26/06/2020 12:28 PM
CafeLand - Báo cáo Cập nhật diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu - tháng 6/2020 của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, tâm lý đầu tư của các nhà đầu tư trên thế giới đã hồi phục nhưng vẫn thận trọng. Dòng tiền đầu tư trên thế giới chuyển hướng sang thị trường trái phiếu, trong khi đó, dòng tiền đầu tư từ thị trường Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhà đầu tư cá nhân.

Dòng tiền đầu tư trên thế giới: Chuyển hướng sang thị trường trái phiếu

Các nước lớn như đi đầu trong làn sóng nới lỏng tiền tệ và tài khóa mạnh mẽ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố nới lỏng định lượng không giới hạn, tổng tài sản hiện đã ở mức cao lịch sử là hơn 7,1 nghìn USD và cam kết duy trì lãi suất gần 0 ít nhất tới 2022. Những nước không thể giảm thêm lãi suất như Nhật, EU thì đều công bố các gói kích thích kinh tế cao kỷ lục (989 tỷ USD, 825 tỷ USD). Trung Quốc hạ lãi suất 2 lần và công bố gói kích thích trị giá 559 tỷ USD. Hầu như tất cả các NHTW trên thế giới đều cắt giảm lãi suất nhiều hơn 1 lần kể từ đầu năm 2020 đến nay, củng cố xu hướng giảm của lãi suất.

Niềm tin vào tác động tích cực từ các gói cứu trợ cộng hưởng với môi trường tiền rẻ đã khiến dòng tiền chảy vào các quỹ tiền tệ chậm lại và chuyển hướng sang trái phiếu. Có hơn +173 tỷ USD đổ vào các quỹ trái phiếu trong 10 tuần liên tiếp, trong đó tập trung nhiều trái phiếu lợi tức cao và trái phiếu doanh nghiệp Mỹ, Tây Âu, chủ yếu nhờ FED thông báo sẽ đứng ra mua lại trái phiếu doanh nghiệp lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của tổ chức này.

Dòng tiền đầu tư vào cổ phiếu dao động khá mạnh. Cùng với các gói kích thích, dịch bệnh được kiểm soát giúp các nước Châu Âu và Châu Á nới lỏng phong tỏa, số liệu thị trường việc làm Mỹ tích cực và kỳ vọng về vắc xin là những yếu tố khiến các nhà đầu tư lạc quan.

Ở chiều ngược lại, căng thẳng Mỹ - Trung leo thang sau sự kiện Trung Quốc thông qua đạo luật An ninh với Hồng Kông, diễn biến giá dầu và nỗi lo làn sóng dịch bệnh thứ 2 trên toàn cầu vẫn đè nặng lên tâm lý giới đầu tư. Các quỹ cổ phiếu ghi nhận dòng tiền vào trong nửa đầu tháng 4 nhưng rút mạnh trong tháng 5 và lại quay trở lại từ đầu tháng 6 đến nay. Tính chung lại, từ tháng 4 đến nay, các quỹ cổ phiếu có dòng tiền vào là +8.8 tỷ USD nhưng phân hóa mạnh, các thị trường phát triển có +44.5 tỷ USD đổ vào trong khi các thị trường mới nổi bị rút ròng -35.8 tỷ USD (ghi nhận 17 tuần rút ròng liên tiếp).

Trung Quốc và Hàn Quốc là 2 thị trường mới nổi bị rút ròng nhiều nhất tại khu vực Châu Á. Dòng tiền rút khỏi 2 thị trường này trong 10 tuần gần đây lần lượt là -13 tỷ USD và -7.8 tỷ USD. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và dịch bệnh quay trở lại có thể là đòn giáng mạnh vào kỳ vọng hồi phục trong nửa cuối 2020 của 2 quốc gia này. Ngoài ra, dòng tiền cũng bị rút mạnh khỏi các quỹ đầu tư EM toàn cầu và các ổ dịch hiện nay (Brazil, Mexico, Ấn Độ). Diễn biến dòng vốn cho thấy tâm lý đầu tư nhìn chung vẫn thận trọng.

Các nhà đầu tư cá nhân là động lực chính cho sự hồi phục mạnh mẽ của các thị trường chứng khoán thế giới. Bất chấp các công bố tăng trưởng GDP âm trong Q1.2020 và triển vọng tồi tệ hơn trong Q2, chỉ số chứng khoán thị trường Mỹ tăng trên 40% từ vùng đáy tháng 3, MSCI châu Âu và Nhật tăng trên dưới 25%, MSCI các thị trường mới nổi tăng hơn 30%. Số tài khoản Robinhood (Mỹ)- ứng dụng giao dịch cổ phiếu dành cho NĐT cá nhân đã tăng từ 1 triệu (2016) lên 10 triệu tài khoản, trong đó hơn 50% là những NĐT lần đầu tiên tham gia vào TTCK với tuổi đời bình quân chỉ 31 tuổi. Đại diện Robinhood cho biết chỉ riêng tháng 3, khối lượng giao dịch trung bình của các khách hàng đã tăng gấp 3 lần bình quân 2019 và tiếp tục tăng lên trong tháng 4, 5. Hiện tượng này diễn ra ở nhiều thị trường, các nhà đầu tư nhỏ lẻ với mức độ chấp nhận rủi ro cao đánh cược vào khả năng vực dậy nền kinh tế của các Chính phủ và các NHTW đã khiến thị trường nói chung và cổ phiếu các công ty trên bờ vực phá sản nói riêng hồi sinh mạnh mẽ.

Dòng tiền đầu tư từ thị trường Việt Nam: Tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhà đầu tư cá nhân

Trong khi đó, TTCK Việt Nam nằm trong nhóm các thị trường giảm điểm sâu nhất trong tháng 3 “đen tối” vừa qua nhưng cũng là một trong những thị trường có mức hồi phục mạnh nhất, chỉ số Vnindex đã tăng 36% từ mức đáy 662 điểm (31/3/2020) lên 900 điểm (10/6/2020).

Dòng tiền dồi dào từ các NĐT cá nhân trong nước thúc đẩy đà tăng của chỉ số. Chỉ riêng trong 3 tháng (3-5/2020), có gần 100 nghìn tài khoản mở mới – cao đột biến trong nhiều năm trở lại đây.

Dòng vốn nước ngoài của các quỹ đầu tư chủ động (active fund) đóng góp khá nhỏ bé trong đợt hồi phục này và có sự cải thiện trong những tuần gần đây. Dòng vốn các quỹ đầu tư có trở lại TTCK Việt Nam trong tháng 5 nhưng đã quay đầu rút ròng trong 2 tuần đầu tháng 6. Giao dịch của khối ngoại trên TTCK có phần cải thiện sau chuỗi bán ròng liên tiếp 3 tháng nhưng các phiên mua ròng và bán ròng vẫn đan xen. Nếu loại trừ các giao dịch đột biến liên quan đến mua/bán cổ phần tại VHM và MSN, tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại vẫn bán ròng 17.8 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Các quỹ đầu tư chủ động ở Vietnam: Tỷ trọng tiền mặt của quỹ VEIL (Dragon Capital) – quỹ chủ động lớn nhất tại thị trường Việt Nam đã liên tục tăng từ đầu tháng 3 (1.31% AUM) đến giữa tháng 5 (6.38% AUM) nhưng giảm mạnh sau đó, hiện ở mức 1.84% AUM cho thấy quỹ này đã tái cơ cấu mạnh danh mục đầu tư. Một quỹ lớn khác là VOF (Vinacapital) duy trì tỷ trọng tiền mặt tại cuối tháng 5 là 5.6%, cao hơn mức 4.4%-5.0% của giai đoạn tháng 3 và tháng 4, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức đầu năm là 6.4% AUM. Một số quỹ khác cũng gia tăng tỷ trọng tiền mặt mạnh vào tháng 3 nhưng đã giải ngân trở lại trong tháng 4.

Dòng vốn ETF có diễn biến tích cực với 943 tỷ vốn tăng thêm tính từ đầu tháng 5 đến nay. Đóng góp chủ yếu là từ các quỹ ETF nội là VFMVN Diamond ETF (+1.133 tỷ) và SSIAM VNFIN Lead ETF (+271 tỷ).

Câu chuyện về kiểm soát dịch bệnh thành công, làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, chính sách thúc đẩy đầu tư công vẫn tạo nên sức hấp dẫn với thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn. Chúng tôi nhận thấy sau dịch bệnh, khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Vietnam vẫn rất tốt. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, yếu tố rủi ro đang ở mức khá cao bởi thị trường tăng dựa vào dòng tiền của NĐT cá nhân trong thời gian vừa qua, có thể vào nhanh nhưng cũng rút rất nhanh khi có biến động mạnh

Hồ Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.