Nguy cơ “đi trước về sau” đang hiện hữu với Dự án Đường sắt đô thị (metro) Hà Nội, khi mới đây, TP.HCM đã khởi công xây dựng tuyến đường sắt đô thị (metro) Bến Thành - Suối Tiên trị giá 2,1 tỷ USD, với quyết tâm hoàn thành vào năm 2017.
Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội với 4 tuyến là Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo, Nhổn – Ga Hà Nội, Cát Linh – Hà Đông, Yên Viên – Ngọc Hồi được khởi động từ năm 2005 và bắt đầu triển khai năm 2008. Nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, tháng 9/2010, tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội đã chính thức được khởi công. Tiếp theo, tuyến Cát Linh – Hà Đông được triển khai thi công từ giữa năm 2011, nhưng các hạng mục của dự án đang tiến triển chậm chạp, chủ yếu do thiếu mặt bằng và giải ngân vốn đầu tư không đúng kế hoạch.

Trong một nỗ lực được coi là vớt vát tiến độ thực hiện, mới đây, TP. Hà Nội đã yêu cầu Ban Quản lý đường sắt đô thị làm văn bản đề nghị thay thế nhà thầu Vinaconex 2 tại Gói thầu số 4, tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội, do năng lực yếu kém.

Sở dĩ phải nói là “vớt vát”, bởi lẽ, với thực tế không có mặt bằng và thiếu vốn khiến việc thi công tại một số điểm bị đình trệ nhiều tháng nay, thì để đảm bảo tiến độ các đoạn tuyến của Dự án Đường sắt đô thị, việc thay thế nhà thầu yếu kém là chưa đủ. Theo kế hoạch, công tác xây lắp và cung cấp thiết bị dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014, chạy thử trong quý II/2015 và vận hành đoạn tuyến này vào cuối năm 2015, nhưng đến thời điểm này, sau gần một năm thi công và với tiến độ thi công hiện tại, tính khả thi của kế hoạch trên đang ngày một xa vời.

Với quyết tâm thúc đẩy tiến độ Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, cuối tháng 8/2012, Hà Nội đã yêu cầu Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Ban Quản lý Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội thống nhất ký vào bản thỏa thuận quy hoạch đoạn tuyến Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo, với điểm đầu xuất phát tại Nam Thăng Long (Khu đô thị Ciputra) và điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo.

Toàn tuyến có 10 nhà ga (3 ga trên cao và 7 ga ngầm). Đề-pô rộng 17 ha đặt tại Xuân Đỉnh (Từ Liêm). Đúng như đánh giá của các kỹ sư thiết kế, đây là đoạn tuyến gặp nhiều khó khăn nhất trong việc thông qua chỉ giới quy hoạch, bởi chạy qua hàng loạt tuyến phố cổ của Hà Nội và khu vực Hồ Gươm. Việc triển khai thi công đoạn tuyến này sẽ đặt ra nhiều thách thức, khi có hơn 2/3 chiều dài tuyến đường đi ngầm dưới khu vực phố cổ Hà Nội, với nền địa chất vô cùng phức tạp.

Với các ưu điểm được giới thiệu tại đề án phát triển đường sắt đô thị như chiếm ít diện tích, chi phí thấp, ít ảnh hưởng tới môi trường, tính năng vận hành vượt trội, đường sắt đô thị được coi là "cứu tinh" để giải quyết nạn tắc đường tại các đô thị lớn của nhiều quốc gia. Cũng bởi tính ưu việt của đề án, nên ngay từ năm 2007, đề án xây dựng các tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội đã được Hà Nội thông qua và coi đây là một trong những then chốt trong việc xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông của một Thủ đô văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, giữa kế hoạch và thực tế triển khai còn khoảng cách khá lớn. Nếu không có giải pháp kịp thời, cùng với quyết tâm cao thì rất có thể, sau hàng chục năm nữa, hệ thống giao thông đô thị Hà Nội vẫn cũ kỹ và người dân Thủ đô tiếp tục phải hứng chịu nạn ùn tắc giao thông.
Theo Hà Quang (Báo Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.