Một dự án treo ở huyện Bình Chánh, TP.HCM Ảnh: NLĐ
Hàng ngàn dự án “treo” của TP.HCM trong những năm qua đã làm người dân điêu đứng. Trong số 16 quận, huyện đang có dự án “treo” bị thu hồi, nhiều nhất là huyện Bình Chánh với 14 dự án. Tuy nhiên, khu quy hoạch “treo” lâu đời có thể kể đến như: khu phố 8, ấp Doi, P.15, Q.Gò Vấp, có diện tích hơn 40 hecta, “treo” 14 năm; khu Bình Qưới - Thanh Đa, P.28, Q.Bình Thạnh: 12 năm; dự án hồ sinh thái Vĩnh Lộc, H.Bình Chánh: 14 năm; Q.Tân Phú 8 dự án, Q.7 có 7 dự án... những dự án treo này khiến đời sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn. Tại khu vực các phường 19, phường 22, Q.Bình Thạnh vốn đã bị dự án xây dựng khu đô thị Văn Thánh treo 20 năm nay, chưa xóa thì lại mới bị “treo” chồng thêm dự án khu bờ tây sông Sài Gòn. Bà Trần Thị Hằng, người dân ở đây chỉ vào căn nhà xập xệ kế bên nhà bà cho biết, nhà đó đã xuống cấp lắm rồi nhưng không dám xây lại vì không được phép xây cất, bán, hay chuyển nhượng. Bà Trần Thị Hằng nói:
Với những người dân có liên quan đến dự án tại khu C30 Tân Bình thì thấm thía nỗi khổ, sự thiếu thốn trăm bề trong vùng quy hoạch treo: nhà cửa, đường sá, điện nước không được đầu tư nên đường sá xuống cấp, mùa nắng thì bụi mịt mù, mưa thì lầy lội. Do không có hệ thống thoát nước, nên mùa mưa nước ngập lên đến tận đầu gối. Người dân sống mòn mỏi nhiều năm chỉ chờ công bố chính thức. Ông Nguyễn Văn Sơn, một hộ dân bị dính vào dự án “treo” lâu năm ở quận Tân Bình nói:
Lý giải về việc “treo” mở rộng các tuyến hẻm trên địa bàn quận 10 quá lâu, mặc dù TP.HCM đã có chủ trương cho đền bù 80% số diện tích đất bị thu hồi của hộ đầu hẻm theo giá thị trường, ông Trà Đức An, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 10 cho rằng: nguyên nhân là do kinh tế còn khó khăn nên chưa có tiền để thực hiện dự án, ông phân tích: trên địa bàn Q.10 có 1.500 hẻm, nếu tính bình quân mở rộng mỗi hẻm cần 5 tỉ đồng thì nguồn kinh phí sẽ lên đến 7.500 tỉ đồng. Ngân sách dành cho chỉnh trang ngõ hẻm của quận hiện nay chỉ từ 1-2 tỉ đồng/năm, nên quy hoạch hẻm cứ bị “đóng băng” và chưa biết đến lúc nào mới giải quyết xong.
Mặt khác, trong quá trình quản lý địa bàn, quận 10 cũng đã kiến nghị TP điều chỉnh xóa quy hoạch đối với 13 con đường do không có khả năng thực hiện và nhu cầu về giao thông không cao. Ngoài ra, UBND quận cũng đã kiến nghị nhiều lần TP.HCM xem xét xóa bỏ 3 quy hoạch treo lớn nhất đã tồn tại hơn 10 năm nay. Đó là khu nhà cao tầng ở phường 1, phường 2 và phường 15, mỗi khu đều ảnh hưởng đến khoảng 200 hộ dân trong khu dân cư hiện hữu. Trước đây, quận dự kiến giải tỏa khu chung cư này để xây dựng khu chung cư mới, quận cũng đã kiến nghị được TP.HCM đồng tình và có quyết định điều chỉnh quy hoạch chung của quận xóa “treo” 3 khu dân cư này. Hiện trên địa bàn quận 10 vẫn còn 2 khu còn “treo”, đó là khu mở rộng công viên Lê Thị Riêng ở đường Bắc Hải có liên quan đến việc quy hoạch chung của TP.HCM nên không thể xóa treo, và với điều kiện khó khăn hiện nay thì dự án này cũng khó mà thực hiện. Một khu nữa là công viên cây xanh ở đường Tam Đảo, bên trên có vướng đường dây điện cao thế nên không thể quy hoạch thành khu dân cư, nên vẫn giữ lại công viên này. Ông Trà Đức An, Trưởng phòng quản lý đô thị quận 10 nói:
Theo ông An, để đảm bảo quyền lợi của người dân đang bị vướng vào những khu quy hoạch chung của TP.HCM, trong đó, sẽ có nhiều hộ bị vướng vào các quy định của Luật Xây dựng, Luật đất đai. Tuy nhiên, để “gỡ” vướng mắc này, TP.HCM đã kiến nghị Thành ủy có văn bản chỉ đạo cho TP.HCM để áp dụng đối với các khu vực này. Chẳng hạn mặc dù bị vướng quy hoạch chung như vậy, nhưng người dân vẫn được cấp phép xây dựng được bao nhiêu tầng, được cấp chủ quyền, hoặc cách ghi chú trên giấy chủ quyền như thế nào để người dân không bị thiệt thòi về quyền lợi.
Hiện nay, UBND TP.HCM đã xóa gần 130 dự án “treo” với tổng diện tích gần 1.500 hecta. Mới đây, TP.HCM cũng đã xóa quy hoạch “treo” và chấm dứt gia hạn chủ trương chấp thuận đầu tư đối với 20 dự án tại khu đô thị mới Nam TP.HCM. Theo UBND TP.HCM, người dân trong khu vực đã được xóa dự án “treo” sẽ được khôi phục những quyền lợi về nhà, đất theo quy định. Theo đó, người dân sẽ được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, được cấp giấy phép xây dựng tạm trong 5 năm, nếu khu vực đã có quy hoạch chi tiết (1/500), hoặc được cấp giấy phép xây dựng chính thức nếu chỉ mới có quy hoạch phân khu (1/2.000). Việc tách thửa đất, chuyển mục đích sử dụng đất trong những dự án vừa được xóa quy hoạch “treo” cũng sẽ được thực hiện theo quy hoạch. Đáng chú ý, nhà và đất của người dân trong các khu vực vừa xóa quy hoạch “treo” sẽ được cấp giấy chủ quyền để thực hiện các quyền lợi hợp pháp về tài sản của mình. Đây là điều mà bà con trong vùng quy hoạch “treo” bao năm đã khắc khoải đợi chờ.