Trên thực tế hiện nay, không ít khu chung cư, đô thị, khu biệt thư liền kề được đầu tư tiền tỉ, nhưng chỉ để “đắp chiếu” và khu đô thị (KĐT) Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm – Hà Nội) là một minh chứng. Vì bỏ hoang nên, người dân thản nhiên chăn thả gia súc, đổ rác, hút chích... gây ô nhiễm mỗi trường và tiềm ẩn nhiều dịch bệnh khó lường.
Khu đô thị “nghìn tỉ” chỉ để thả trâu, bò
Nghe có vẻ nực cười, nhưng đó là thực tế của KĐT Xuân Phương. Bác Hoàng Văn Chiến (trú tại phường Phương Canh) sống gần KĐT, cho biết: Trước kia, thấy người ta quây kín, sau một thời gian thì thấy xây cả một dãy nhà khang trang, thế mà bỏ hoang, thật lãng phí.
Tò mò về việc KĐT đẹp đáng giá “nghìn tỉ” lại trở thành khu thả trâu, bò, tôi tiếp cận một người tên Nguyên (chủ nhân của đàn trâu, bò thả trong KĐT - PV), người đó cho hay, KĐT này lâu nay không có người ở, nên cỏ mọc rất xanh và non rất thích hợp cho trâu ăn cỏ. “Từ ngày thả trâu, bò ở đây, chúng lớn nhanh, mà mình lại không phải mất sức, mất công để ý sợ trâu đi lạc” – anh Nguyên hớn hở khoe.
Nhiều lần tiếp cận KĐT bỏ hoang Xuân Phương, nhưng không khó “qua mặt” bảo vệ để vào sâu bên trong tìm hiểu. Vào trong KĐT, điều mà phóng viên thấy buồn hơn là đây không chỉ là nơi thả trâu, bò mà còn là nơi đổ rác của nhiều hộ dân sống gần KĐT. Lý giải về điều này, người dân sống gần đó cho biết, vì lượng rác thải trong dân nhiều, trong khi KĐT bỏ hoang không ai ở, không ai quản lý, nên người dân “thoải mái” xả rác. Thực trạng trên cho thấy, người dân chỉ nghĩ về việc đổ rác ở nơi xa mình ở, nhưng lại không nghĩ về hành động của mình đã gây ô nhiễm môi trường chung. Không những thế, nhiều hộ dân còn tận dụng khu nhà hoang để trồng rau, nuôi gà, chó, chim... cho gia đình mình.
Vì không có người ở, nên người dân tranh thủ tăng gia sản xuất. Ảnh: Thu Trang
Càng quan sát KĐT càng thấy sót xa khi diện tích hàng ngàn m2 của KĐT “của đống tiền” bên trong đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Có khu thì tường đổ, nứt, nhiều cột trụ chính của ngôi nhà đã long cả mảng gạch, một số mảng trần nhà đã bị thủng, để trơ khoảng “giếng trời” ngay góc nhà... Khu vực bên ngoài của hầu hết các ngôi nhà trong KĐT, cỏ đã mọc cao vút, rác thải được đổ đầy trong nhà và ngoài hiên, phải rất cẩn thận phóng viên mới dám bước qua những đám cỏ, rác đó bởi chỉ sợ dẵm vào kim tiêm, hay mảnh sành nhọn…
Qua tìm hiểu từ nhân viên kinh doanh của sàn giao dịch Hồng Quân, được biết, KĐT Xuân Phương là dự án có chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7. Dự án được triển khai từ cuối 2010, được phê duyệt dưới dạng bàn giao thô. Tổng diện tích dự án: 45.748m2. Tổng diện tích sàn: 65.735m2. Tổng số nhà liền kề: 227. Theo như sàn giao dịch này cho biết, giá bán của dự án này là 40-50 triệu đồng/m2, mỗi căn hộ liền kề từ: 90m2 – 113m2 và biệt thự rộng từ: 140m2 – 203m2.
Không chỉ là lãng phí
Với việc bỏ hoang một KĐT lớn ở ngay Thủ đô không chỉ là sự lãng phí mà vấn đề đáng lo ngại hơn đó là nguy cơ ô nhiễm mỗi trường, tiềm ẩn dịch bệnh rất nguy hiểm. Hằng ngày, hàng chục con trâu, bò thải phân gây ô nhiễm môi trường. Rác thải sinh hoạt, phế liệu xây dựng... đều được đổ ở đây. Còn những “con nghiện” thì coi KĐT là “nơi lý tưởng” để hút chích và rồi bỏ lại đằng sau những kim tiêm đầy máu, hoen rỉ là nỗi ám ảnh của không ít người trong đó có những người dân sống quanh khu đô thị.
Bác Lê Văn Phước – chủ quán nước gần KĐT Xuân Phương cho biết, vào những ngày hè nắng nóng, mỗi lúc có gió thổi mạnh là mùi xú uế ở trong KĐT bốc lên nồng nặc. “Bảo sao không hôi thối cho được khi cả một diện tích lớn như vậy, nhưng cũng chỉ để chăn bò, đổ rác và trồng rau” – bác Phước kể trong sự tiếc nuối.
Nói về nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh, ô nhiễm môi trường tại những khu chung cư, biệt thự hoang, PGS.TS. Khương Văn Duy - Trưởng Bộ môn Sức khỏe nghề nghiệp (Đại học Y Hà Nội), Trưởng Khoa Bệnh phổi Nghề nghiệp (Bệnh viện Phổi Trung ương) - cho biết, với việc để nhà hoang không sử dụng thì khi mùa mưa, bão, nước chảy vào các khu vực này tạo thành những bãi nước đọng, là môi trường lý tưởng phát sinh dịch bệnh như: Dịch hạch (do chuột), sốt xuất huyết (muỗi)... Đó là còn chưa kể tới dịch bệnh do muỗi mang virut zika gây ra (hiện đang xảy ra ở Việt Nam).
“Tại KĐT bỏ hoang đó, về nguyên tắc, vẫn thuộc quản lý của một cơ quan, tổ chức nào đó. Vì vậy, nếu cơ quan, tổ chức đó không có kế hoạch phun thuốc muỗi, hay rắc vôi bột, phát cỏ... thì người dân ở đó họ cũng không thể tự ý vào làm vệ sinh được. Do đó, khi chúng ta phòng bệnh ở nơi mình sống, nhưng lại không thể ngăn chặn được dịch bệnh tại các khu bỏ hoang. Vì vậy, nhiều ổ dịch vẫn được tập kết và chờ thời cơ phát tán rất nguy hiểm” – PGS.TS Duy nhấn mạnh.
PGS.TS Duy cho biết thêm, tại các công trình bỏ hoang, việc chăn thả trâu, bò, gà, vịt hay canh tác hoa màu... có nguy cơ gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước khi lượng phân, chất thải không được xử lý ngấm vào nguồn nước rất nguy hiểm. Hơn nữa, những con nghiện coi đây là chốn “lý tưởng” tụ tập hút, chích cũng tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh HIV/AIDS từ những kim tiêm đầy máu.
Đứng trước việc KĐT “nghìn tỉ” bị bỏ hoang, phóng viên đã liên hệ với Công ty CP Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7 để tìm hiểu lý do vì sao chúng lại bỏ hoang KĐT nhiều năm như vậy, cũng như hướng giải quyết để tránh nguy cơ ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn dịch bệnh, thì được vị trưởng phòng HCTC công ty cho biết, theo kế hoạch thì khoảng tháng 5-6.2016; KĐT Xuân Phương sẽ tiếp tục được hoàn thiện, nhưng còn phải chờ phía đối tác chốt giá.
Như vậy, tới lúc đó, nếu như 2 bên không thống nhất được giá thì không biết KĐT này sẽ được “đắp chiếu” đến bao giờ?. Khi phóng viên phản ánh với đại diện công ty vì sao công trình “nghìn tỉ” để người dân đổ rác, trồng rau, nuôi gia súc gây ô nhiễm môi trường thì đại diện công ty cho hay, đó là họ thả ở ngoài khu vực khuôn viên của dự án còn bên trong không được vào. Tuy nhiên, theo như phóng viên quan sát, thì quanh KĐT hoang Xuân Phương đều không có rào chắn hay biển quy định địa giới, toàn bộ KĐT đều có đường thông sang cánh đồng của dân.
Trang Thu (LĐTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.