22/07/2018 5:37 PM
Ghi nhận trong các phiên giao dịch, giá vàng có diễn biến khá phức tạp song xu hướng giảm bao trùm cả thị trường vàng trong nước và thế giới quần qua.

Khách hàng giao dịch tại công ty vàng Bảo Tín Minh Châu (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Giá vàng trong nước tuần qua giảm liên tiếp bắt nhịp với xu hướng giảm sâu của vàng thế giới do đồng USD mạnh lên sau nhận định của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về kinh tế Mỹ củng cố quan điểm của Fed về đà tăng dần lãi suất. Có thời điểm, giá vàng trong nước giảm mạnh nhất trong 3 tuần qua.

Trong phiên cuối tuần, giá vàng trong nước tăng nhẹ trở lại do phần nào ảnh hưởng từ sự phục hồi của giá vàng thế giới.

Giá vàng trong nước tuần qua có biến động sát với với giá vàng thế giới, do đó chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hầu như ổn định. Mức chênh lệch giá vàng nội và ngoại được duy trì trong khoảng 2,6 triệu đồng/lượng tại hầu hết các phiên giao dịch.

Xu hướng giảm bao trùm cả thị trường vàng trong nước và thế giới trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng kim loại quý này tại thị trường tiêu thụ hàng đầu ở châu Á như Trung Quốc thấp do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra với Mỹ đã làm suy yếu đồng nhân dân tệ, cộng thêm việc sự kỳ vọng Mỹ sẽ tăng tiếp lãi suất đã tạo áp lực lên giá vàng.

Diễn biến trên thị trường thế giới cũng có tác động đến thị trường trong nước, khiến giá vàng trong nước ở phiên 17/7 giảm tới 70.000 đồng/lượng.

Đáng chú ý, giá vàng trong nước biến động rõ nét nhất là trong phiên 18/7. Giá vàng thế giới đã giảm hơn 1% và rơi xuống mức thấp nhất của một năm sau những nhận định khá lạc quan của Chủ tịch Fed về “sức khỏe” của nền kinh tế Mỹ đã giúp các thị trường tin tưởng rằng Fed sẽ có thêm hai đợt nâng lãi suất nữa trong năm nay khi nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng.

Ngay sau đó, đồng USD và thị trường chứng khoán thế giới đã ghi nhận kịch bản hết sức lạc quan, trong khi đó, tài sản không mang lại lợi tức như vàng lại trượt giảm sâu về mức đáy trong một năm. Trước những biến động mạnh của thế giới, giá vàng trong nước cũng giảm khá mạnh đến 90.000 đồng mỗi lượng.

So với phiên đầu tuần mỗi lượng vàng được điều chỉnh giảm khoảng 200.000 đồng, đồng thời ghi nhận đây là mức giảm giá mạnh nhất trong khoảng 3 tuần qua.

Trong 2 phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng có bước nhảy vọt khá mạnh khi tăng thêm 100.000 - 140.000 đồng/lượng tại thị trường trong nước và tăng thêm 20 USD tại thị trường thế giới, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng chỉ trích lộ trình nâng lãi suất của Fed và đồng USD mạnh lên. Nguyên nhân dẫn đến sự tăng giá nhanh chóng của vàng một phần nhờ đồng USD suy yếu.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần 21/7, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn – SJC niêm yết chiều mua vào ở mức 36,74 triệu đồng/lượng còn ở chiều bán ra có mức giá là 36,94 triệu đồng/lượng.

Theo nhận định của đại diện một số công ty kinh doanh vàng bạc, diễn biến giá vàng tuần qua khá phức tạp khi xu hướng giảm là chủ yếu. Giá vàng giảm bất ngờ và kéo dài nhưng thị trường vàng vẫn giữ được sự ổn định, xu hướng chung của nhiều nhà đầu tư vẫn là tiếp tục theo dõi diễn biến giá, chỉ có rất ít nhà đầu tư vàng nhỏ lẻ tranh thủ khi giá thấp đã tăng lượng mua vào nhưng với số lượng không nhiều.

Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định giá vàng hiện nay vẫn tương đối thấp nên kim loại quý này vẫn chưa phải là đích đến để các nhà đầu tư lựa chọn.

Giá vàng có thể sẽ tăng lên trong thời gian tới tùy thuộc vào tình hình của kinh tế thế giới và diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện mới chỉ bắt đầu nhen nhúm. Thêm nữa, nền kinh tế Mỹ thời điểm này lại phát đi những tín hiệu khả quan làm tăng giá trị của đồng USD.

Giới đầu tư và các nhà phân tích thị trường khuyến cáo, thị trường vàng đang có những chuyển biến tích cực. Các nhà đầu tư vẫn cần phải có sự chuẩn bị chu đáo để theo sát diễn biến và lựa chọn đúng thời điểm để tiến hành giao dịch vàng.

Chủ đề: Giá vàng hôm nay
Thùy Linh (BNews/TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.