Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng chia sẻ tại Chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 19/10.
Ngoài vấn đề nhà ở cho người dân thành phố, liệu Bộ trưởng có quan tâm đến nhà ở cho người dân vùng bão lũ không?
Tôi khẳng định Đảng và Nhà nước luôn dành nhiều chính sách ưu tiên về nhà ở cho người dân, đặc biệt với người nghèo không phân biệt ở nông thôn, thành thị. Trong chiến lược nhà ở quốc gia được Chính phủ phê duyệt khẳng định quan điểm mới về phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và người dân.
Trên thực tế trong nhiều năm qua, Nhà nước luôn dành một nguồn ngân sách đáng kể để hỗ trợ các chương trình nhà ở nông thôn, gần đây là Chương trình nhà ở 167, hỗ trợ nhà ở cho hơn 500.000 hộ nghèo (đã kết thúc) và đang làm giai đoạn 2.500 hộ nữa...
Đối với vùng biển ở nước ta có 28 tỉnh ở vùng Duyên hải từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, trong đó có 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận khu vực luôn gánh chịu cơn bão lũ lớn. Do đó, Chính phủ đã Quyết định thực hiện chương trình thí điểm nhà ở tránh bão lũ với 700 hộ và bước đầu đã thành công.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã kí Quyết định 48 để thực hiện đại trà với 40.000 hộ dân nghèo để xây nhà tránh lũ, và Bộ Xây dựng đã phối hợp với các tỉnh miền Trung quyết liệt thực hiện cố gắng hoàn thành 2016.
Với những người công nhân nghèo, có lẽ suốt đời không bao giờ dám mơ sở hữu một căn nhà tử tế. Vậy Bộ Xây dựng đã có giải pháp nào cho họ hay không?
Chiến lược nhà ở giai đoạn 2011-2020, trong đó khẳng định chúng ta không chỉ phát triển nhà ở thị trường mà còn phát triển cả nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu của những người không có khả năng đáp ứng giá thị trường.
Cụ thể hóa chiến lược này, Nghị định 188 của Chính phủ đã và đang thực hiện, trong khi đó có Luật nhà ở dự thảo sẽ trình Quốc hội thông qua Kỳ họp thứ 8 với một chương riêng về phát triển nhà ở xã hội.
Như vậy, thay vì xóa bỏ bao cấp về nhà ở như trong Luật nhà ở 2003 nay chúng ta đã phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường, đồng thời phát triển nhà ở xã hội. Điều này, hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp 2013 là quyền có chỗ ở của người dân, phù hợp với các quan điểm của Đảng về giải quyết mối quan hệ tăng trưởng và phát triển…
Tôi tin rằng, khi Chính sách và Luật được ban hành, cộng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các địa phương, chúng ta sẽ từng bước giải quyết nhu cầu nhà ở của những người có thu nhập thấp.
Với việc triển khai nhiều chính sách nhà ở cho người có thu nhập thấp, liệu chúng ta có đang quay về thời bao cấp và tạo tâm lý ỷ lại cho người dân không?
Tôi không nghĩ như vậy. Người dân Việt Nam cần cù chịu khó, không cam chịu đói nghèo luôn muốn vươn lên để làm giàu và đóng góp cho đất nước, không có nghĩa họ không cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
Với trình độ của nền kinh tế đang ở mức thu nhập trung bình thấp, nếu không có sự hỗ trợ của gia đình, người thân và nhà nước thì người dân khó có thể mua nhà ở đô thị theo giá thị trường. Do đó, Nhà nước đã chủ động đề ra các chính sách hỗ trợ, thực tế hiện nay có trên 80% người có nhu cầu về nhà ở cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
Nhưng sự hỗ trợ ở đây không phải hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, mà bằng tiền sử dụng đất, bằng chính sách tín dụng cho người dân vay với lãi suất thấp, và bằng chính sách giảm thuế đầu ra…
Giá nhà ở qua đó sẽ giảm xuống, tăng cầu sẽ có nhiều người mua nhà, làm nhà. Cùng một lúc chúng ta vừa giải quyết được nhu cầu nhà ở của người dân và góp phần giải quyết khó khăn của nền kinh tế.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!