Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước gửi đến Quốc hội, 6 tháng đầu năm 2017 đã giải quyết được thêm 46,03 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tính đến cuối tháng 7 năm nay, tỷ lệ nợ xấu nội bằng là 2,51%, cao hơn tỷ lệ 2,46% của cuối năm 2016.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Cùng với việc tích cực hoàn thiện khung pháp lý về xử lý nợ xấu, toàn ngành Ngân hàng đẩy mạnh thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu để kiểm soát và duy trì nợ xấu ở mức dưới 3%. Cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống là 2,46%, đến cuối tháng 7-2017 là 2,51% (thấp hơn so với mức 2,55% cuối năm 2015). Tổng số nợ xấu xử lý được trong năm 2016 đạt 118,5 nghìn tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2017 đạt 46,03 nghìn tỷ đồng.

Nhìn con số có thể thấy tỷ lệ nợ xấu được xử lý có dấu hiệu chững lại. Đây chính là lý do Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, trong đó cho TCTD những thẩm quyền cao hơn trong xử lý tài sản đảm bảo để tiếp tục kiểm soát, duy trì tỷ lệ nợ xấu ở ngưỡng an toàn và tăng cường xử lý nợ xấu. Sau đó, Thủ tướng cũng đã phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”.

Chưa có phương án xử lý cuối cùng các ngân hàng 0 đồng vì thiếu cơ sở pháp lý.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: Do Nghị quyết mới được thông qua tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội (tháng 6-2017) nên hiện các TCTD đang chủ động xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu cho giai đoạn 2017-2022.

NHNN cũng đã làm việc với 6 TCTD điểm được lựa chọn (BIDV, Sài Gòn Thương Tín, ACB, Vietcombank, Techcombank, Agribank) và Công ty Quản lý tài sản (VAMC) để chỉ đạo các đơn vị này tập trung triển khai một cách toàn diện các giải pháp tại Nghị quyết 42.

Ngoài ra, để nâng cao vai trò, vị thế của VAMC trong xử lý nợ xấu, NHNN cho biết đang tập trung chỉ đạo VAMC khẩn trương hoàn thiện Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực hoạt động của VAMC giai đoạn 2017 – 2020 và hướng tới 2022 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tại báo cáo này, NHNN không đề cập gì đến việc xử lý 3 ngân hàng đã được mua lại 0 đồng. Tuy nhiên, giải trình trước Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết: Hiện phương án xử lý cuối cùng đối với các ngân hàng 0 đồng vẫn còn lúng túng vì cơ sở pháp lý chưa đầy đủ. Dù NHNN trình đi trình lại phương án xử lý rất nhiều lần, nhưng Chính phủ chưa thể thông qua vì không có quy định trong luật, nên Chính phủ không đủ cơ sở để quyết định. Điều này cũng đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc sửa Luật Các tổ chức tín dụng để có đủ cơ sở pháp lý giải quyết dứt điểm các ngân hàng này cũng như các TCTD bị kiểm soát đặc biệt khác.

Trong năm 2016, NHNN đã thực hiện 1.250 cuộc thanh tra, kiểm tra (trong đó có 285 cuộc đột xuất), và trong 8 tháng đầu năm 2017, đã thực hiện 751 cuộc thanh tra, kiểm tra (120 cuộc đột xuất), qua đó đã phát hiện khá nhiều tồn tại, sai phạm của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như: vi phạm về giới hạn cấp tín dụng; vi phạm về hoạt động quản trị, điều hành, kiểm soát, kiểm toán nội bộ; vi phạm điều kiện vay vốn; thẩm định, xét duyệt cho vay; hồ sơ vay; kiểm tra, giám sát vốn vay; định giá tài sản bảo đảm; vi phạm về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro; vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả... Tuy nhiên, không cái tên TCTD nào được nhắc đến trong báo cáo.

Trên cơ sở những sai phạm được phát hiện, năm 2016, NHNN đã ban hành 121 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với TCTD và doanh nghiệp, cá nhân với tổng số tiền phạt 8,4 tỷ đồng và hình thức phạt bổ sung là tịch thu 26.721 nhân dân tệ. 8 tháng đầu năm 2017, NHNN cũng đã ban hành 77 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (tổng số tiền phạt 6,9 tỷ đồng và tịch thu 7.757USD tang vật)...

Cùng với đó, hàng ngàn kiến nghị yêu cầu TCTD khắc phục tồn tại, sai phạm cũng đã được đưa ra (năm 2016 có 7.696 kiến nghị và 8 tháng đầu năm 2017 có 5.756 kiến nghị, đến hết Quý II/2017 đã thực hiện được 1.701 kiến nghị). Trên cơ sở kết quả thanh tra, giám sát, NHNN đã kịp thời ban hành văn bản cảnh báo các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về rủi ro và các nhóm sai phạm để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn; yêu cầu rà soát, kiểm tra trong hệ thống và có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý theo quy định pháp luật nhằm bảo đảm an toàn hệ thống TCTD.

Vũ Hân (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.