"Nếu nhìn vào nền kinh tế hiện nay thì con số này không có gì bất ngờ. Như tôi đã nói, chừng nào chưa giải quyết được hai "cục máu đông" là nợ xấu và hàng tồn kho thì tín dụng chưa thể tăng nhiều được", nguyên Thống đốc NHNN chia sẻ.

Ông Cao Sĩ Kiêm

Trước ngày 25/11/2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ trình Chính phủ Đề án thành lập Công ty mua bán nợ xấu. Trao đổi nhanh với Thời báo Ngân hàng, bên hành lang Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIII, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam - TS. Cao Sĩ Kiêm cho biết: Đây được xem là động thái rất tích cực, kịp thời bởi vấn đề xử lý nợ xấu bức bách lắm rồi. Nếu xử lý nợ xấu chậm ngày nào thì cả ngân hàng và doanh nghiệp đều “tắc” thêm ngày ấy, ảnh hưởng tới cả nền kinh tế.

Vấn đề xử lý nợ xấu được đưa ra từ cuối Quý I. Tại kỳ họp thứ 3, vấn đề này đã được đưa ra và cho đến nay đa số các ý kiến đưa ra đều theo thiên hướng nên thành lập Công ty mua bán nợ xấu để xử lý nợ xấu. Vấn đề hiện nay thuộc về quyết tâm của Chính phủ và NHNN. Theo tôi trong Quý 4 này Chính phủ phải đưa ra phương án giải quyết và Đề án thành lập Công ty mua bán nợ xấu là đúng đắn. Phải xem đây là nhiệm vụ chính trị, xã hội cũng nên đồng thuận để cùng tham gia xử lý nợ xấu.

Ông có bất ngờ với mức tăng trưởng tín dụng đến 19/10 chỉ tăng 2,77%?

Nếu nhìn vào nền kinh tế hiện nay thì con số này không có gì bất ngờ. Như tôi đã nói, chừng nào chưa giải quyết được hai "cục máu đông" là nợ xấu và hàng tồn kho thì tín dụng chưa thể tăng nhiều được. Động thái của NHNN về xử lý "cục máu đông" thứ nhất (nợ xấu) đã rõ, còn "cục máu đông" thứ hai (hàng tồn kho) phải do Bộ Công Thương xử lý.

Ngày 25/10, NHNN cũng công bố danh tính một số ngân hàng nằm trong diện tái cơ cấu?

NHNN đã phát đi thông điệp trong năm 2013 sẽ giải quyết dứt điểm ngân hàng yếu kém. Khi đã nằm trong kế hoạch triển khai của NHNN, và theo Quyết định 254/QĐ-TTg về Đề án tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015 đưa ra hồi đầu năm thì việc công khai danh tính các ngân hàng trong diện hợp nhất, sáp nhập cũng hợp lý.

Ý kiến của ông về việc NHNN đề nghị sẽ cân nhắc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vàng?

Tôi được biết, trong quản lý thị trường vàng có rất nhiều nội dung liên quan như: vấn đề xuất nhập khẩu, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh, tiêu chuẩn vàng, tiêu chí dự trữ vàng miếng… Và việc đánh thuế vàng cũng là nội dung để quản lý thị trường vàng. Tuy nhiên, vấn đề này có tác động lớn nên phải cân nhắc, có lộ trình từng bước và hướng dẫn cụ thể để đảm bảo sự minh bạch, công bằng, giải quyết được mục tiêu chính sách, song không để ảnh hưởng nhiều tới người dân.

Với những người dân bị thiệt hại do mua phải vàng nhái gần đây được các phương tiện truyền thông phản ánh, theo tôi cần phải kiểm tra, xử lý cụ thể, không nên kéo dài sẽ tác động về tâm lý tới người dân. Ví dụ, nếu vàng nhái ở khâu chế tác thì cũng phải xử lý đơn vị chế tác. Song đây cũng là bài học cho người dân, khi đi mua vàng phải lấy biên lai, số sê – ri, doanh nghiệp bán vàng ra phải đảm bảo sự cam kết về chất lượng vàng.

Xin cảm ơn ông!

Theo Quang Cảnh (TBNH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.