12/12/2014 9:20 AM
Đó là quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc (ảnh), Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý HASCON, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học EEI trong buổi lấy ý kiến các chuyên gia kinh tế, hàng không về dự án xây dựng sân bay (SB) Long Thành do Ủy ban Thường Vụ Quốc hội tổ chức tại TPHCM hôm nay 12-12. TS.Phúc sẽ phân tích rõ những nguyên nhân khiến ông đưa ra nhận định này.

Sân bay Tân Sơn Nhất: 80 triệu hành khách/năm

Theo TS.Phúc, SB Tân Sơn Nhất (TSN) có thể nâng cấp lên tới 80 triệu hành khách (HK)/năm, với tổng đầu tư chỉ 3 tỷ USD. Trước mắt, việc nâng cấp TSN lên tối thiểu 56 triệu HK/năm mà không cần di dời dân hoàn toàn có thể thực hiện được. Đất dùng cho việc mở rộng là khu vực đất trống 36ha và nơi làm sân golf 159ha. Điều này dựa trên việc phân tích năng lực của một SB phụ thuộc ba yếu tố chính là đường băng, nhà ga, bãi đỗ.

Vị trí được quy hoạch xây sân bay Long Thành (hình chữ nhật màu xám). Ảnh: CTV

Hiện hai đường băng của TSN dài 3.800 mét và 3.200 mét, rộng 45 mét, đạt tiêu chuẩn quốc tế, có thể cất - hạ cánh những máy bay lớn nhất hiện nay (kể cả A380 với 850 hành khách). Với mật độ 29 chuyến bay/giờ, bình quân mỗi máy bay chở 220 HK thì cũng có thể đạt 56 triệu HK/năm. Công suất ga quốc nội hiện tại là 8 triệu HK/năm, ga quốc tế 12 triệu HK/năm, để đón 56 triệu HK/năm chỉ cần xây thêm 3 nhà ga tương tự ga quốc tế hiện hữu (3 nhà ga x 12 triệu HK/năm = 36 triệu HK/năm). Mỗi nhà ga sử dụng 16ha đất, ba nhà ga chỉ sử dụng 16 x 3 = 48ha. Số lượng bãi đỗ trong khuôn viên TSN hiện nay là 47, nếu tăng từ 20 triệu HK/năm lên 56 triệu HK/năm thì phải xây thêm 85 bãi. Tổng vốn đầu tư cho việc nâng cấp này theo tính toán của TS Phúc chỉ khoảng 1,635 tỷ USD.

Việc nâng cấp TSN lên 80 triệu HK/năm sau 2050 theo ông cũng hoàn toàn thực hiện được nếu di dời bớt các đơn vị quân đội và xí nghiệp hiện đang thuê đất của SB. Cụ thể, TSN cần thêm 156 ha trong 257 ha đất quân đội đang quản lý để xây dựng thêm 2 nhà ga và 57 bãi đỗ cũng như làm thêm đường đi và các công trình phụ khác. Tổng vốn đầu tư cho việc nâng cấp chỉ khoảng 1,22 tỷ USD. Tổng chi phí cho cả 2 giai đoạn nâng cấp TSN lên 80 triệu HK/năm là 1,65 + 1,22 = 2,87 tỷ USD, tiết kiệm được hơn 15 tỷ USD so với việc xây dựng SB Long Thành.

Nhiều số liệu không đúng thực tế

Bộ GTVT lấy con số thống kê tăng trưởng HK của TSN trong giai đoạn 2000 - 2011 là 14% - 19% để làm cơ sở dự báo cho SB Long Thành. Điều này ông Phúc khẳng định không đúng, vì từ năm 2011 ở khu vực miền Nam có thêm 4 SB quốc tế (Cam Ranh, Cần Thơ, Phú Quốc, Liên Khương), do đó số HK bị chia sẻ nên mức tăng trưởng của TSN chỉ còn khoảng hơn 3%. Cùng với đó, Bộ GTVT cũng đưa ra việc SB Long Thành sẽ trở thành SB trung chuyển quốc tế và trung chuyển nối tiếp quốc tế - nội địa. Theo ông Phúc thì SB Long Thành chỉ có thể làm trung chuyển quốc tế cho nước Úc với 20 triệu dân và trung chuyển nối tiếp quốc tế đến khu vực nội địa, cho vùng miền Đông Nam bộ với khoảng 20 triệu dân...

Mô hình sân bay Long Thành

TS.Phúc cũng khẳng định sân bay TSN không bị tắc nghẽn bầu trời và giao thông hay chồng lấn vùng trời với máy bay quân sự Biên Hòa như thông tin Bộ GTVT công bố. Theo ông, TSN khi đạt 80 triệu HK/năm, với tần suất 29 chuyến/giờ thì số chuyến bay xếp hàng để cất hoặc hạ cánh trong 1 giờ là: 29/2 = 14,5 chuyến. Máy bay dân dụng khi cất hoặc hạ cánh thường bay với tốc độ 250km/giờ. Tính ra cự li xếp hàng dọc giữa hai máy bay kế tiếp nhau là 250km/giờ x 1/14,5 giờ = 17,24km. "Như thế thì sao gọi là tắc nghẽn bầu trời được?", ông đặt câu hỏi.

Ông Phúc tiếp tục phân tích việc tắc nghẽn hệ thống giao thông tiếp cận TSN cũng là điều vô lý bởi với 56 triệu HK/năm cộng với số người đi đón và tiễn 2 x 56 = 112 triệu người/năm, với chỉ một lối ra vào TSN trên đường Trường Sơn như hiện nay cũng chỉ mới sử dụng khoảng 60% năng lực của con đường này vào giờ cao điểm. Đó là chưa kể còn có thể mở thêm các cửa cho TSN ở các tuyến Trường Chinh, Phạm Văn Bạch, Tân Sơn, Quang Trung. TSN cách Biên Hòa 25km, SB Long Thành cách SB Biên Hòa 21km, nói TSN chồng lấn với Biên Hòa chẳng lẽ SB Long Thành lại không? Nguyên nhân Bộ GTVT bảo cần xây dựng SB Long Thành vì TSN gây ô nhiễm môi trường khu dân cư nội thành TPHCM, ông Phúc cũng cho rằng không đúng.

"Khi máy bay đã cất cánh, chỉ sau khoảng 15 giây là đã cách xa SB khoảng 1km và đạt độ cao khoảng 75 mét thì khí thải xem như không ảnh hưởng đến môi trường. "Với mật độ 29 chuyến/giờ, lượng khí thải trên đường băng chỉ bằng một nửa lượng khí thải do xe máy xả ra trên các tuyến Cộng Hòa, Nguyễn Văn Trỗi", ông Phúc khẳng định. Cuối cùng ông hóm hỉnh: "Thật ngộ nghĩnh khi dự án xây dựng SB Long Thành khẳng định TSN hiện nay chỉ vận chuyển 20 triệu HK/năm, nếu muốn tăng thêm 20 triệu HK/năm thì phải di dời 500 nghìn người dân quận Tân Bình và đền bù 9,1 tỷ USD. Dân số toàn quận này hiện chỉ khoảng 430 nghìn người, sao có thể di dời tới 500 nghìn dân, chẳng lẽ diện tích sân bay mở rộng sẽ to hơn diện tích cả quận Tân Bình?".

Ngọc Anh (Công an TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.