Gần đây có quan điểm cho rằng việc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới luôn ở mức cao là do cách đây 1 năm NHNN cho phép 5 NHTM (nhóm G5+1) bán vàng huy động để bình ổn thị trường. Trong điều kiện giá vàng thế giới theo xu thế tăng, cơ chế đãi ngộ này khiến nhóm G5+1 bị lỗ, hụt vàng phải đẩy mạnh gom vàng, đã đẩy giá vàng trong nước lên cao. Thực hư vấn đề này ra sao?

Làm rõ tỷ lệ 40%

Nhiều thông tin đăng tải trên một số báo cho rằng NHNN cho phép nhóm G5+1 bán vàng để bình ổn thị trường với tỷ lệ 40%/tổng lượng vàng huy động được, tức giả sử huy động được 1.000 lượng các NHTM được phép bán ra 400 lượng. Thời điểm đó lãi suất tiết kiệm VNĐ lên đến 18-20%/năm, do vậy với việc chuyển 40% vàng huy động thành tiền, các NHTM này lãi lớn.

Huy động vàng tại một NH. Ảnh: CAO THĂNG

Chưa kể, có nghi vấn cho rằng không loại trừ nhóm NHTM này bán hơn tỷ lệ 40% và cơ chế giám sát của NHNN còn lỏng lẻo, tạo cơ hội cho nhóm này kiếm lợi lớn.

Tuy nhiên, trao đổi với ĐTTC, một lãnh đạo NHTM nằm trong nhóm G5+1 cho rằng đó là những quan điểm áp đặt, phỏng đoán và không chính xác. Theo vị này, NHNN chỉ cho phép các NHTM bán 40% lượng vàng tồn kho, chứ không phải 40%/tổng lượng vàng huy động.

2 tỷ lệ này khác nhau, bởi vốn vàng huy động rất lớn, nhưng vốn vàng tồn kho chỉ chiếm 5-10%/tổng vốn huy động, chủ yếu để dự trữ thanh khoản. Thí dụ, NH A. huy động được 100 lượng vàng, sau khi cho khách hàng vay, cho vay liên NH… còn lại tồn kho 10 lượng, chỉ được bán 40% của 10 lượng tồn kho, tức 4 lượng chứ không phải 40 lượng.

Thời điểm đó, tổng huy động vốn vàng của hệ thống NHTM có lúc lên 150.000 lượng, có NHTM huy động được 20 tấn vàng. Theo đó, lượng vàng tồn quỹ của hệ thống NHTM cũng khá cao, nên thời điểm đó NHNN cho các NHTM bán vàng tồn quỹ (ước tính số vàng bán ra khoảng trên 10 tấn) thay vì phải tốn ngoại tệ để nhập khẩu vàng, nhưng rất cân nhắc số lượng bán.

Theo một lãnh đạo NHNN, khi bán 40% vàng tồn quỹ, các NHTM được mua tương đương số vàng đã bán ra trên tài khoản quốc tế. Nhưng NHNN đã yêu cầu các NHTM đóng trạng thái cách đây 6-7 tháng và phải báo cáo NHNN 2 lần/ngày (sáng, chiều), trong đó sao kê tài khoản ở nước ngoài để NHNN nắm được số lượng, giá bán ra, mua vào…

Trước đây, các NH bán vàng bình ổn và mua vàng quốc tế với giá thấp. Nay giá vàng trong nước lên, các NH mua vàng trong nước bị lỗ, nhưng bù vào mua vàng tài khoản quốc tế giá thấp nên có thể hạch toán lấy lãi để bù lỗ. Việc cung cầu vàng bất cập có thể là do sự cố ACB cách đây 1 tháng, hiện tượng dân rút vàng quá lớn, để chi trả các NHTM phải mua vàng tăng cường thanh khoản, đẩy cầu vàng tăng.

Tuy nhiên, việc tăng này còn do người dân dự báo giá vàng thế giới sẽ tăng nên mua vàng nhiều, trong khi NHNN không cho nhập khẩu tạo cung cho thị trường, nên giá vàng trong nước tăng cao hơn thế giới.

Nghiệp vụ vàng kỳ hạn

Gần đây có thông tin nói các NHTM thực hiện nghiệp vụ mua bán vàng kỳ hạn với khách hàng khi giá vàng biến động tăng, không chỉ khiến khách hàng bị lỗ mà nhiều NHTM cũng bị thiệt hại. Đây cũng là nguyên nhân khiến các NHTM mạnh tay gom mua vàng để bù lỗ hợp đồng mua bán vàng kỳ hạn.

Trả lời về vấn đề này, một lãnh đạo NHTM cho rằng về mặt lý thuyết, nghiệp vụ mua vàng kỳ hạn có sự bảo hiểm cho khách hàng và NH trên nguyên tắc phải có tài sản bảo đảm bằng tiền, bất động sản và có một tỷ lệ margin đến mức nào đó phải cắt lỗ (stop loss)… Vấn đề là các NHTM có làm đúng nguyên tắc này không.

Đơn cử, khách hàng A vay 100 lượng vàng giá 42 triệu đồng/lượng, lãi suất 4%/năm, sau đó bán số vàng này cho NH với số tiền 4,2 tỷ đồng. Khi đó khách hàng phải bỏ thêm 600 triệu đồng ký quỹ để có tổng giá trị là 4,8 tỷ đồng trong tài khoản (khách hàng phải có tài sản ký quỹ lớn hơn 10% so với giá trị của vàng).

Nếu giá vàng lên 44 triệu đồng/lượng, khách hàng phải bỏ thêm tiền ký quỹ 200 triệu đồng, tức tài khoản ký quỹ của khách hàng lúc này là 5 tỷ đồng. Nếu giá vàng tiếp tục tăng, khách hàng không còn khả năng đóng thêm tiền ký quỹ, NH sẽ dùng toàn bộ số tiền này mua 100 lượng vàng để thu nợ, tức sử dụng kỹ thuật tài chính để cắt lỗ, tránh được rủi ro trong nghiệp vụ mua bán vàng kỳ hạn cho khách hàng.

Chờ quyết sách từ NHNN

Thực ra, tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã có từ rất lâu chứ không phải khi NHNN cho phép bán vàng bình ổn mới diễn ra. Ở từng thời điểm mức chênh lệch này khác nhau, nhưng trên đồ thị biến thiên giữa giá vàng quốc tế và nội địa vẫn có những điểm tương đồng theo xu hướng giá. Ở đây cần nhấn mạnh nguyên tắc “nước lên, thuyền lên”, tức khi khách hàng mua vàng vật chất trong nước với giá cao, hôm sau giá vàng lên họ vẫn có thể bán ra với giá cao hơn. Khách hàng chỉ bị thiệt khi mua vàng trong nước giá cao và bán vàng theo giá quốc tế.

Để thu hẹp giá vàng trong và ngoài nước là công việc không dễ. Vấn đề này đã được NHNN đưa vào chiến lược tổng thể về quản lý thị trường vàng. Theo đó, NHNN đang cân nhắc có nên cân đối ngoại tệ cho nhập vàng hay không, cân nhắc cho các NHTM tiếp tục bán vàng tồn quỹ vì đang muốn đóng lại trạng thái cũ năm ngoái. Đến nay NHNN cũng chưa có động thái có nên chấm dứt hẳn việc cho phép các NHTM dừng huy động vàng (đến ngày 25-11-2012) hay tiếp tục gia hạn. Nhưng ở một góc độ khác, nếu không cho kinh doanh vàng tài khoản khó có thể thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Điều này đang đòi hỏi NHNN phải có sự lựa chọn chính sách phù hợp. Trong đó, có thể lựa chọn giải pháp đã được nêu trong chương 7 của Pháp lệnh Ngoại hối về việc cung ứng dịch vụ ngoại hối của tổ chức tín dụng được phép. Theo đó, có thể mua bán vàng qua tài khoản với các NHTM theo sát giá quốc tế, đồng thời NHNN không phải tốn ngoại tệ nhập vàng để giải quyết nhu cầu vàng trong nước.

Minh Trung

Theo Mai Thảo (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.