Tin vào tiềm lực, sự đàng hoàng và đẳng cấp của các dự án gắn mác ngoại, nhiều khách hàng trong nước không ngại rót tiền mua căn hộ.

Dự án Deawoo Cleve đắp chiếu, khách hàng khó đòi tiền

Thế nhưng, khách hàng cũng khốn đốn khi nhiều dự án của doanh nghiệp nước ngoài bê bết về tiến độ, trong khi chủ đầu tư khất lần chuyện tiền nong.

Kỳ kèo tiền phạt, không hẹn ngày trả tiền

Năm 2011, khi thị trường căn hộ cao cấp bước vào thời kỳ “băng hà”, nhiều khách hàng vẫn quyết định mua căn hộ Deawoo Cleve (quận Hà Đông) của chủ đầu tư, Công ty Hibrand Việt Nam, thuộc Tập đoàn Inpyung (Hàn Quốc), bởi niềm tin vào tiềm lực tài chính của chủ đầu tư ngoại. Thế nhưng, thị trường bất động sản khó khăn kéo dài đã khiến Dự án Deawoo Cleve cũng giống như bao dự án nội địa khác, rơi vào tình trạng “đắp chiếu”.

Sau 3 năm nộp tiền mua căn hộ, đến hạn bàn giao nhà nhưng dự án mới chỉ triển khai xong phần đế công trình và chưa biết khi nào mới có thể hoàn thiện, nhiều khách hàng muốn rút vốn khỏi dự án này.

Theo điều khoản hợp đồng, nếu chậm quá thời hạn bàn giao nhà, khách hàng có thể đơn phương hủy hợp đồng và đòi lại tiền góp vốn, đồng thời, chủ đầu tư sẽ chịu mức phạt 20% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, việc hủy hợp đồng và đòi tiền trên thực tế không hề đơn giản.

Bà Trần Thị Vân Anh cho biết, yếu tố ngoại, cộng với các điều khoản hợp đồng do chủ đầu tư đưa ra rất chặt chẽ khiến bà tin tưởng tuyệt đối và đã đóng hơn 1,6 tỷ đồng để mua căn hộ Dự án Deawoo Cleve. Thế nhưng, đến hạn bàn giao, dự án mới xây xong đế tòa nhà, quá thất vọng, nên bà muốn rút vốn theo quy định hợp đồng. Đến lúc này, chủ đầu tư giở đủ bài, gây khó khăn và chây ỳ việc trả tiền góp vốn cho khách hàng. Mặt khác, doanh nghiệp cũng không tuân thủ đúng hợp đồng khi liên tục đòi thỏa thuận lại khoản phạt chậm bàn giao, từ 20% xuống 10%, rồi lại 5%. Dù vậy, thời hạn trả tiền gốc và tiền phạt của chủ đầu tư cũng không biết khi nào mới được tiến hành, với lý do đưa ra là… không còn tiền để trả!

Một khách hàng khác của dự án này là ông Nguyễn Thái Phiên, mua căn hộ tại Tòa CT2B từ năm 2010 cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Phiên cho biết, sẽ khởi kiện chủ đầu tư này.

Cư dân nếm trái đắng

Cũng là một doanh nghiệp của Hàn Quốc, song Hyundai RNC Hà Tây, chủ đầu tư Dự án Hyundai HillState (quận Hà Đông) có vẻ nghiêm túc hơn trong việc triển khai dự án. Cụ thể, trong lúc thị trường gặp khó khăn, doanh nghiệp này đã hoàn thiện dự án phần lớn bằng vốn tự có. Sự quyết đoán trong việc triển khai giúp dự án từng xảy ra nhiều tai tiếng tranh chấp trong việc thanh toán hợp bằng bằng ngoại tệ này vẫn trở thành một sản phẩm có sức hấp dẫn với người mua. Việc giảm giá bán khi dự án đã hoàn thiện càng tạo thêm sức hút đối với nhiều người có nhu cầu mua căn hộ tại dự án này.

Thế nhưng, khi mua căn hộ và chuyển đến sinh sống, cư dân mới phát hiện ra nhiều bất cập về chất lượng công trình, cũng như cách tính phí dịch vụ vô lý. Đặc biệt, tại các ô nhà biệt thự, chủ đầu tư còn tính cả diện tích vỉa hè vào giá bán, khiến cư dân rất bức xúc. Tuy nhiên, kiến nghị của cư dân sau này không được chủ đầu tư giải quyết.

Không chỉ tại Deawoo Cleve và Hyundai HillState, khách hàng mới ăn trái đắng với dự án có mác ngoại. Bởi trước đó, tại Dự án Keangnam Landmark Tower, các tranh chấp liên quan đến phí quản lý, diện tích căn hộ và thanh toán mua căn hộ bằng ngoại tệ cũng diễn ra gay gắt kéo dài giữa khách hàng với chủ đầu tư và đơn vị quản lý tòa nhà. Thậm chí, hai bên phải đưa nhau ra chốn pháp đình.

Thực tế, tại các tranh chấp hợp đồng mua nhà liên quan đến chủ đầu tư ngoại cho thấy, khách hàng sẽ rất khó khăn trong việc đòi lại quyền lợi chính đáng của mình khi chủ đầu tư vi phạm hợp đồng, bởi các doanh nghiệp này luôn có điệp khúc giống nhau là… chờ công ty mẹ ở nước ngoài.

Nguyên Minh (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.