17/10/2015 8:06 PM
Thời gian qua, mặc dù Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đề xuất, thống nhất các giải pháp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là giấy chứng nhận) cho người dân, song, đối với các trường hợp mua nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn vẫn còn những tồn tại, hạn chế, cần những biện pháp xử lý, tháo gỡ cụ thể, kiên quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Khu chung cư B4 Kim Liên, Đống Đa. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho biết từ kết quả kiểm tra mới đây tại hơn 60 dự án trên địa bàn và tổng hợp các dạng xử lý vi phạm của chủ đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường (đại diện cho Tổ công tác liên ngành thành phố) đã khẩn trương kết luận, đề xuất thành phố xử lý, yêu cầu khắc phục vi phạm đối với từng dự án trước khi xét cấp giấy chứng nhận.
Sau khi xem xét các dạng vi phạm, Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo đối với các trường hợp xây dựng sai so với giấy phép xây dựng được cấp, sai so với nội dung quy hoạch, kiến trúc đã được phê duyệt, việc kiến nghị, đề xuất phải dựa trên cơ sở làm rõ những nội dung có kết luận, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, xác định hình thức, mức độ xử lý trách nhiệm theo quy định; phần công trình xây dựng sai phép, sai so với nội dung quy hoạch, kiến trúc đã được phê duyệt, phải có kết luận công trình xây dựng đó đủ điều kiện (hay không đủ điều kiện) đưa vào khai thác, sử dụng.
Riêng đối với công trình nhà cao tầng xây dựng sai so với giấy phép xây dựng được cấp, sai so với nội dung quy hoạch, kiến trúc đã được phê duyệt (các trường hợp tăng chiều cao, số tầng, chia nhỏ căn hộ, tự chuyển đổi tầng kỹ thuật, tầng văn phòng, dịch vụ sang làm nhà ở...) thì ngoài các nội dung trên, công trình sai phép đó phải được cơ quan Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy thành phố Hà Nội thẩm tra, kiểm định lại về các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy.
Các trường hợp xây dựng sai với giấy phép xây dựng, sai so với quy hoạch nếu đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng thì ngoài việc phải chịu trách nhiệm xử phạt hành chính (nếu có) theo quy định, chủ đầu tư phải liên hệ với các sở, ngành để làm thủ tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, dự án đầu tư cấp phép xây dựng và điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất (nếu có điều chỉnh về hệ số sử dụng đất và quy hoạch sử dụng đất).
Đồng thời, khi được cấp giấy phép xây dựng điều chỉnh, chủ đầu tư dự án phải nộp bổ sung tiền sử dụng đất theo Luật Đất đai 2013 và nộp tiền theo khoản 9 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ đối với diện tích công trình xây dựng vượt so với diện tích được cấp phép xây dựng trước đây.
Thành phố cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm ghi nhận các trường hợp chủ đầu tư dự án có sử dụng đất có vi phạm, bị xử lý theo quy định của pháp luật để làm căn cứ xem xét việc chấp hành pháp luật và thông báo cho các tỉnh, thành phố khi thẩm định nhu cầu sử dụng đất của chủ đầu tư.
Đối với các trường hợp phải thẩm tra, kiểm định các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, Sở Tài nguyên và Môi trường mời Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy thành phố Hà Nội tham gia đoàn công tác và yêu cầu chủ đầu tư dự án phải làm thủ tục thẩm tra, kiểm định theo quy định.
Thời gian qua, cùng với việc chủ động phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã yêu cầu tất cả các chủ đầu tư sau khi hoàn thành xây dựng, bàn giao nhà ở cho người mua phải có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện và nộp hồ sơ đăng ký, cấp giấy chứng nhận thay cho người mua hoặc cung cấp hồ sơ cho người mua tự đăng ký cấp giấy theo quy định tại Điều 72 của Nghị định số 43/NĐ-CP, kể cả trường hợp đang có vi phạm pháp luật đất đai, pháp luật xây dựng.
Thành phố đã quyết định giao cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (trực thuộc Sở) thực hiện việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà ở dự án để khắc phục tình trạng tồn đọng hồ sơ, chậm trễ tại các quận, huyện. Nhờ vậy, việc cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà ở thuộc các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực.
Đến hết năm 2014, thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 72.300 căn hộ/112.000 căn chủ đầu tư đã xây dựng xong và bàn giao cho người mua nhà. Chỉ tính riêng năm 2014 cấp được 40.500 giấy và chín tháng năm 2015 đã thẩm định giải quyết 20.260 hồ sơ. Số còn lại các chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục cho người mua nhà để được cấp giấy chứng nhận./.
MInh Nghĩa (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.