Chùa Một Cột - một trong những biểu tượng của thủ đô với kiến trúc độc đáo. Đây cũng là địa điểm không thể bỏ qua khi ghé thăm Hà Nội.

Giới thiệu lịch sử chùa Một Cột

Chùa Một Cột hay còn biết đến với nhiều cái tên như Chùa Mật, Diên Hựu Tự, Liên Hoa Đài,... được xây dựng từ thời Vua Lý Thái Tông. Dưới thời vua Lý, Chùa Một Cột tọa lạc trên đất thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, ở phía Tây Hoàng thành Thăng Long. Ngày nay, chùa nằm tại công viên phía sau phố Ông Ích Khiêm, ngay cạnh quần thể Quảng trường Ba Đình – Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Chùa Một Cột lúc chưa được tu sửa. Ảnh: Firmin André Salles

Theo Đại Việt ký sự toàn thư, chùa Một Cột được khởi công xây dựng vào năm Kỷ Sửu 1049. Vua lý Thái Thái Tông (1028-1054) chiêm bao thấy Phật Quan Âm trên tòa sen đưa tay dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy, vua kể cho các quan nghe, có người cho là điềm không lành. Sư Thiên Tuê khuyên nhà vua làm chùa, dựng cột đá giữa hồ, làm tòa sen của phật quan âm như trong mộng. Chùa xây xong, đài sen nghìn cánh đỡ tòa Phật sắc hồng, trong đặt tượng vàng lấp lánh. Các nhà sư đến làm lễ, đi vòng quanh chùa niệm phật cầu phúc cho nhà vua sống lâu, vì thế đặt tên là chùa Diên Hựu.

Năm 1106, chùa được Vua Lý Nhân Tông cho trùng tu mở rộng, trở thành một quần thể kiến trúc to lớn lộng lẫy. Trải qua bao năm tháng, chùa Một Cột được trùng tu, phục hưng nhiều lần qua các triều đại. Trong chiến tranh chống Pháp chùa Một Cột đã bị quân viễn chinh Pháp cho đặt mìn phá hủy. Sau khi giành lại chính quyền, Bộ Văn hóa cho trùng tu Chùa Một Cột theo đúng kiểu mẫu cũ của thời Lý. Đến năm 1955 chùa Một Cột Hà Nội được tôn tạo lại và bảo tồn cho đến nay. Bên cạnh vẫn còn ngôi chùa có cổng tam quan với bức hoành phi ghi ba chữ “Diên Hựu Tự”.

Sau gần 1000 năm tồn tại, chùa Một Cột được Bộ Văn hóa thông tin và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia (1962), được ghi danh trong sách kỷ lục Guiness Việt Nam “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam”. Ngày 10/11/2012, tại Faridabad ( Ấn Độ), tổ chức Kỉ lục Châu Á đã xác nhận Chùa Một Cột là “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á”.

Kiến trúc đặc biệt của chùa Một Cột

Kiến trúc của chùa Một Cột mô phỏng đài hoa sen đặt trên một cột đá giữa hồ Linh Chiểu. Với kiến trúc độc đáo, chùa Một Cột cũng được chọn là một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội. Kết cấu nguyên bản của chùa Một Cột được đỡ bởi các dầm gỗ bám chắc cột đá. Cấu trúc của chùa Một Cột hiện nay gồm: Cột trụ, đài Liên hoa, mái chùa.

Cột trụ của chùa Một Cột được dựng bằng 2 cột đá chồng lên nhau tạo thành khối trụ đứng có chiều cao 4m chưa tính phần chìm phía dưới chân. Đường kính cột đá rộng 1,2m gồm hai khúc chồng lên nhau thành một khối, bên trên có hệ thống đòn gỗ làm giá đỡ.

Lối dẫn vào chùa Một Cột để thắp hương lễ Phật là một cầu thang nhỏ bằng gạch, gồm 13 bậc thang rộng 1,4m và hai bên có thành tường xây gạch với bia đá giới thiệu về lịch sử của chùa

Đài Liên hoa có hình vuông mỗi cạnh 3m, chắn song bao lơn xung quanh, được đỡ bằng hệ thống cột quân vững chắc, phía dưới là những dầm gỗ lớn được gắn trực tiếp lên trụ đá một cách chắc chắn.

Bên trong đài Liên Hoa được bài trí lộng lẫy sang trọng, có một án thờ bên trên đặt tượng Phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay mạ vàng. Xung quanh bày biện nhiều đồ thờ: đôi lục bình gốm sứ, bình cắm hoa sen, bộ ấm chén thờ, lư hương bằng đồng. Ban thờ được sơn son thiếp vàng trang trí nhiều họa tiết hình vân mây màu vàng. Trên trần phía trong cùng đặt tấm hoành phi nhỏ ghi 3 chữ vàng “Liên Hoa Đài” trên nên sơn đỏ.

Mái chùa được lợp bằng ngói vảy truyền thống màu đỏ gạch phủ lớp rêu phong thời gian. Chùa có bốn mái cong đầu đao vút lên trời. Mái chùa được đỡ bằng hệ thống thanh bẩy vươn ra sát phía dưới. Trên đỉnh mái chùa đắp hình “lưỡng long chầu mặt nguyệt”. Đôi long tượng trưng cho khí dương, hình mặt nguyệt tượng trưng cho khí âm.

Lưu ý gì khi đến tham quan chùa Một Cột

Nằm trong quần thế Quảng Trường Ba Đình và Lăng Bác nên giờ mở cửa của Chùa Một Cột Hà Nội tùy thuộc vào điểm này.

Theo đó, để tham quan ngôi chùa độc đáo này, du khách có thể đi vào khung giờ từ 7h sáng đến 6h tối. Trong đó, thời lượng tham quan sẽ từ 1 – 3 tiếng. Vào những ngày mùng 1 hoặc ngày rằm, nơi đây còn tổ chức các lễ cúng của Phật tử và người dân đến dâng hương.

Khi đến tham quan chùa Một Cột, nên lựa chọn những trang phục lịch sự, sạch sẽ, nói năng nhẹ nhàng khi đến chùa tham quan. Tuân thủ đúng những quy định đề ra của ban quản lý chùa, không bứt cây, bẻ cành trong chùa. Thắp hương đúng nơi quy định, không thả tiền vào hồ sen, để rác đúng nơi quy định và tuân thủ đúng thời gian gia hạn lễ tạ ở chùa.

Ngoài ra, khi đến chàu Một Cột bạn cũng đừng quên ghé thăm cây Bồ Đề phía sau ngôi chùa. Cây Bồ Đề này do Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad tặng nhân dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh qua thăm Ấn Độ vào năm 1958. Cách ngôi chùa Một Cột khoảng 10m về phía Tây Nam chính là chùa Diên Hựu Tự được xây dựng trên mảnh đất ruộng Quy Điền thời xưa.

Phương Vũ (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.