22/02/2019 9:49 AM
CafeLand - Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đặt câu hỏi tại sao những đơn vị hộ kinh doanh sử dụng hàng chục, hàng trăm lao động nhưng không được xem là doanh nghiệp? Họ chính là các doanh nghiệp tư nhân đích thực nhất. Do đó, cần thúc đẩy họ áp dụng những tiêu chuẩn quản trị tốt để dần lớn lên thành những doanh nghiệp lớn.

Tại hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp dự thảo luật sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp” mới đây, ông Lộc đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của hai luật này đối với sự phát triển của nền kinh tế. Thậm chí, hai luật này còn tạo “cảm hứng” cho các văn bản chuyên ngành về kinh doanh khác.

Tuy nhiên, qua ba năm thực hiện, hai luật Đầu tư và Doanh nghiệp đã bộc lộ các vấn đề cần sửa đổi bổ sung như: thủ tục đăng ký kinh doanh, thủ tục đầu tư, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện… và đặc biệt là hộ kinh doanh.

Cụ thể, thủ tục đăng ký doanh nghiệp được ca ngợi là bước tiến của cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số vướng mắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp, chẳng hạn như việc xác định mã ngành cấp 4 khi đăng ký kinh doanh, thời gian để hoàn thành việc đăng ký doanh nghiệp trên thực tế với quy định của luật vẫn còn vênh nhau; hộ kinh doanh buôn chuyến phải thực hiện nhiều thủ tục không cần thiết (thông báo với cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường ở các địa điểm kinh doanh) …

“Những bất cập này có thể là cản trở, thông điệp ngược cho tinh thần cải cách của đạo luật này”, ông Lộc nói và cho rằng, hộ kinh doanh là vấn đề quan trọng bậc nhất, cốt lõi nhất của việc sửa Luật Doanh nghiệp lần này.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.

Ông cho biết hiện nước ta có gần 5 triệu hộ kinh doanh, chiếm tới 30% GDP. “Một khu vực chiếm tới 30% GDP với hơn 5 triệu thực thể nhưng lại bị loại khỏi Luật Doanh nghiệp. Trong khi về bản chất, chúng chính là các doanh nghiệp. Trong các nền kinh tế trên thế giới, không quốc gia nào bỏ các hộ kinh doanh ra khỏi các phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp cả”, ông Lộc nhận định.

Ông Lộc cho rằng, sự phát triển của 5 triệu thực thể này sẽ là bước đột phá đối với Việt Nam. Tuy bất lợi về quy mô nhưng sức sáng tạo của hộ kinh doanh lại là lớn nhất. Và với Việt Nam, xương sống của nền kinh tế là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chứ không phải là các doanh nghiệp lớn.

Do đó, theo Chủ tịch VCCI, đã đến lúc cần đặt câu hỏi là tại sao những đơn vị hộ kinh doanh sử dụng hàng chục, hàng trăm lao động… nhưng không được xem là doanh nghiệp? Họ chính là các doanh nghiệp tư nhân đích thực nhất. Tại sao không thúc đẩy họ áp dụng những tiêu chuẩn quản trị tốt để dần lớn lên thành những doanh nghiệp đủ lớn?

Giải pháp được vị này đưa ra là cần phải tháo bỏ các rào cản về thuế, về sổ sách kế toán… để hàng triệu hộ kinh doanh có động lực trở thành một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đủ mạnh.

Giải pháp cần làm trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này một mặt là giảm tối đa các điều kiện hoạt động cho nhóm doanh nghiệp chính thức nhỏ và siêu nhỏ, tạo tiền đề để sửa các luật thuế và Luật Kế toán thời gian tới, mặt khác tạo ra cơ chế để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

“Đã tới lúc các hộ kinh doanh, khu vực chiếm đến hơn 30% GDP, cần một khung khổ pháp lý riêng, thậm chí một chương riêng trong Luật Doanh nghiệp, chứ không chỉ phải vài điều khoản trong Nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp như hiện nay”, ông Lộc nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch VCCI, Chính phủ rất chật vật, lo lắng cho mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020, nhưng nếu thay đổi quy định pháp luật, chấp nhận hộ kinh doanh là doanh nghiệp, chúng ta sẽ lập tức có ngay hàng triệu doanh nghiệp.

Đối với Luật đầu tư, mặc dù đã xác định mục tiêu kiểm soát về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, tuy nhiên trên thực tế, việc ban hành các ngành, nghề kinh doanh vẫn ngoài tầm kiểm soát hay chất lượng các điều kiện kinh doanh ở các văn bản pháp luật khác vẫn còn rất nhiều vấn đề.

“Mỗi khi có đợt rà soát lớn nào, như năm 2018 vừa qua với sức ép mạnh mẽ từ cộng đồng kinh doanhvà chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ thì đã các bộ, ngành đều hoàn thành mục tiêu đơn giản hoá và ít nhất 50% điều kiện kinh doanh hiện có như Chính phủ giao”, ông Lộc nói, nhưng cũng chỉ ra rằng, vẫn còn nguyên đó câu hỏi về tính bền vững của việc cắt giảm này, cách thức kiểm soát việc ban hành các điều kiện kinh doanh mới.

“Đây là vấn đề mà Luật đầu tư cần giải quyết, để tránh tình trạng cải cách điều kiện kinh doanh hiện nay như “đá ném ao bèo”!”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

  • Đề xuất bỏ Luật đầu tư, chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp tư nhân

    Đề xuất bỏ Luật đầu tư, chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp tư nhân

    CafeLand - Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO,cho rằng nên bỏ Luật đầu tư. Đồng thời chuyển danh mục ngành, nghề cấm và đầu tư kinh doanh có điều kiện quay lại Luật Doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần loại bỏ hộ kinh doanh (phải đăng ký kinh doanh), để chuyển thành doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.