Dư nợ tín dụng phi sản xuất đã giảm từ 18,87% hồi cuối năm 2010 về mức 16,91% tính đến cuối tháng 5 năm nay.
Xoay xở với dư nợ tín dụng phi sản xuất

Tăng trưởng tín dụng là 6,92%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái là 7,46%. Riêng tăng trưởng tín dụng khu vực sản xuất là 25%.

Đây là thông tin được Ngân hàng Nhà nước cung cấp trong phiên họp thường kỳ chính phủ vừa qua.

Theo quy định tại chỉ thị 01 ban hành vào đầu tháng 3 năm nay, tỷ trọng dư nợ phi sản xuất của tổ chức tín dụng đến 30/6 tới tối đa là 22% và đến cuối năm nay tối đa là 16%.

Ngân hàng nhà nước cũng khẳng định sẽ tiếp tục kiểm sóat tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cả năm dưới 20% và tập trung vốn cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngày 30/6 là hạn chót các ngân hàng giảm tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất xuống còn 22%/tổng dư nợ cho vay.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết, hiện, một số ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc giảm dư nợ tín dụng phi sản xuất mà chủ yếu là cho vay bất động sản, chứng khoán và tiêu dùng. Đến nay, vẫn còn 20 ngân hàng TMCP trong nước đang có dự nợ phi sản xuất cao hơn 22%, cá biệt có 2 ngân hàng có dư nợ phi sản xuất là 50% và 52%.

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng vẫn nỗ lực để "về đích" đúng hẹn. Hiện, 12 ngân hàng TMCP có trụ sở chính trên địa bàn Hà Nội đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, trong đó tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất đến 30/6/2011 không quá 22%, đến 31/12/2011 không quá 16%.

Đáng chú ý là Ngân hàng Hàng Hải đặt kế hoạch sẽ đưa tỷ trọng cho vay phi sản xuất đến ngày 30/6 là 12%; đến 31/12 là 14,4% và Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam đặt kế hoạch đến ngày 30/6 là 19,4% và đến 31/12 là 14,1%. Hai ngân hàng khác là Ngân hàng Sài Gòn- Hà Nội, Ngân hàng Quân đội cũng đặt mục tiêu giảm tăng trưởng tín dụng phi sản xuất đến 30/6 về mức 19,5% và 20%.Các ngân hàng còn lại đảm bảo mức tăng trưởng theo quy định.

Theo NHNN Chi nhánh Hà Nội, các tổ chức tín dụng đã quán triệt và chỉ đạo trong toàn hệ thống tập trung vốn tín dụng ưu tiên cho sản xuất kinh doanh, khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa; hạn chế cho vay tiêu dùng, hạn chế hoặc tạm dừng cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và chứng khoán.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu đã khẳng định, sẽ không có chuyện lùi thời hạn áp dụng tỷ lệ tín dụng phi sản xuất 22% trên tổng dư nợ cho vay. Quy định giảm tỷ lệ tín dụng phi sản xuất được NHNN ban hành từ đầu tháng 3, nên các ngân hàng có đủ thời gian để giảm dần dư nợ tín dụng phi sản xuất của mình vào cuối tháng 6. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết, cơ quan này sẽ có chế tài xử lý với tất cả các ngân hàng không tuân thủ quy định đúng thời hạn trên. nếu ngân hàng nào không thực hiện được sẽ bị phạt nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Trước ý kiến cho rằng việc giảm con số dư nợ này quá đột ngột, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nói: "Đã tính toán theo lộ trình đủ để các ngân hàng giảm dư nợ vì trước đó NHNN đã có bốn văn bản mang tính quy phạm pháp luật chỉ đạo việc này".

Một chuyên gia ngân hàng cho rằng: "Bệnh cho vay tràn lan bất động sản đã quá nặng ở nhiều ngân hàng, nay dùng liệu pháp điều trị ngắn sẽ khó đạt mục tiêu. Bởi thế, để tránh cú sốc, NHNN chỉ nên nâng mức xử phạt dần dần, thay vì lập tức bắt tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ bắt buộc (hiện tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 7%; với VND là 5%- PV)".

Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm lưu ý thị trường BĐS đang khó khăn, việc ngân hàng đốc thúc khách trả nợ sẽ không dễ dàng. Ông Kiêm cảnh báo để đáp ứng mệnh lệnh của NHNN về tín dụng phi sản xuất, nhiều ngân hàng có thể dùng chiêu đảo nợ.

"Trong các khoản vay bất động sản, chứng khoán, có thể nhà đầu tư và ngân hàng sẽ dàn xếp với nhau. Ngân hàng sẽ không thu nợ, không bắt nợ, mà chuyển nợ sang một hình thức khác ví như có một khoản trả thế vào sau đó vay lại" - Ông Kiêm ví dụ.

“Việc kéo tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống còn 16% vào cuối năm nay rất khó khăn. Vì hợp đồng đã ký hết. Nếu thay đổi lại hợp đồng thì vi phạm hợp đồng dân sự.

Trong trường hợp này NHNN nên nhìn nhận thực tế để các ngân hàng thương mại không phải tìm giải pháp lách luật" - Bà Dương Thu Hương -Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, theo phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần, thì việc đảo nợ không dễ.

"Lấy ví dụ ngân hàng Z có dư nợ bất động sản là 10.000 tỷ trên 30.000 tỷ đồng tổng dư nợ (tương ứng 33%). Để giảm được về con số 22% tức là còn gần 7.000 tỷ dư nợ phi sản xuất, chỉ có 3 cách:

Một là yêu cầu khách hàng (doanh nghiệp khoẻ) trả về tài khoản hơn 3.000 tỷ đồng theo hạn mức vào thời điểm 30-6 để đúng lúc đó dư nợ giảm đến mức thấp nhất.

Hai là giữ nguyên dư nợ 10.000 tỷ đồng và tăng tổng dư nợ chung lên 50.000 tỷ (cách này cũng không thể vì đã bị khống chế chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm).

Ba là ngân hàng bàn với khách hàng kiếm nguồn tài chính để trả nợ rồi sau đó cho vay lại ngay. "Nhưng như thế khi cho vay lại thì vẫn là dư nợ bất động sản và khó ngân hàng nào dám làm. Biện pháp chủ yếu các ngân hàng đang làm hiện nay là đàm phán với khách hàng để tiết giảm giải ngân (trên hợp đồng đã ký) đồng thời giảm hạn mức vay của DN.
Theo Đức Trung (tamnhin)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.