“Sai đâu xử đó, ai làm nấy chịu, sao bây giờ cứ đổ hết lên đầu chúng tôi. Chúng tôi đâu phải con tằm mà trăm dâu cứ đổ hết lên đầu?”
Cư dân tòa nhà 8B Lê Trực tiếp tục mang đơn, băng rôn, khẩu hiệu để kêu cứu. Ảnh: Mai Thu
Ngày 24/10, một lần nữa, bằng tất cả chút mong mỏi cuối cùng trước khi hoàn toàn tuyệt vọng, hàng chục cư dân tòa nhà 8B Lê Trực tiếp tục mang đơn, băng rôn, khẩu hiệu để kêu cứu; những mong được chính thức đặt chân vào ngôi nhà của mình.
Có lẽ không cần phải nhắc lại nguyên nhân và nội tình câu chuyện đã quá quen tai, quen mắt này. Bởi suốt 2 năm qua, từ khắp các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả mạng xã hội đến dư luận cũng đã đề cập quá nhiều.
Song với tất cả chúng ta, đây đơn thuần chỉ là một vấn đề mang tính thời sự xã hội, việc quan tâm đến cũng chỉ để thỏa mãn thị hiếu và nhu cầu thông tin. Còn đối với người dân đã bỏ ra nhiều tỉ đồng, thậm chí còn mang thêm gánh nợ để mua nhà ở đây, họ đang từng ngày từng giờ chồng chất thêm những khó khăn về kinh tế, những áp lực về tinh thần mà khó ai có thể thấu hiểu.
Nếu như trước đây, người dân từ phản ánh, đề nghị, kiến nghị đến kêu cứu bằng rất nhiều những mong mỏi và hi vọng; thì bây giờ, họ gần như đã bức xúc đến tột đỉnh, không ngần ngại bày tỏ những thất vọng của mình.
“Hơn 2 năm qua, chúng tôi vẫn không nhận được nhà và phải sống trong tình trạng chờ đợi vô cùng bức xúc nhưng chẳng biết kêu ở đâu. Tới hôm nay thì chúng tôi thật sự cảm thấy thất vọng về việc xử lý vụ 8B Lê Trực của Bộ xây dựng và UBND TP Hà Nội” - Đơn kêu cứu khẩn cấp của cư dân thẳng thắn nêu rõ.
Những cư dân này đã 2 năm ròng gõ cửa, đội đơn cầu cứu khắp nơi. Ảnh: Mai Thu
Nhưng kể từ khi hoàn thành việc cưỡng phế phá dỡ giai đoạn 1 (Tháng 10/2016) đến nay đã hơn 1 năm, tòa nhà vẫn giữ nguyên hiện trạng như vậy. Trong khi hàng nghìn cư dân đã dốc toàn bộ tài sản vào mua nhà thì phải vất vưởng sống cảnh ăn nhờ ở đậu, mong ngóng từng ngày để được dọn về ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của mình.
Bà đại diện cư dân ở đây buồn bã chia sẻ: “Gần 2 năm nay không một cơ quan ban ngành nào hỏi xem chúng tôi sinh sống thế nào. Tiền đã nộp đến 90% rồi, nhà cũ bán rồi, mỗi tháng chúng tôi phải bỏ ra hàng chục triệu thuê nhà để ở. Trong khi nhà đã mua thì cứ bỏ không như vậy. Chúng tôi khẩn thiết mong các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý Nhà nước xử lý dứt điểm để chúng tôi được về ở trong chính ngôi nhà của mình”.
Một trong những lời khẩn cầu của cư dân 8B Lê Trực. Ảnh: Mai Thu
“Sai đâu xử đó, ai làm nấy chịu, tại sao bao nhiêu thiệt hại bây giờ lại đổ hết lên đầu chúng tôi. Chúng tôi đâu phải con kiến, con tằm mà trăm dâu cứ đổ hết lên đầu chúng tôi như vậy?” – một cư dân lớn tuổi bức xúc bày tỏ.
Cho rằng quyền lợi chính đáng của mình đang bị bỏ mặc, những cư dân một lần nữa lại gửi đơn kêu cứu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Bộ trưởng Bộ xây dựng Phạm Hồng Hà.
Hàng năm nay, công trình bị cưỡng chế phá dỡ vẫn nằm đắp chiếu trong khi người dân phải đi thuê nhà để ở. Ảnh: Mai Thu
Về phía Chủ đầu tư, đơn vị đang phải chịu sức ép từ nhiều phía thể hiện rõ sự bất lực của mình trước vấn đề vượt quá khả năng và thẩm quyền của mình: “Những khách hàng, nay là cư dân mua nhà ở đây liên tục kéo nhau lên gặp Chủ đầu tư để gây sức ép. Ban đầu thì họ còn thiện chí chia sẻ, cảm thông.
Đến nay thì thái độ yêu cầu ngày càng gay gắt: buộc chủ đầu tư hoặc bàn giao nhà, hoặc trả lại tiền. Toàn bộ số tiền đã nhận của khách hàng chúng tôi đã đầu tư xây dựng và hoàn thiện nhà theo hợp đồng, không thể trả lại.
Còn nhà đã xây xong, hầu hết đã hoàn thiện, chúng tôi cũng chỉ mong được bàn giao lại cho cư dân để hoàn thành trách nhiệm của mình. Song quyền thực hiện vấn đề này không thuộc về chúng tôi” – Đại diện chủ đầu tư khẳng định.
Trước đó, ngày 12/10, trả lời cử tri quận Ba Đình về việc phá dỡ toà nhà 8B Lê Trực, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thừa nhận trách nhiệm và hứa trong tháng 10/2017, thành phố sẽ xử lý dứt điểm. Tuy nhiên đến nay, đã gần hết tháng 10, việc xử lý vụ việc này vẫn đang chờ đợi những động thái và quyết định chính thức của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.
Mai Thu (Pháp Luật Plus)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.