CafeLand – “Căn hộ giá rẻ có lẽ sẽ không giảm giá nhiều nhưng có lẽ các căn hộ cao cấp sẽ còn tiếp tục giảm giá” – đó là nhận xét của TS. Lê Đăng Doanh trả lời phỏng vấn CafeLand tại Diễn đàn CEO Việt 2013 được tổ chức ngày 30/10 vừa qua.

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh - Ảnh:Lê Linh

Hiện nay, nhiều người cho rằng nền kinh tế đã chạm đáy. Nếu dự báo này đúng thì liệu rằng bất động sản đã chạm đáy chưa?

Trong kinh tế học nói đến “đáy” là một khái niệm không rõ ràng. Hiện nay, có một số người cho rằng kinh tế chạm đáy, nhưng điều đó không có nghĩa một số lĩnh vực sẽ không tiếp tục xuống đáy. Theo những thông tin mà tôi có được hiện nay ngành bất động sản đang đối mặt với những cung - cầu rất lớn, nhu cầu nhà ở giá rẻ rất lớn nhưng nguồn cung rất ít. Trong khi đó nguồn cung của căn hộ giá cao rất lớn nhưng ít người mua.

Dự báo Việt Nam cần 7- 8 năm nữa mới có thể giải quyết được tồn kho bất động sản, cho nên tôi nghĩ rằng một số loại căn hộ có thể đã chạm đáy. Ví dụ như căn hộ giá rẻ có lẽ sẽ không giảm giá nhiều nhưng các căn hộ cao cấp có lẽ sẽ còn tiếp tục giảm giá. Vì theo kinh tế thị trường, khi không bán được thì phải giảm giá và thu hồi vốn. Còn trong trường hợp này, chắc chắn một số người vẫn hy vọng rằng sẽ có sự trợ lực từ Nhà Nước cho nên họ chần chừ và chưa sẵn sàng giảm giá.

Vừa qua có một số dự án bất động sản đua nhau giảm giá. Đặc biệt, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tuyên bố rút khỏi thị trường bất động sản Việt Nam và “thanh lý”dự án. Vậy ông đánh giá như thế nào trước động thái này?

Theo tôi đó là một quyết định sáng suốt của HAGL, vì tôi nghĩ trong kinh doanh phải có chiến thuật tiến và chiến thuật lùi, vì thế tôi nghĩ HAGL rất quyết đoán mới làm được việc đó.

Sau hơn 4 tháng triển khai với hàng loạt giải pháp hỗ trợ kèm theo, tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ vẫn ì ạch. Vậy đây có thể xem là một thất bại trong chính sách hay không?

Tôi không nghĩ là thất bại mà điều đó chứng tỏ rằng khó khăn của thị trường bất động sản rất lớn, có lẽ cần thêm thời gian để thị trường bất động sản ổn định trở lại.

Bất động sản liên quan mật thiết đến thị trường tài chính. Cụ thể là bất động sản liên quan đến nợ xấu ngân hàng. Với thực trạng thị trường bất động sản hiện nay sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nợ xấu ngân hàng?

Như tôi đã nói ở trên tồn kho bất động sản phải mất 7- 8 năm nữa mới giải quyết được, bởi vì khối lượng tồn kho rất lớn. Bất động sản thì liên quan trực tiếp đến ngân hàng, vì hiện nay rất nhiều công trình bất động sản do người tiêu dùng góp vốn nhưng những người tiêu dùng đó họ không có tiền của mình mà cũng đi vay. Họ dự định sẽ lấy căn hộ định mua để thế chấp cho khoản vay trước đó, cho nên bất động sản liên quan rất nhiều đến sức khỏe ngân hàng. Mặc dù VAMC đã đi vào hoạt động nhưng tôi không nghĩ rằng VAMC khó có thể giải quyết suôn sẽ khối lượng nợ xấu đó một cách dễ dàng.

Theo ông doanh nghiệp BĐS nên làm gì trong bối cảnh đó khó khăn đó?

Tôi nghĩ, trong tình hình bất động sản đóng băng như hiện nay, các doanh nghiệp cần tự xem lại mình, xem lại nhu cầu thật của khách hàng, phản ứng của thị trường. Doanh nghiệp cần xem xét mặt bằng nào có thể tiếp tục được và mặt bằng nào không thể tiếp tục được, trên cơ sở đó doanh nghiệp cần thích nghi với những thay đổi đó vì trong tình hình này không thể làm như trước đây được.

Xin cảm ơn ông!

Gia Bảo
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.