Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo tháng 11 ước đạt 700.000 tấn với 444,9 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng đạt gần 8,5 triệu tấn với 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Đây là sản lượng và giá trị lúa gạo xuất khẩu lần đầu tiên ngành nông nghiệp có được.
Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 46,1%. Indonesia và Malaysia là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 13,5% và 8,2%.
Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất ở thị trường Malaysia với mức tăng 2,2 lần; thị trường có giá trị xuất khẩu giảm mạnh nhất là Trung Quốc với mức giảm 71,3%.
Như vậy, sau khi đạt kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm nay tiếp tục tăng mạnh và đã vượt mốc 5 tỷ USD, đây là lần đầu tiên xuất khẩu gạo Việt Nam vượt mốc 5 tỷ USD trong một năm.
Xuất khẩu gạo Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 5 tỷ USD, chủ yếu nhờ giá xuất khẩu tăng cao. Tính chung trong 3 quý đầu năm, giá gạo xuất khẩu bình quân 626 USD/tấn, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng với mức tăng 74 USD/tấn.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo thế giới đang tăng trở lại trong khoảng cuối tháng 11 và gạo Việt Nam vẫn duy trì mức cao nhất thế giới. Từ cuối tháng 10, sau khi Ấn Độ (quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới) gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu tẻ thường, khiến giá gạo trên thị trường quốc tế đồng loạt giảm mạnh. Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy mỗi tấn gạo 5% tấm của Pakistan, Thái Lan có 457-490 USD, giảm 5-10% so với trước khi lệnh cấm được dỡ bỏ.
Trái ngược với xu hướng chung, gạo 5% tấm Việt Nam sau khi giảm nhẹ xuống gần 500 USD/tấn, đã tăng trở lại từ 21/11, đạt 515-520 USD/tấn vào 23/11 và thời điểm này đạt 522 USD/tấn. Điều này giúp hàng Việt duy trì vị trí đắt đỏ trong nhóm các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Gạo trở thành mặt hàng nông sản thứ 2 của Việt Nam đạt mốc xuất khẩu trên 5 tỷ USD sau rau quả. Năm 2023, xuất khẩu rau quả lần đầu vượt 5 tỷ USD, 11 tháng năm 2024 đã vượt mốc 6,6 tỷ USD và đang hướng tới kim ngạch 7 tỷ USD khi kết thúc năm.
Theo sau gạo, nhiều khả năng khi kết thúc năm nay, xuất khẩu cà phê của Việt Nam cũng sẽ có lần đầu tiên chạm mốc 5 tỷ USD. Tính chung các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đến nay đã có 3 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu từ 5 tỷ USD trở lên là đồ gỗ, rau quả và gạo.
-
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao nhất thế giới
Trái ngược với xu thế chung khi phải đối diện với mức giá thấp của các đối thủ cạnh tranh Thái Lan, Ấn Độ,... giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trở lại và giữ mức cao nhất thế giới.
-
Kinh tế Việt Nam 11 tháng đầu năm 2024 với nhiều điểm sáng
Bức tranh kinh tế Việt Nam 11 tháng đầu năm 2024 có nhiều điểm sáng tích cực với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 715 tỷ USD, cán cân thương mại duy trì xuất siêu; tổng nguồn vốn FDI đạt hơn 31 tỷ USD,... theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống k...
-
Các tập đoàn bán dẫn hàng đầu Mỹ quy tụ tại Việt Nam
Trong hai ngày 10 và 11/12, các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu Mỹ như Intel, Ampere, Marvell, Cirrus Logic, Infineon và Skyworks đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Đoàn do ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA), dẫn ...
-
Sau 11 tháng, kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc đạt 185 tỷ USD
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, sau 11 tháng, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc đã đạt 185 tỷ USD, tiến gần đến mốc 200 tỷ USD.