Dù đã dùng những biện pháp mạnh để xử lý biệt thự bỏ hoang, như áp dụng đánh thuế mức từ 5 - 10% của Bộ Tài chính, nhưng đến nay, đã hết thời hạn qui định gần 4 tháng, hàng nghìn căn nhà "vô chủ" vẫn để rêu mốc xanh, cỏ mọc um tùm.

Theo các chuyên gia, đa phần biệt thự bỏ hoang là do đầu cơ, thậm chí trong đó còn có những ngôi nhà thuộc sở hữu của một số các quan chức Nhà nước, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, nên việc xóa biệt thự bỏ hoang khó… như lên trời.

Hoàn thiện cho có

Nhiều Khu ĐTM ở Hà Nội và ở một số địa phương, tình trạng biệt thự để hoang hóa có khi kéo dài tới cả chục năm không hoàn thiện đã gây mất mỹ quan đô thị và an ninh xã hội. Trước vấn nạn đó, Chính phủ vừa chỉ đạo các cơ quan liên ngành thanh kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư hoàn thiện công trình theo đúng thời gian cam kết và bàn giao cho người mua.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng vừa hoàn thành đợt thanh kiểm tra tại các khu đô thị mới. Kết quả cho thấy, trong số gần 2.700 căn biệt thự tại các huyện nội, ngoại thành khu vực Hà Nội, có hơn 1.700 căn đã được đưa vào sử dụng, số còn lại vẫn bỏ hoang.

Khảo sát tại một số Khu ĐTM như: Mỹ Đình, Văn Quán, Quang Minh,…chúng tôi nhận thấy đã có một số căn biệt thự rục rịch hoàn thiện phần ngoài, nhưng chủ yếu nằm ở vị trí dễ nhìn thấy. Những căn biệt thự ở bên trong khó quan sát hơn, cỏ vẫn mọc rậm um tùm.

Anh Trần Xuân Thắng, sống ở Khu ĐTM Mỹ Đình nói: "Gia đình tôi dọn về đây ở đã được 3 năm, nhưng số căn biệt thự được hoàn thiện rất ít, vì có thể nhiều nhà đầu tư mua để kinh doanh, đợi được giá lại bán trao tay kiếm lời, chứ họ không có nhu cầu ở thực".

Theo ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), Bộ Xây dựng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình sử dụng nhà ở tại một số dự án phát triển nhà, đôn đốc các chủ đầu tư dự án đẩy nhanh tiến độ dự án. Tuy nhiên, kết quả không nhiều và không được như mong muốn.

Trước đó, TP Hà Nội đã có văn bản gửi các chủ đầu tư dự án nhà ở trên địa bàn, yêu cầu hoàn thiện nhà bỏ hoang. Đến hết quí II/2011, nếu chủ nhân không hoàn thiện sẽ phải bán lại cho chủ đầu tư theo giá bán tại thời điểm ký hợp đồng giữa hai bên.

Vẫn phải đợi

Các cơ quan chức năng đã thử đủ các liều thuốc để chữa căn bệnh "nhà hoang", nhưng xem ra vẫn chưa đủ mạnh. Biện pháp đánh thuế 5 - 10% đối với loại hình biệt thự bỏ hoang cũng chỉ là "phép thử" ngắn hạn. Về trung hạn và dài hạn để "xử" dứt điểm vấn nạn biệt thự bỏ hoang, phải có những chế tài đủ mạnh, cộng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chủ quản trực tiếp quản lý.

GS. TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, phải đánh thuế nặng với biệt thự bỏ hoang, và đã bỏ hoang đều đánh thuế như nhau để triệt tận gốc tình trạng biệt thự xây lên không có người ở diễn ra nhiều năm.

Trong khi đó, việc áp dụng chế tài xử phạt đối với những chủ đầu tư các khu đô thị bỏ hoang đã có, nhưng phải đợi đến ngày 1/1/2012 mới chính thức có hiệu lực áp dụng, đó là Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cũng cần có qui định đánh thuế lũy tiến về đất ở và nhà ở chưa đưa vào sử dụng.

Theo ông Thiện, xử lý tình trạng biệt thự bỏ hoang cần phải có lộ trình và sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương, cơ quan phê duyệt thẩm định dự án… tăng cường kiểm tra các dự án phát triển nhà, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ công trình, đồng thời hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Các chuyên gia nhận định, chỉ khi Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có hiệu lực vào đầu năm 2012, đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư cam kết hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, mới có thể xử lý dứt điểm nhà để không kéo dài trong các Khu ĐTM.q

Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp áp với đất ở bao gồm cả trường hợp sử dụng để kinh doanh áp dụng theo biểu tính thuế lũy tiến từng phần theo 3 bậc: diện tích trong hạn mức thuế suất 0,03%; diện tích vượt không quá 3 lần hạn mức thuế suất 0,07% và diện tích vượt trên 3 lần hạn mức thuế suất 0,15%. Hạn mức đất ở làm căn cứ tính thuế là hạn mức giao đất ở mới theo qui định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.

Theo Thu Văn (KTĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.