Đất siêu méo để cỏ mọc
Ngày 17-1, tuyến đường Vành đai 2, đoạn Nhật Tân - Xuân La - Bưởi - Nghĩa Đô chính thức đi vào khai thác sử dụng. Dự án tuyến đường dài hơn 6km với tổng mức đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng này khi được thông xe đã góp phần quan trọng vào dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, tạo điều kiện hoàn chỉnh kết nối khu vực trung tâm Thủ đô đến sân bay Nội Bài, giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Thửa đất trên mặt đường Võ Chí Công đã dựng xong cột của nhà ông Trần Văn Thành vẫn để cỏ mọc 2 năm nay.
Tuy nhiên, ngay sau khi tuyến đường được mở ra thì hàng chục nhà dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng (GPMB) còn thừa lại những mảnh đất siêu mỏng, siêu méo. Nhà ít nhất là 6m², nhà nhiều thì hơn 20m² nhưng có những góc cắt nếu xây dựng sẽ thành siêu méo. Hai năm sau ngày tuyến đường được đưa vào sử dụng, nhiều hộ dân vẫn phải đi thuê nhà, đất siêu mỏng để hoang cho cỏ mọc.
Sáng 7-6, có mặt trên tuyến đường Võ Chí Công (Vành đai 2) đoạn thuộc Tổ dân phố 16, Cụm 2, phường Xuân La (quận Tây Hồ - Hà Nội), chúng tôi chứng kiến tại nhiều vị trí mặt đường có những ngôi nhà siêu mỏng và những mảnh đất siêu méo để hoang hóa. Mảnh đất siêu méo của ông Trần Văn Thành có hình tam giác nằm ngay mặt đường đã xây móng, dựng 4 cột bê tông nhưng cỏ mọc um tùm.
Theo ông Thành thì miếng đất này đã để như thế từ 2 năm nay do bị đình chỉ thi công. Trước đây, tổng diện tích nhà và đất của ông Thành có 108m², sau khi GPMB xây dựng đường Vành đai 2, nhà ông chỉ còn lại 6m². Để có chỗ ở, ông đã hợp thửa với mảnh đất 30m² của anh Trần Quang Huy ở ngay bên cạnh và nâng diện tích lên thành 36m². Năm 2014, UBND quận Tây Hồ cấp phép cho ông Thành xây dựng nhà 4 tầng trên thửa đất 28m² (còn 8m² không cấp phép xây dựng vì nó là góc nhọn).
Tuy nhiên, khi triển khai ông Thành lại xây sai so với giấy phép đã được cấp và tháng 6-2014 UBND phường Xuân La đình chỉ thi công công trình. Trao đổi với phóng viên, ông Trần Việt Hùng, cán bộ Thanh tra xây dựng phụ trách địa bàn phường Xuân La cho biết: “Hộ ông Thành đã xây luôn cả những mét vuông đất không nằm trong giấy phép xây dựng được cấp. Nếu xây như vậy sẽ tạo thành góc nhỏ không phù hợp bởi theo quy định các thửa đất có cạnh nhỏ hơn 3m² thì sẽ không được xây dựng”.
Như vậy, mảnh đất siêu méo này cứ để hoang hóa như vậy suốt 2 năm qua và ông Thành cho biết gia đình ông gồm 4 người vẫn đi thuê nhà để ở từ bấy đến nay. Cả người dân cũng như chính quyền vẫn đang lúng túng chưa biết xử lý như thế nào đối với trường hợp này. Giải pháp đưa ra lúc này là vận động người dân hợp khối. Theo ông Thành thì gia đình ông cũng đang chờ hợp khối với hai hộ dân bên cạnh nhưng hiện chỉ có một hộ muốn xây còn một hộ lại không muốn nên chưa thống nhất được.
“Chính quyền vận động người dân hợp thửa, nhưng gia đình tôi hợp thửa đã gần 2 năm nay mà vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Người dân muốn chuyển nhượng để đi chỗ khác mua nhà cũng khó”- ông Thành phản ánh.
Theo bà Nguyễn Thị Chính, Tổ trưởng Tổ dân phố 16 thì sau khi GPMB để xây dựng đường Võ Chí Công, tổ 16 còn lại 3 gia đình có nhà và đất bị siêu méo. Ngoài hộ ông Thành như đã nói ở trên là hộ ông L.H.B diện tích đất còn lại 9m². Trước lúc GPMB thì miếng đất này đã được xây thành cái lều nhỏ hình chéo lá cờ và ông B đã chuyển sang huyện Đông Anh mua đất để xây nhà.
Vẫn loay hoay chuyện hợp thửa, hợp khối
Tuyến đường Võ Chí Công (Vành đai 2) đi qua địa bàn Xuân La có tổng chiều dài 2,4km, trong đó có 1km đi qua khu dân sinh. Qua rà soát Xuân La có 36 trường hợp nếu xây dựng công trình sẽ tạo thành những góc bất hợp lý (trong đó có 18 trường hợp đất mỏng méo là công trình cũ, đất nông nghiệp). Còn 18 trường hợp đất đã nộp danh sách có hình thể đất ở, đất vườn, trong đó có 15 trường hợp diện tích nhỏ hơn 15m², 3 trường hợp diện tích lớn hơn 15m² (trong đó có 2 trường hợp cạnh nhỏ hơn 3m²).
Để đảm bảo nhu cầu, nguyện vọng của các hộ dân sau khi GPMB cũng như phòng ngừa tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện, UBND phường Xuân La đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ dân hợp thửa và hợp khối với các hộ liền kề.
Theo ông Lê Tiến, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La, đến thời điểm hiện tại đã vận động được 8 trường hợp hợp khối với hộ liền kề, trong đó có 4 trường hợp có thông báo yêu cầu hợp khối thửa đất của UBND quận. Còn lại 10 trường hợp chưa thỏa thuận hợp khối với hộ liền kề được (trong đó có 3 trường hợp có thông báo yêu cầu hợp khối thửa đất của UBND quận).
Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, việc hợp thửa hay hợp khối ở phường Xuân La cũng không phải chuyện giải quyết trong ngày một ngày hai. Chính quyền thì vận động, nhưng người dân vẫn loay hoay bởi không dễ gì nhà này thỏa thuận được với nhà kia. Có trường hợp đã hợp thửa xong như hộ ông Thạch và Thành nhưng đất vẫn tạo góc nhọn nên phường đề nghị tiếp tục hợp khối công trình với hộ bên cạnh.
Tuy nhiên, hộ bên cạnh lại chưa có điều kiện xây nên đến nay vẫn chưa giải quyết được dứt điểm. Hay hộ ông Ngô Văn Quát, ở tổ 16 sau GPMB diện tích còn trên 20m2 nhưng đất lại có góc nhọn nên vẫn loay hoay vận động hộ bên cạnh hợp khối mà chưa xong. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hộ hợp thửa thành công ở phường Xuân La là trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Hương diện tích 18,6m², Nguyễn Thị Tuyết Nhung diện tích 1,5m² ở tổ 35 đã hợp thửa với hộ ông Nguyễn Văn Định tạo thành thửa đất trên 60m² rất vuông vắn.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng TP Hà Nội, một số cán bộ thanh tra còn hạn chế về kinh nghiệm, kỹ năng thiết lập biên bản; nghiệp vụ chuyên môn trong công tác quản lý trật tự xây dựng, chưa đáp ứng được yêu cầu về chất và lượng khi thực hiện nhiệm vụ được giao, còn buông lỏng quản lý dẫn đến việc kiểm tra, thiết lập hồ sơ vi phạm không đảm bảo chất lượng (bỏ sót hành vi vi phạm; sai điều, khoản áp dụng; tham mưu, đề xuất chưa kịp thời…); chậm phát hiện và thiết lập hồ sơ vi phạm dẫn đến công trình vi phạm quy mô lớn gây khó khăn cho công tác xử lý sau này. |