình, tôi cũng chỉ lưu ý đến một số rủi ro thị trường và an toàn thực phẩm. Kịch bản “cách ly xã hội”, nhu cầu sụt giảm đột ngột hơn cả khủng hoảng kinh tế do một bệnh dịch nào đó chẳng được tính tới bởi nó chưa từng diễn ra suốt hàng trăm năm qua. Nếu có tính tới thì chắc xác suất sẽ rất thấp và chẳng ai lựa chọn từ bỏ kinh doanh chỉ vì một xác suất thấp như vậy.

Việc nhà hàng của bạn tôi phải đóng cửa “cắt lỗ” như một điều tất yếu. Tiền mình mất thì đành chịu, nhưng số tiền vay bạn bè và người thân hơn 500 triệu thì vẫn chưa có giải pháp để trả nợ. Bởi với tình hình dịch bệnh hiện nay, lo cơm áo gạo tiền hàng ngày cũng đã khó khăn, nói gì đến việc sẽ kiếm được số tiền nửa tỉ đồng để trả nợ. Bạn tôi đã phá sản và lâm vào cảnh nợ nần vì hiện tượng mà giáo sư kinh tế Nassim Nicholas Taleb gọi là “Thiên nga đen”.

Câu chuyện về “Thiên nga đen” bắt nguồn từ việc trước khi phát hiện ra châu Úc, phần còn lại của thế giới tin rằng tất cả các thiên nga trên đời này đều có bộ lông màu trắng. Niềm tin này có được bởi họ chưa từng thấy, chưa từng nghe nói về thiên nga đen có trên đời.

Song trên thực tế, thiên nga đen vẫn tồn tại trên địa cầu, chỉ có điều họ chưa biết mà thôi. Như vậy, những hạn chế trong việc thu thập thông tin, quan sát, học hỏi, tư duy, kiến thức đã làm cho niềm tin của họ bị sai lạc.

Từ câu chuyện này, Nassim Nicholas Taleb là người đầu tiên đề xuất thuật ngữ “Thiên nga đen”, được dùng để nhấn mạnh những sự kiện vượt quá dự đoán bình thường, hiếm có, thậm chí cũng chưa chắc có khả năng xảy ra nhưng ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới tài chính và hệ thống kinh tế toàn cầu. Sự xuất hiện của Covid -19 được xem là một “Thiên nga đen” điển hình hiện nay.

Khi báo chí đưa tin về việc thành phố Vũ Hán – Trung Quốc bị phong tỏa bởi dịch bệnh viêm phổi do virus lạ gây ra, ít ai trong chúng ta hình dung chỉ một tháng sau dịch bệnh đã lan ra toàn cầu, và chưa đến ba tháng sau đã có 1,6 triệu người nhiễm bệnh, gần 100.000 người chết.

Hiện nay, số người chết, người nhiễm bệnh tiếp tục tăng với cấp số nhân. Phần lớn quốc gia có người nhiễm đều đã buộc phải thực hiện biện pháp đóng cửa biên giới, cách ly hoặc giãn cách xã hội. Nhân loại đang phải đối mặt với tình huống thảm họa chưa từng có.

Tôi chắc rằng trong kế hoạch ngân sách, phát triển kinh tế, kịch bản ứng phó với thiên tai của các quốc gia hồi đầu năm chưa tính đến hiện tượng “Thiên nga đen” này. Một số khu vực sản xuất và hầu hết các ngành dịch vụ của hầu hết quốc gia đều đã bị tê liệt. Các quốc gia đang phải chi tiêu lượng ngân sách khổng lồ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong cơn đại dịch. Những kịch bản suy thoái, khủng hoảng tài chính, khủng hoảng ngân sách đang được nhiều quốc gia tính tới.

“Thiên nga đen” cũng không buông tha làng quê của tôi.

Cuối năm ngoái, ở quê tôi có hai nhà máy gia công may mặc và giày da xuất khẩu đã đi vào hoạt động, tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn người. Một không khí phấn khởi rộn ràng khắp làng quê bởi nhiều người có công ăn việc làm, thu nhập cao hơn. Nhiều người đi làm ở tận Miền Nam xa xôi cũng đã về quê làm việc để gần gũi gia đình. Giá bất động sản xung quanh hai nhà máy này cũng tăng vọt.

Tuy nhiên, giờ đây cả hai nhà máy này đều phải đóng cửa, gần 10.000 công nhân mất việc làm. Doanh nghiệp đầu tư hàng nghìn tỉ đồng vào hai nhà máy này đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Trên bình diện quốc gia, việc thực hiện cách ly xã hội ở Việt Nam đang gây ra rất nhiều xáo trộn cho nền kinh tế. Cũng như người bạn của tôi, nhiều doanh nghiệp đang phải lao đao vì hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. Những người thu nhập thấp, không có tài sản tích lũy đang phải vật lộn hàng ngày để có được bữa cơm. Nhiều người bán vé số, kinh doanh vỉa hè có lẽ chưa từng nghe nói đến “Thiên nga đen” cũng đang bị nó quật ngã.

Trên thị trường tài chính, “Thiên nga đen” đã tác động theo kịch bản ít ai có thể ngờ được. Thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm tới 35% chỉ trong vòng một tuần. Có nhiều phiên giao dịch chứng khoán đã giảm trên 12%, buộc các sàn giao dịch phải ngắn kết nối để chấn an tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong cơn đại dịch ngày càng lan rộng, hoạt động kinh tế bị tê liệt chứng khoán Mỹ lại phục hồi gần 30% trong hai tuần qua.

Đối với chứng khoán Việt Nam, tình trạng tương tự cũng đã diễn ra. Có lẽ ít nhà đầu tư của mã cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động, ngôi sao trên thị trường chứng khoán suốt nhiều năm qua, có thể ngờ được mình mất 50% tài sản chỉ sau vài tuần. Nhiều nhà đầu tư chứng khoán không cắt lỗ kịp thời cũng đã bay hơi gần 30-50% chỉ từ đầu tháng 3 đến nay. Tuy nhiên, cũng ít ai ngờ rằng dù đang phải thực hiện cách ly xã hội, chứng khoán Việt Nam lại phục hồi 15% trong hai tuần gần đây.

Dù thị trường chứng khoán đang phục hồi, nhưng khi trao đổi, tôi thấy nhiều nhà đầu tư vẫn giữ quan điểm, cho rằng dịch bệnh này sẽ tiếp tục tác động sâu rộng, lâu dài đến xã hội và kinh tế toàn cầu theo một cách chưa từng có. Trước mắt các quốc gia phải “chữa cháy” bằng cách bơm tiền vào hệ thống tài chính, còn chính phủ phải tăng chi tiêu để “cấp cứu” doanh nghiệp và người dân.

Thực vậy, chỉ tính riêng từ đầu tháng 4 đến nay, Fed đã phải bơm ra hơn 2.000 tỉ đô la Mỹ để mua lại trái phiếu Chính phủ, giấy tờ có giá khác để tránh cho sự sụp đổ của hệ thống tài chính.

Về triển vọng của việc chữa bệnh, tôi cho rằng dù đã có rất nhiều tiến bộ trong y học và việc nghiên cứu về vaccine phòng bệnh, thuốc chữa bệnh Covid-19 đang diễn ra khẩn trương khắp toàn cầu, nhưng chưa thể có ngay giải pháp hiệu quả về y học.

Với đặc tính lây lan nhanh qua tiếp xúc thông thường, những ca nhiễm Covid-19 vẫn không ngừng tăng mạnh ngay cả những quốc gia đã thực hiện biện pháp mạnh mẽ nhất suốt hơn một tháng qua. Do đó, việc cách ly xã hội có thể tiếp tục kéo dài. Những quốc gia phát triển, nơi mà các ngành dịch vụ chiếm hơn 80% GDP, đang bị ảnh hưởng nặng nề. Hiện tượng “Thiên nga đen” làm cho tương lai của thế giới vẫn vô cùng bất định.

Đối với Việt Nam, dù tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát rất tốt, nhưng cái giá mà nền kinh tế Việt Nam phải trả cũng vô cùng lớn. Tôi cho rằng ngay cả khi không còn dịch bệnh thì kinh tế Việt Nam vẫn chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh các quốc gia khác trên thế giới.

Thực vậy, trong những năm gần đây, tăng trưởng xuất khẩu và dòng vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối là yếu tố quan trọng giúp kinh tế khởi sắc. Với tình hình dịch bệnh hiện nay, chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy. Kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiếu nguyên liệu đầu vào, thiếu đơn hàng. Điều này dẫn đến thất nghiệp tăng cao và thu nhập người dân giảm mạnh.

Bên cạnh những tác động tiêu cực của dịch bệnh, tôi vẫn thấy le lói những tia hy vọng. Biết đâu đại dịch có thể giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể trở thành Trung Quốc +1 với nhiều tập đoàn đa quốc gia trong thời gian tới. Đối với mỗi cá nhân, đây có thể là cơ hội đầu tư lớn khi tài sản tài chính, bất động sản có thể giảm về mức giá thực, phù hợp với khả năng chi trả của họ. Như vậy, biết đâu một “Thiên Nga đen” tích cực lại xuất hiện.

Hồ Bá Tình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.