Đó là ý kiến của GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về dự án Luật Thuế Tài sản của Bộ Tài chính đang gây nhiều tranh cãi hiện nay.
Tham vọng quá lớn?
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến xây dựng cho dự thảo xây dựng dự án Luật Thuế tài sản, trong đó với nhà ở có 2 phương án đánh thuế. Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên, hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên. Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế tài sản là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng. Mức thuế suất được áp dụng cho phần vượt lên ngưỡng quy định là 0,4%.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, dự thảo này chủ yếu đổi mới sắc thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, có đánh thuế vào nhà ở và các tài sản khác đầu tư trên đất. Việc nâng cao mức thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và đánh thuế vào nhà ở là giải pháp để tăng nguồn thu cho phát triển hạ tầng, dịch vụ công cộng và nâng cấp đô thị.
Ngoài ra, đánh thuế cũng giúp ngăn đầu cơ, tích trữ nhà đất, tạo điều kiện giảm giá bất động sản, giảm chi phí về đất đai cho sản xuất hàng hóa, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Chưa kể, việc này cũng điều chỉnh phân bố dân cư trong quá trình đô thị hóa, ngăn dòng người đổ về kiếm sống tại các đô thị lớn, ông Võ nói.
Tuy nhiên, về phạm vi tính thuế tài sản, ông Võ cho rằng đề xuất của Bộ Tài chính cũng lại rơi vào tình trạng tham vọng quá lớn. Một trong những nguyên tắc quan trọng cần bảo đảm là sắc thuế tài sản không kìm hãm đầu tư phát triển, mục tiêu đánh thuế cần đưa ra thật rõ ràng. Chính vì vậy, lúc này cần tập trung vào đổi mới bước tiếp theo đối với thuế sử dụng đất phi nông nghiệp để trở thành thuế bất động sản.
Đánh thuế như thế nào?
GS Đặng Hùng Võ cho rằng, với đề xuất thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tỷ suất thuế hiện tại 0,03% được đưa lên mức 0,4% đối với đất ở, từ 0,3% tới 0,52% đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, 1% đối với đất không đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích và 2% đối với đất lấn chiếm. Việc tỷ suất thuế này nâng lên khoảng 13 lần như vậy là phù hợp.
“Như ví dụ của chính tôi, hiện chỉ phải nộp một triệu đồng thì có thể sắp tới phải nộp 13 triệu đồng mỗi năm. Nếu thu nhập không đủ để nộp, buộc tôi phải lựa chọn giải pháp hoặc bán chỗ ở hiện tại chuyển sang ở nơi khác có mức thuế thấp hơn, hoặc cho thuê một phần để đủ tiền nộp thuế”, ông Võ dẫn chứng và khẳng định rằng tỷ suất này phù hợp với khu vực đô thị, ven đô thị và vùng được quy hoạch thành đô thị. Đối với vùng nông thôn, miền núi có thu nhập còn rất thấp, Giáo sư Võ đề xuất giữ nguyên tỷ suất thuế hiện tại.
“Việc cần bổ sung là mức lũy tiến khi sử dụng đất vượt hạn mức, có thể xác định theo thể thức như hiện hành, sử dụng đất dưới 3 lần hạn mức, tỷ suất thuế tăng 2,5 lần còn vượt quá 3 lần, tỷ suất thuế tăng 5 lần”, ông Võ nhấn mạnh.
Nói về đề xuất đánh thuế nhà ở với thuế suất 0,4% và xác định ngưỡng chịu thuế 700 triệu đồng, ông Võ cho rằng điều này trái với kinh nghiệm tốt trên thế giới, việc này sẽ dẫn đến kìm hãm đầu tư về nhà ở.
Ở các nước trên thế giới, các sắc thuế nêu trên chỉ tập trung vào những địa bàn phát triển, không tạo gánh nặng nghĩa vụ tài chính cho nhóm người nghèo, người có thu nhập thấp, phù hợp với nguồn thu nhập của dân cư đối với từng giai đoạn phát triển. Do vậy cần đánh thuế theo diện tích sử dụng trên đầu người. Theo chiến lược phát triển nhà ở, mức diện tích bình quân đầu người cần đạt được là 25m2. Như vậy, thuế nhà ở nên áp với hạn mức từ 25m2 trên đầu người trở lên, với thuế suất phù hợp với từng khu vực, ông Võ nói thêm.
Về khu vực áp dụng, theo ông Võ trước hết sắc thuế này không nên đánh vào khu vực nông thôn và miền núi mà chưa được quy hoạch thành đô thị. Tiếp theo, tỷ suất thuế tính trên diện tích được xác định theo từ đô thị loại 2 trở xuống, theo từng khu vực đối với đô thị loại 1 và đô thị loại đặc biệt, theo khu vực ngoại vi của từng loại đô thị và theo khu vực nông thôn được quy hoạch thành đô thị. Thuế này cũng được đánh lũy tiến theo cách tương tự như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
-
Bộ Tài chính đang nghiên cứu đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất
Bộ Tài chính cho rằng để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, cần nghiên cứu giải pháp thu thuế đối với nhà nói chung hay thuế đối với sở hữu nhiều nhà, đất nói riêng.
-
Bộ Xây dựng tiếp tục đề xuất giải pháp hạn chế “lướt sóng” trên thị trường bất động sản
Bộ Xây dựng kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền có chính sách thuế nhằm hạn chế hoạt động đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời. Nghiên cứu có chính sách đánh thuế đối với nhà, đất thứ hai, nhà, đấ...
-
Bộ Xây dựng yêu cầu Bộ Tài chính cùng nghiên cứu chính sách thuế với nhà đất thứ hai
Đề xuất trên được Bộ Xây dựng nêu trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về nguyên nhân bất động sản tăng giá.