23/04/2014 9:27 AM
“Khi chưa có thay đổi nhiều về chính sách trong bồi thường hỗ trợ tái định cư, thì chắc chắn câu chuyện bức xúc của người dân vẫn như cũ,” nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Đặng Hùng Võ trao đổi với chúng tôi bên lề hội thảo góp ý cho dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Đất đai 2013 do VCCI và Liên minh đất đai (Landa) tổ chức hôm qua, 22-4, tại Hà Nội.

Ông Đặng Hùng Võ. Ảnh TG

- Những vụ việc bất bình của những người dân có đất đai bị thu hồi gần đây có mức độ như thế nào về quy mô, tính nghiêm trọng so với trước đây, theo quan sát của ông?

- Mấy vụ gần đây vẫn là dư âm của việc thu hồi đất của 1-2 năm trước. Gần đây thu hồi đất chủ yếu là để làm hạ tầng, còn thu hồi làm dự án đầu tư thì gần như chững lại. Câu chuyện phức tạp liên quan đến thu hồi đất làm hạ tầng, chính quyền ép cho nhanh, giải phóng mặt bằng cho kịp tiến độ giải ngân,… Khi chúng ta chưa có thay đổi nhiều về chính sách trong bồi thường hỗ trợ tái định cư, thì chắc chắn câu chuyện bức xúc vẫn như cũ. Và người dân vẫn luôn cảm thấy bất bình, tức những bức xúc vẫn chưa được cải thiện, chưa được giải tỏa.

- Mới đây nhất, vụ Hà Tĩnh đang diễn ra, ông thấy thế nào?

- Đó chỉ là một trong rất nhiều vụ như vụ ở Thái Bình, vụ Tiên Lãng,… Tất cả những vụ đó là những cảnh báo mà chúng ta phải rất thận trọng, cẩn trọng trong việc đưa ra các chính sách có liên quan đến bồi thường hỗ trợ tái định cư.

- Về việc thu hồi đất, ông có thấy có sự thay đổi mang tính tích cực nào không trong các chính sách sắp ban hành?

- Có sự thay đổi nhất định. Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Tiêu chí này đã ghi trong Hiến pháp rồi. Ngoài ra, các dự án nhóm A, các dự án 100% vốn FDI cũng đã bị loại ra khỏi danh sách được Nhà nước thu hồi đất. Việc thu hồi đất được cải thiện theo mức độ đó theo hướng thu hẹp hơn trước đây. Tuy nhiên, về bồi thường hỗ trợ tái định cư thì tinh thần chung vẫn tiếp thu Nghị định 69, tức chưa có gì mới hơn, hay sáng tạo hơn. Thực tế đang đòi hỏi những bước tiến mới hơn để bảo vệ quyền lợi của những người mất đất.

Theo tôi, chúng ta cần phải làm thận trọng hơn nữa với tư duy dài hơn nữa sao cho có hệ thống nghị định ổn định. Tránh trường hợp trước đây bị phê phán là có quá nhiều văn bản dưới luật, có đến 300, hay 500 văn bản thì nhiều quá. Nếu chúng ta đểnh đoảng trong việc chuẩn bị nghị định, thì chúng ta lại rơi vào tình trạng là phải sửa sau 1-2 năm nữa. Lúc này chúng ta rất cần một tầm nhìn dài hạn, thà rằng Nghị định ban hành chậm đi nửa năm, còn hơn là ban hành rồi lại phải sửa tiếp.

- Vậy trách nhiệm của nhà nước trong việc công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch đất đai hiện nay như thế nào?

- Công khai, minh bạch, đồng thuận là những yếu tố rất cần thiết đối với thu hồi đất. Người dân cần sự công khai. Theo tôi, người dân Việt Nam không quá tị nạnh nhiều về lợi ích đâu. Người dân nói với tôi rằng, họ ghét nhất sự không minh bạch, không công bằng. Họ cần biết, khi bị thu hồi đất có ai được đền bù hơn ai đồng nào không. Có thể người dân bị thu hồi đất không được bồi thường như thực tế, nhưng thấy minh bạch, và công bằng thì họ sẽ ủng hộ. Thực tế đã chứng minh, khi minh bạch, công bằng thì người dân có ca thán, chống đối gì đâu? Họ thậm chí cống hiến cả nhà cửa. Nhưng nay thấy trong quá trình thu hồi đất, có nhiều người giàu lên, mà họ phải hi sinh, thì đó là câu chuyện.

- Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013 có đảm bảo tính minh bạch?

- Dự thảo quy định sự minh bạch khá tốt trong thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư, minh bạch trong quy hoạch đất, trong thủ tục hành chính. Tuy nhiên, còn thiếu minh bạch trong giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất,… tức là mang lại lợi ích cho một tổ chức, hay một cá nhân nào đó, thì còn chưa minh bạch. Nghị định cần hoàn thiện việc này.

Ông Đặng Hùng Võ: "Bộ Tài nguyên môi trường đang soạn thảo 3 dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai 2013, tuy nhiên, lại ghi chú là chỉ lưu hành nội bộ. Đã lưu hành nội bộ thì không thể góp ý được. Vì thế, nhiều góp ý của các tổ chức như VCCI, hay Landa cũng không được tiếp thu."
Tư Hoàng (Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.