“Tôi mua đất dự án và bỗng dưng bị công ty mượn 4 m chiều dọc để làm đường nội bộ mà không biết chừng nào mới hoàn trả”. Bà B. (quận 11, TP.HCM) trình bày với Pháp Luật TP.HCM.
Tháng 6-1997, bà B. ký hợp đồng mua một lô đất thuộc dự án khu nhà ở cán bộ-công nhân viên Huyện ủy Bình Chánh (nay thuộc phường An Lạc, quận Bình Tân) do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh làm chủ đầu tư. Lô đất này có diện tích 96 m2 (ngang 6 m, dài 16 m) nằm ở mặt tiền đường Lý Chiêu Hoàng nối dài (dự phóng là 30 m).
Năm 1999, sau khi được công ty cắm ranh, giao đất, bà đã được UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thế nhưng hơn 14 năm qua bà không thể xây dựng nhà ở vì công ty chưa làm cơ sở hạ tầng theo cam kết khiến khu đất không có đường, không hệ thống thoát nước, không điện.
Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh đang thi công làm đường nội bộ dự án khu nhà ở cán bộ-công nhân viên Huyện ủy Bình Chánh. Ảnh: CTV
Tháng 4-2013, bà B. đi thăm đất để tính chuyện xây nhà cho con gái thì thấy công ty đang làm đường nội bộ, đặt cống thoát nước. Chưa kịp mừng thì bà tá hỏa khi phát hiện công ty đã tự ý lấy 4 m đất chiều dọc của những người ở mặt tiền đường (trong đó có lô đất của bà) để làm đường đi. Bà B. thắc mắc, công ty cho biết do khu đất mặt tiền có lối đi hẹp nên công ty cần mở rộng để đảm bảo lòng đường nội bộ là 5,15 m, vỉa hè là 1,5 m theo đúng quy định. Trước mắt, công ty mượn 4 m đất theo chiều dọc của tất cả lô đất mặt tiền đường, khi nào Nhà nước mở đường 30 m thì công ty sẽ trả lại phần đất đó. Công ty nói do hợp đồng chuyển nhượng ký đã lâu, khách hàng đã thay đổi số điện thoại nên công ty không liên lạc được để thông báo việc này.
Bà B. không đồng ý với giải thích này bởi lẽ nếu xây dựng nhà thì bà phải chừa ra 4 m vì nó đã là đường đi. “Chưa kể việc bị mượn đất vô thời hạn, chúng tôi còn bị nhiều thiệt thòi vì sau này khó có thể xây dựng thêm do phía dưới là hệ thống cống thoát nước. Công ty phải có phương án giải quyết thỏa đáng quyền lợi của chúng tôi” - bà B. đề nghị.
Công ty nhận thiếu sótÔng Nguyễn Thanh Sang, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh, cho biết: Dự án trên tiếp giáp với đường Lý Chiêu Hoàng nối dài (30 m) nhưng tới nay Nhà nước vẫn chưa mở đường nên công ty phải làm đường nội bộ để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cho chủ đất xây nhà. Việc mượn đất của các hộ để làm đường xuất phát từ chỗ đường hiện hữu quá nhỏ. . Vì sao khi mượn đất, công ty không hỏi ý kiến các chủ đất? + Công ty có tính đến việc này nhưng do không biết số điện thoại, địa chỉ của họ nên không thể liên lạc với họ. . Vậy sao công ty không thử liên hệ với cơ quan cấp giấy chứng nhận hay UBND quận để có địa chỉ của họ? + Đúng là công ty có sơ sót trong chuyện này. . Công ty có cách xử lý nào khác để những người mất đất không bị thiệt? + Không. Việc mượn đất làm đường làm tăng giá trị của tất cả các lô đất thuộc dự án, khi có đường rộng các hộ dễ quay đầu xe và sau khi có đủ cơ sở hạ tầng thì các hộ sẽ được xây nhà. . Có ý kiến cho rằng công ty mở đường để phục vụ cho dự án khu nhà ở cao tầng của cán bộ, công nhân viên của công ty ở phía bên trong dự án. Phải vậy không, thưa ông? + Không. Con đường này chỉ phục cho người dân của dự án này thôi. Ngày 21-5, UBND phường có nhận được thông báo của công ty về việc xin phép Phòng Quản lý đô thị quận được đấu nối hệ thống giao thông, thoát nước trong khu nhà ở ra hệ thống cống chung. Thế nhưng đây chỉ là thông báo chứ chưa có ý kiến chấp thuận của Phòng. UBND phường đã kiểm tra hiện trạng dự án và trong tuần này sẽ mời đại diện công ty đến làm việc. Ông NGUYỄN VĂN SỬ, Phó Chủ tịch UBND phường An Lạc (quận Bình Tân) |