Quyết định kháng nghị của VKSND tỉnh Bình Phước đã chỉ ra hàng loạt lỗi trong một bản án của TAND huyện Đồng Phú.

VKSND tỉnh Bình Phước vừa kháng nghị bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Đồng Phú xử vụ tranh chấp liên quan đến đất đai. Theo đó, bản án này mắc hơn chục lỗi về hình thức lẫn nội dung.

Tranh chấp không phức tạp

Tháng 1-2015, bà Hoàng Thị Cẩm được hai người con làm hợp đồng ủy quyền cho bà toàn quyền định đoạt mảnh đất hơn 17.000 m2 (có ba căn nhà và nhiều cây trồng) ở xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, Bình Phước. Đất này đã được cấp giấy đỏ cho hộ gia đình bà.

Cùng ngày, bà Cẩm bán lô đất trên cho bà Phạm Thị Mười bằng cách ký một hợp đồng mua bán tay (giá 600 triệu đồng) và một hợp đồng chuyển nhượng đất tại văn phòng công chứng (giá 300 triệu đồng).

Sau đó, cho rằng bà Cẩm không chịu giao đất nên bà Mười khởi kiện. Bà Cẩm có đơn phản tố yêu cầu tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng đất nêu trên với lý do đó là hình thức để bà mượn tiền của bà Mười.

Hai người liên quan trong vụ án thì có yêu cầu độc lập đòi hủy việc mua bán. Họ cho rằng việc làm của bà Cẩm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ vì đây là tài sản chung có phần đóng góp của họ.

Xử sơ thẩm vào ngày 4-1, TAND huyện Đồng Phú đã tuyên chấp nhận yêu cầu của bà Mười, buộc bà Cẩm và những người liên quan phải chuyển giao đất và các tài sản trên đất cho bà Mười.

Vi phạm tố tụng nghiêm trọng

Tuy nhiên, mới đây VKSND tỉnh Bình Phước đã kháng nghị, yêu cầu TAND tỉnh xử phúc thẩm hủy toàn bộ bản án.

Theo VKSND tỉnh, về tố tụng, cấp sơ thẩm đã xử vượt quá yêu cầu khởi kiện khi tuyên bị đơn và người liên quan phải giao hết các tài sản trên đất, trong khi nguyên đơn không yêu cầu. Tòa giải quyết chưa hết yêu cầu phản tố của bà Cẩm về việc yêu cầu tòa hủy giấy đỏ mà bà Mười đã được cấp theo diện cập nhật mới tại trang 4. Tòa không xác định UBND huyện Đồng Phú (nơi cấp giấy đỏ) tham gia tố tụng với tư cách người liên quan là sai.

Hai người liên quan yêu cầu độc lập với nội dung chưa rõ ràng, cụ thể nhưng tòa không yêu cầu sửa lại mà thụ lý giải quyết là vi phạm điểm g khoản 2 Điều 164 BLTTDS. Cạnh đó, đơn yêu cầu phản tố của một trong hai người liên quan thuộc trường hợp phải đóng tạm ứng án phí có giá ngạch nhưng tòa không yêu cầu họ làm nghĩa vụ này mà vẫn thụ lý giải quyết.

Phần nhận định của bản án cho rằng yêu cầu khởi kiện có căn cứ được chấp nhận nhưng không tuyên hợp đồng nào có hiệu lực, hợp đồng nào không (vì giữa hai bên có hai hợp đồng).

Bản án cũng cho rằng yêu cầu phản tố của bà Cẩm và yêu cầu độc lập của người liên quan không có căn cứ và không được chấp nhận. Thế nhưng phần quyết định của bản án lại không tuyên không chấp nhận các yêu cầu này là chưa giải quyết triệt để yêu cầu của các đương sự mà vẫn buộc họ phải chịu án phí là không đúng.

Ngoài ra, giá trị tranh chấp theo đơn khởi kiện ban đầu là 600 triệu đồng thì bà Mười phải đóng tạm ứng án phí 14 triệu đồng. Do tòa chỉ thu 5 triệu đồng nên chưa đúng và chưa đủ điều kiện thụ lý vụ án.

Tòa có tiến hành thẩm định giá tài sản theo yêu cầu của đương sự mà không yêu cầu họ đóng tiền tạm ứng chi phí định giá và bản án không quyết định xử lý nghĩa vụ ai phải chịu chi phí này.

Cả nội dung cũng xử sai

Về nội dung, VKSND tỉnh Bình Phước cho rằng hợp đồng tay mua bán đất giữa bà Cẩm và bà Mười không được công chứng, chứng thực. Đối tượng hợp đồng có một phần sở hữu của người liên quan nhưng người này không được tham gia giao dịch cũng không có ủy quyền, chứng tỏ hợp đồng tay này bị vô hiệu.

Đối với hợp đồng giữa bà Cẩm và bà Mười được công chứng thì có nội dung chuyển nhượng đất mà không có nội dung chuyển nhượng tài sản trên đất. Trong khi ba căn nhà và nhiều tài sản gắn liền trên đất là phần không thể tách rời với quyền sử dụng đất. Vì vậy hợp đồng này cũng bị vô hiệu theo Điều 411 BLDS.

Hơn nữa, theo giấy đỏ của hộ bà Cẩm thì diện tích đất được cấp là gần 35.000 m2, hộ bà Cẩm đã chuyển nhượng cho một người khác hơn 17.000 m2, diện tích còn lại là phần giao dịch với bà Mười. Nhưng hợp đồng công chứng lại thể hiện bà Cẩm chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng đất là gần 35.000 m2(bao gồm cả phần đã chuyển nhượng trước đó) là sai. Điều này cũng được trưởng văn phòng công chứng xác nhận với tòa qua bút lục.

Ngoài ra, giá trị thực của lô đất và tài sản trên đất được định giá là hơn 1,5 tỉ đồng nhưng hợp đồng có công chứng chỉ ghi giá 300 triệu đồng, còn hợp đồng mua bán tay ghi giá 600 triệu đồng là không đúng với thực tế.

Những phân tích trên cho thấy cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ. Vì vậy, VKSND tỉnh đã kháng nghị.

Thanh Tùng (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.