Nhà hát lớn Hà Nội là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của thành phố mang đậm kiến trúc cổ điển Pháp. Đây cũng là địa điểm thường xuyên diễn ra những chương trình biểu diễn nghệ thuật và giao lưu văn hóa giữa các nước. 

Giới thiệu lịch sử Nhà hát lớn Hà Nội

Tọa lạc tại vị trí trung tâm số 1 phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, nhà hát lớn Hà Nội được khởi công xây dựng vào năm 1901 và hoàn thành vào năm 1911 do người Pháp xây dựng. Lúc bấy giờ nhà hát là nơi chuyên trình diễn các tiết mục nghệ thuật cổ điển xa xỉ như Opera, nhạc thính phòng, kịch nói… cho tầng lớp quan lại hay giới thượng lưu Pháp và một số nhà giàu Việt.

Hình ảnh nhà hát lớn Hà Nội năm 1911

Nhà hát lớn Hà Nội được thiết kế bởi 2 kiến trúc sư người Pháp nổi tiếng là Broyer và V.Harley, sau này có thêm cộng sự là kiến trúc sư Francois Lagisquet. Nhiều người cho rằng nhà hát lớn Hà Nội được mô phỏng giống nhà hát Opera Garnier ở Paris.

Tuy nhiên, Nhà hát Lớn Hà Nội là một sáng tạo độc lập, kết hợp các phong cách tân cổ điển và Baroque với các xu hướng thiết kế đương thời, sử dụng nhiều vật liệu tại chỗ, có tính đến điều kiện kinh tế và khí hậu địa phương.

Phần móng của nhà hát được dựng kiên cố, đóng khoảng 35.000 cọc tre và đổ bê tông dày đến 90cm. Tổng chi phí xây dựng lên đến 2 triệu Franc Pháp thời điểm đó, trong đó tốn hơn 12.000m3 vật liệu và 600 tấn thép.

Công trình này gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử trong Cách mạng Tháng 8 và những năm đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như mít tinh ra mắt Mặt trận Việt Minh (17/8/1945), Đoàn quân giải phóng Việt Bắc về Hà Nội ra mắt (29/8/1945), ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đặt chân vào Nhà hát lớn Hà Nội (2/9/1946), Quốc hội họp thông qua Hiến pháp 1946...

Qua hơn 80 năm sử dụng, nhà hát bị xuống cấp nên năm 1994, công trình được Chính phủ cho trùng tu, nâng cấp. Cuộc trùng tu kéo dài trong các năm 1995-1997, vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu nhưng dùng vật liệu là chắc chắn, sang trọng hơn khi được chuyển từ Pháp qua.

Ngày nay, Nhà hát Lớn Hà Nội không chỉ là nơi diễn ra các chương trình biểu diễn nghệ thuật cổ điện như nhạc thính phòng, Opera, kịch nói… mà còn là một điểm du lịch nổi bật của Thủ đô.

Kiến trúc độc đáo của Nhà hát lớn Hà Nội

Nhà hát lớn có chiều dài 87m, bề ngang rộng trung bình khoảng 30m, phần đỉnh của mái cao nhất là 34m so với nền và diện tích của nhà hát khoảng 2.600m2.

Mặc dù nhà hát lớn là một công trình kiến trúc mang tính chiết trung, pha trộn giữa nhiều phong cách nhưng Nhà hát lớn vẫn mang đậm dáng vẻ tân cổ điển Pháp. Dáng vẻ tân cổ điển ấy thể hiện rõ nhất ở kết cấu kiến trúc, kiểu mái hai mảng được lợp ngói đá đen cùng các họa tiết trang trí ở bên trong vô cùng độc đáo, tinh tế.

Ở phía trên của nhà hát lớn Hà Nội, hệ thống mái lợp ngói đá đen được thiết kế rất công phu với sự kết hợp của nhiều loại hình thức khác nhau. Tất cả những thiết kế tinh tế, độc đáo mang đến cho nhà hát lớn Hà Nội một không gian trang trọng, rực rỡ và đầy sức cuốn hút, ấn tượng với du khách tham quan.

Bên trong nhà hát lớn được chia thành 3 khu vực chính: sảnh chính, phòng khán giả và phòng gương.

Sảnh chính thể hiện sự lộng lẫy, hào nhoáng khi được lát đá trắng nhập khẩu từ Italia, trải thảm đỏ ở lối đi giữa tạo cảm giác sang trọng quý phái như cung điện hoàng gia Anh.

Phía trần và xung quanh tường được trang hoàng với hệ thống đèn chùm nhỏ mà đồng hay mạ vàng theo hơi hướng cổ điển vintage. Gạch lát nền ở sảnh sử dụng loại đá vân thạch kết hợp với những họa tiết trang trí theo phong cách cổ điển mang lại cảm giác sang trọng, độc đáo cho nhà hát.

Phòng khán giả là nơi diễn ra những hoạt động biểu diễn nghệ thuật cho khán giả hiện nay. Không gian nơi đây được thiết kế tinh tế với một sân khấu ở chính giữa và khán đài được thiết kế theo hình vòng cung được lấy cảm hứng từ đấu trường La Mã ôm lấy sân khấu giúp cho tầm nhìn khán giả không bị che lấp và chất lượng âm thanh có thể truyền tải tốt nhất.

Với 598 ghế ngồi được phân bố hợp lý cho 3 tầng tạo nên không gian thưởng thức thoải mái nhất. Sàn của căn phòng được lát gạch và trải thảm toàn bộ, các ghế ngồi thì được thiết kế theo phong cách cổ điển Pháp ở thế kỷ 19.

Phòng gương, nơi tổ chức các nghi lễ quan trọng hay đón tiếp các nhân vật cấp cao… được thiết kế kết hợp nhiều ô cửa lớn kết hợp kỹ thuật Mozaic, những cây đèn treo, đèn chùm được mạ vàng hoặc đồng… mang nét cổ điển thể hiện sự sang trọng.

Ngoài ra, bên trong nhà hát lớn Hà Nội còn được bố trí một vài công trình phụ khác như: phòng quản trị, 18 phòng hóa trang, 2 phòng luyện thanh, thư viện và phòng họp. Khi đến với nhà hát, du khách có thể ghé mua vài món đồ lưu niệm nhỏ tại phòng trưng bày và bán đồ lưu niệm.

Hiện nhà hát lớn Hà Nội mở cửa cho du khách tham quan từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần. Ngoài ra, từ Nhà hát lớn Hà Nội, bạn có thể đến , Khách sạn Hilton Hanoi Opera, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, trung tâm thương mại và các địa điểm vui chơi, giải trí của thủ đô.

Phương Vũ (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.