06/07/2012 4:33 PM
Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm xử lý nợ xấu từ các nước như: Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc bởi đều có điểm chung là tín dụng liên quan đến bất động sản chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nợ xấu.

Nên bắt đầu từ nợ xấu bất động sản

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, hiện tín dụng bất động sản chỉ chiếm 10% tổng dư nợ nhưng tín dụng liên quan đến bất động sản của Việt Nam chiếm tới 60%. Vì vậy, không có lý gì mà không thể nhìn lại bài học xử lý nợ xấu bất động sản từ nước Mỹ trong năm 2008.

Khi đó, Chính phủ Mỹ phải bỏ ra một số tiền khổng lồ khoảng 700 tỷ USD để kích cầu kinh tế trong đó, một phần để mua lại tài sản độc hại chủ yếu là khoản vay bất động sản từ ngân hàng thương mại, đồng thời bơm một dòng tiền vào hệ thống ngân hàng thông qua việc mua trái phiếu ưu đãi của ngân hàng.

Và điểm đặc biệt mà Việt Nam cần vận dụng triệt để là những cổ đông mua trái phiếu ưu đãi không được tham gia quản trị ngân hàng, họ không quan tấm đến hội đồng quản trị mà nhiệm vụ chính của họ là giữ vốn cho các ngân hàng thương mại.

Sau vài năm, các ngân hàng mua lại trái phiếu của họ và giúp người đi vay phục hồi, cũng đồng thời lúc đó giá trị món nợ cũng đã tăng lên, lập tức Chính phủ có thể bán trở lại cho tổ chức tín dụng. Rõ ràng, Chính phủ đã có lợi nhuận từ chính những món nợ đã mua trước đó.

“Kinh nghiệm nước Mỹ là kinh nghiệm gần nhất, hợp nhất mà Việt Nam có thể học hỏi”, ông Hiếu nói.


Nguồn minh hoạ: Internet

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành thì cho rằng, nếu thành lập được công ty mua bán nợ Quốc gia thì Việt Nam đang đi đúng hướng với cách xử lý nợ xấu của một số nước láng giềng cũng như khu vực là: Trung Quốc, Thái Lan, và Hàn Quốc trong những năm khủng hoảng kinh tế châu Á từ 1997-2000.

Như Thái Lan cũng thành lập một công ty quản lý tài sản tập trung có tên Thai Asset Management Corporation (TAMC) và việc xử lý nợ xấu sẽ dựa trên nguyên tắc: nếu nợ xấu có thể sinh lời thì ngân hàng bán nợ sẽ được hưởng 80% phần lợi nhuận, còn nếu nợ xấu tạo lỗ thì ngân hàng đó sẽ phải chịu 20% khoản lỗ ấy.

Với các khoản vay thuộc ngành bất động sản, TAMC đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan nhà ở Quốc gia để chọn lọc các dự án còn nhiều tiềm năng, hỗ trợ phát triển và quản lý bán dự án. Riêng vấn đề nguồn vốn đầu tư cho dự án, TAMC làm việc với hai ngân hàng quốc doanh hàng đầu để cung cấp tài chính cho các dự án trên phát triển và hoàn thiện để bán ra thị trường.

Sau khi xử lý xong tín dụng bất động sản, TAMC tiếp tục khoanh nợ cho các ngành sản xuất, cũng như chứng khoán.

Và chỉ sau vài năm, hết quý2/2003 số nợ xấu được TAMC giải quyết đạt 73,46% tổng số nợ cần xử lý. Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại Thái Lan giảm rõ rệt xuống từ gần 13% năm 2003 xuống 10% năm 2004 và gần đây nhất đến quý 4/2011 ở mức không quá 4%.

Đến kinh nghiệm điều hành

Theo ông Thành, chính công tác dự báo không chính xác khi đưa mức lãi suất lên cao của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chính là nguyên nhân gây nên việc gia tăng nợ xấu. Điều này cũng xuất phát từ kinh nghiệm điều hành cũng như sự mập mờ giữa vai trò của Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Trung Ương.

Ông Thành cho rằng, hiện nay hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đơn thuần khi thị trường mở thì có nhiệm vụ bơm tiền ra, thị trường đóng hút tiền vào và giúp giải quyết một phần thanh khoản cho ngân hàng thương mại.

“Dù biết lãi suất cho vay phải xuống dưới 10% nhưng vẫn chưa có chính sách đồng bộ, việc kéo lãi suất từ từ mỗi quý xuống 1% cũng không thể giải quyết được gì khi doanh nghiệp không thể chờ đợi”, ông Thành bày tỏ.

Trong khi đó, kinh nghiệm điều hành từ các Ngân hàng Trung ương của một số nước như: Nhật Bản, Mỹ, và Liên minh châu Âu cho thấy, vai trò của Ngân hàng Trung ương chính là điều tiết lưu lượng tiền tệ không nhiều quá để gây lạm phát hoặc không ít quá gây thiểu phát.

Ông Thành cho biết, hiện bên Mỹ thì Ngân hàng Trung ương đang cho các ngân hàng thương mại vay tiền với lãi suất 0%, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho vay với lãi suất 0,1-0,2%, tại Liên minh châu Âu thì mức lãi suất duy trì 0,5%.

Rõ ràng, họ xác định đây không phải hoạt động kinh doanh lấy lời lãi mà chỉ là dịch vụ giúp hệ thống ngân hàng thương mại có vốn để cung cấp cho nền kinh tế phát triển, và chút lãi suất đó chỉ để trang trải chi phí điều hành.

“Bởi trong tay Ngân hàng Trung ương có quyền phát hành giấy bạc, phát hành tín dụng. Như trong một hồ chứa nước lớn, họ biết cách điều tiết van để nước chạy vào ruộng đủ để lúa mọc tốt và cũng không quá nhiều gây ngập hoặc không quá ít để ruộng khô”, ông Thành ví von.

Theo ông Thành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có thể làm được điều này khi xây dựng chương trình lãi suất thấp và cho ngân hàng thương mại vay với lãi suất 3-4%, khi đó, áp lực huy động vốn trong dân của ngân hàng thương mại cũng không còn và lãi suất cho vay ra sẽ chỉ ở mức 7-8% là doanh nghiệp đã có thể sống được

“Mặc dù đã có nhiều kiến nghị nhưng có vẻ chúng ta chưa quen với nền kinh tế thị trường nên vẫn chưa thể thay đổi cơ chế hoạt động của Ngân hàng Nhà nước, vì vậy chính sách lãi suất cao đang vô tình giết những con gà biết đẻ trứng vàng cho nền kinh tế”, ông Thành nói./.

Theo Tổ Quốc
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.