Vi phạm nối tiếp vi phạm
Từ tháng 5-2017, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội (hiện là Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an thành phố Hà Nội) đã công bố danh sách 79 công trình chung cư vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Sau đó, UBND thành phố đã ban hành hàng loạt thông báo kết luận, chỉ đạo giải quyết những tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy đối với những công trình này. Sau gần 1 năm - tháng 4-2018, đã có 50/79 công trình hoàn thành việc khắc phục các tồn tại và được cơ quan quản lý nghiệm thu về hạng mục phòng cháy, chữa cháy.
Trước tình hình vẫn còn 29 công trình chưa khắc phục xong, UBND thành phố Hà Nội đã ra “tối hậu thư” yêu cầu, 14 công trình có khả năng khắc phục phải hoàn thành, được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy trước ngày 30-4-2018; 15 công trình khó có khả năng khắc phục, được lùi đến ngày 30-6-2018. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 27 công trình trong số 29 công trình chưa thực hiện; trong đó có 13/14 công trình có khả năng khắc phục nhưng chủ đầu tư chây ỳ, 14/15 công trình khó có khả năng khắc phục. Đáng chú ý, 5 công trình gồm: Chung cư mi ni Bồ Đề (quận Long Biên); tòa nhà chung cư 89 Phùng Hưng (quận Hà Đông); chung cư CT3A - Khu đô thị Mễ Trì Thượng (quận Nam Từ Liêm); nhà ở nhiều hộ gia đình ở số 76 Cự Lộc (quận Thanh Xuân) và chung cư CT1 - Usilk City (quận Hà Đông) đã được cơ quan phòng cháy, chữa cháy củng cố hồ sơ, chuyển sang cơ quan điều tra xem xét, xử lý.
Không dừng ở đó, thực hiện Kế hoạch số 359/KH-CAHN-PV01 của Công an thành phố Hà Nội về tổng kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố, từ tháng 11-2018 đến cuối tháng 2-2019 cơ quan chức năng đã phát hiện 1.693 lượt cơ sở không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Trong đó, có nhiều công trình trong danh sách 27 chung cư chưa hoàn thành khắc phục lại phát sinh thêm vi phạm mới. Điển hình như tòa nhà chung cư 89 Phùng Hưng (quận Hà Đông), tòa nhà chung cư CT2 - Khu đô thị Xa La (quận Hà Đông), tòa nhà Capital Garden (quận Đống Đa)…
Việc các chung cư chậm khắc phục vi phạm về an toàn phòng cháy, chữa cháy trước đây và tiếp tục vi phạm thêm đã khiến cư dân càng lo lắng. Anh Trần Văn Mạnh, cư dân chung cư 89 Phùng Hưng cho biết, trạm biến áp được đặt ngay cạnh lối ra vào sát với tòa nhà rất dễ gây ra cháy nổ. Nếu trường hợp tòa nhà xảy ra hỏa hoạn thì hậu quả sẽ rất khôn lường bởi đây là lối ra vào duy nhất rất chật hẹp, lại bị bó dây cáp cản trở chiều cao, xe chữa cháy cũng khó tiếp cận vì không có không gian xung quanh. “Ngày 10-3 vừa qua, tầng hầm chung cư xảy ra sự cố thang vận khiến một xe ô tô gặp tai nạn, cư dân tòa nhà có một phen hú vía”, anh Mạnh nói.
Xử lý ra sao?
Trao đổi về nguyên nhân các công trình vẫn chưa thể khắc phục, xử lý dứt điểm tồn tại, vi phạm, Trung tá Tô Hồng Nho, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, chủ yếu là do các chủ đầu tư thiếu ý thức, không chấp hành.
Điển hình là 13/27 công trình có khả năng khắc phục nhưng vẫn chưa thể hoàn thành do chủ đầu tư chây ỳ mặc dù lực lượng chức năng đã hỗ trợ, hướng dẫn các biện pháp khắc phục. Còn lại, ở một số chung cư, người dân không đồng tình cho chủ đầu tư sửa chữa hoặc đang chờ cơ quan chức năng xây dựng phương án, xin ý kiến các ngành liên quan về giải pháp thay thế… Ngoài ra, thực tế cho thấy một số giải pháp cưỡng chế như cắt điện, nước, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra lập hồ sơ... cũng khó áp dụng, khi đa số chung cư đang tồn tại vi phạm đều đã bố trí hộ dân vào sinh sống, nên dễ phát sinh tác động đến đời sống nhân dân.
Theo Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, những bất cập trong quá trình xử lý các công trình chung cư vi phạm phòng cháy, chữa cháy đã được chỉ ra. Vì vậy, song song với việc thực hiện Kế hoạch số 359/KH-CAHN-PV01, thời gian tới Công an thành phố tiếp tục triển khai Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 27-2-2019 của UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện Đề án "Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các khu chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn thành phố". Trong quý II-2019, Công an thành phố sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy tại các khu chung cư, nhà cao tầng có nhiều vi phạm, đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa khắc phục triệt để, để có biện pháp xử lý nghiêm. Công an thành phố cũng sẽ gắn quy hoạch, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy với quy hoạch, kế hoạch phát triển chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn thành phố.
Về lâu dài, cơ quan chức năng cũng nên tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị có chức năng tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, thi công hạng mục phòng cháy, chữa cháy. Một mặt, bảo đảm các đơn vị này đáp ứng điều kiện kinh doanh, mặt khác tăng cường trách nhiệm tuân thủ quy định pháp luật, với tư cách là một chủ thể tham gia xây dựng hạng mục đặc biệt quan trọng này. Trong quá trình kiểm tra, cũng nên làm rõ, quy trách nhiệm để có hình thức xử lý phù hợp; đồng thời có thể công khai danh sách đơn vị làm tốt, đáp ứng điều kiện đặt ra.
Ngoài ra, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng cháy, chữa cháy cho chủ đầu tư, ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành và cư dân đang sinh sống trong các tòa nhà chung cư vẫn là nhiệm vụ quan trọng. Đặc biệt qua đó, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hiểu, chủ động không vào sinh sống, kinh doanh, làm việc tại các công trình chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, để bảo đảm an toàn cho chính mình.
Thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 164 vụ cháy, trong đó có 7 vụ xảy ra tại các chung cư, nhà cao tầng. |