02/12/2012 8:13 AM
Dù đã thấy những dấu hiệu khả quan nhưng nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn khó khăn và trì trệ. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cảnh báo Việt Nam có thể mất hẳn một thập kỷ phát triển vì nợ xấu. Góp thêm ý kiến để gỡ khó cho nền kinh tế, xin giới thiệu loạt bài viết: “Những biện pháp “phá băng” cho nền kinh tế” của Tiến sỹ Lương Hoài Nam.

Đã thấy nút của cuộn chỉ rối

Kinh tế Việt Nam đang trải qua một giai đoạn rất rối. Với hơn 1triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng liên quan đến bất động sản (BĐS), nhưng thị trường BĐS bị “đóng băng”, các doanh nghiệp BĐS không thể phát triển được dự án, không bán được hàng, do vậy không có tiền trả nợ ngân hàng đúng hạn được.

Các doanh nghiệp vật liệu xây dựng không bán được hàng cho các doanh nghiệp BĐS, cũng không có tiền trả nợ ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp sản xuất khác cần vay tiền ngân hàng, nhưng không vay được do ngân hàng thiếu nguồn tiền, hoặc do lãi suất quá cao làm cho bài toán kinh doanh của người đi vay bất khả thi, sản xuất cũng lỗ, không sản xuất cũng lỗ vì phải duy trì nhà xưởng, bộ máy.

Nhiều người lao động bị giảm thu nhập, phải cắt giảm chi tiêu, mua sắm, du lịch..., làm cho đầu ra của các doanh nghiệp bị thu hẹp. Các hãng hàng không, công ty du lịch, trung tâm mua sắm…, hết thảy đều lâm vào tình cảnh khó khăn. Một vòng kim cô, luẩn quẩn, kiểu một người bị ốm nên không đủ sức lao động, bị giảm thu nhập, thiếu tiền bồi dưỡng, thuốc thang, càng ngày càng ốm thêm.

Tuy nhiên, nếu xem nền kinh tế hiện nay như một cuộn chỉ rối thì kỳ họp Quốc hội khóa 13 đã chỉ ra rất chính xác các nút gỡ rối ở đâu. Đó là tập trung “phá băng” thị trường BĐS, lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, hai nội dung liên quan rất chặt chẽ với nhau và với “cục máu đông” nợ xấu trên dưới 250 nghìn tỷ đồng.

Khoản dư nợ hơn 1triệu tỷ đồng (xấp xỉ 50% GDP Việt Nam) trong ngành “BĐS bất động” giống như một quả núi buộc vào chân nền kinh tế, làm nó khó mà “cựa quậy” được. Thực tiễn tế thế giới cho thấy không một nền kinh tế nào có thể phát triển thuận lợi khi thị trường BĐS bị khủng hoảng, đơn giản vì tài sản của các doanh nghiệp và người dân nằm trong BĐS quá nhiều.


Còn trên thị trường tín dụng, khoản nợ xấu 250 nghìn tỷ đồng chẳng khác gì một chiếc xe container kềnh càng chết máy nằm giữa ngã tư đường, các luồng giao thông đều tắc nghẽn, bằng mọi cách cần phải “bứng” nó đi.

Bứng cái “xe container nợ xấu” thế nào?

Cái xe container rất to và nặng, muốn “bứng” nó thì phải cần vừa có lực, vừa có cách, thiếu một trong hai yếu tố này (hoặc thiếu cả hai) thì không làm được. Trong lĩnh vực giải quyết nợ xấu ở bất kỳ quốc gia nào, lực cũng đều là tiền, còn cách thì các quốc gia có các cách khác nhau, tùy điều kiện, bối cảnh, kết cấu cụ thể của nền kinh tế.

Trong trường hợp Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã đúng trong việc đề xuất thành lập công ty mua bán nợ quốc gia với tổng vốn 100 nghìn tỷ đồng. Giải quyết nợ xấu bằng công ty mua bán nợ là cách được nhiều quốc gia sử dụng thành công, còn con số 100 nghìn tỷ đồng được nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế coi là một lực đủ cho tình hình nợ xấu hiện nay.

Lý thuyết mua bán nợ xấu không có gì phức tạp. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam, một số vấn đề sau đây cần phải tính đến để đảm bảo tính hiệu quả của đề án:

Tính minh bạch, công tâm trong đàm phán mua, bán nợ. Giá mua, bán một khoản nợ cụ thể có thể nằm bất kỳ ở mức nào giữa 0,1 đồng đến 0,99 đồng cho 1,0 đồng nợ, tùy thuộc chất lượng của khoản nợ. Nếu khoản nợ có tài sản đảm bảo, tình hình kinh doanh của con nợ khả quan thì giá mua và giá bán lại khoản nợ cao, và ngược lại.

Trong thời gian đầu, KAMCO (công ty mua bán nợ của chính phủ Hàn Quốc thành lập trong cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính cuối thập kỷ 90) cũng bị “hớ” khi trả giá mua nợ quá cao so với giá thị trường, sau đó họ đã rút kinh nghiệm để đàm phán giá mua nợ tốt hơn. Tổng cộng, trong thời gian hoạt động của mình, KAMCO mua được 110,1 tỷ won nợ xấu với giá 39,8 nghìn tỷ won (trung bình, trả 36 xu cho 1,0 đồng nợ), bán được 65,9 nghìn tỷ won nợ xấu lấy 31,1 nghìn tỷ won (trung bình, bán giá 47 xu cho 1,0 đồng nợ). Sau đó, KAMCO được giải thể, bán các quyền lợi, nghĩa vụ còn lại cho một ngân hàng thương mại. Sau khi tính hết các chi phí hoạt động, KAMCO không lãi, cũng không lỗ, việc giải quyết nợ xấu ở Hàn Quốc thông qua KAMCO được đánh giá là thành công.

Khi ngân hàng bán nợ với giá chiết khấu (có thể rất cao), hoặc khi ngân hàng thực hiện việc xóa nợ vì khoản nợ không thể thu hồi được một xu nào, ngân hàng buộc phải báo cáo giảm lợi nhuận, thậm chí phải báo cáo lỗ, ảnh hưởng đến khả năng chi trả cổ tức cho các cổ đông. Khi đó, trong ngân rất dễ xảy ra việc vận động lật đổ lãnh đạo. Lãnh đạo ngân hàng thường là cổ đông chiếm một ít cổ phần (thường dưới 10%), hoặc chỉ là người làm thuê, vị trí của họ có không ít người nhòm ngó và chỉ chờ tìm được cơ hội, lý do “dùng được” là ra tay. Điều này làm cho lãnh đạo ngân hàng rất “ngán” xử lý nợ xấu, kể cả những khoản nợ xấu do người trước để lại.

Trong số các khoản nợ xấu của ngân hàng, có thể có các vi phạm các quy định về tín dụng trong việc định giá tài sản thế chấp, thẩm định kế hoạch kinh doanh và hồ sơ vay vốn, mức lãi suất… Khi mua bán nợ, ngân hàng buộc phải cung cấp hồ sơ, tài liệu vay nợ cho công ty mua bán nợ. Nếu không có chính sách, cơ chế phù hợp, điều này dễ làm phát sinh rủi ro giao dịch nợ trước đây của ngân hàng bị hình sự hóa, lãnh đạo và các cán bộ chuyên môn phải chịu trách nhiệm cá nhân. Nếu lãnh đạo ngân hàng lo ngại giao dịch vay nợ bị hình sự hóa khi cung cấp hồ sơ, tài liệu cho công ty mua bán nợ thì không đời nào họ chào bán khoản nợ.

Ba vấn đề thực tiễn trên đây chưa được đề cập trong các chuyên gia trong và ngoài nước về đề án công ty mua bán nợ. Chúng rất quan trọng đối với đề án này, cần hình dung trước và có các cách giải quyết phù hợp, nếu không thì hoạt động của công ty mua bán nợ sẽ gặp khó khăn.

Cũng cần phải xác định rõ việc mua, bán nợ giữa công ty mua bán nợ và ngân hàng là giao dịch tự nguyện, “thuận mua, vừa bán”, không có sự áp đặt hành chính hoặc pháp lý. Ngoài ra, một số vấn đề liên quan đến thủ tục, thẩm quyền giải quyết tài sản thế chấp, tái cấu trúc doanh nghiệp… cũng cần nghiên cứu và có chính sách, cơ chế hiệu quả. Công ty mua bán nợ mua khoản nợ rồi mà không xử lý tiếp được với con nợ thì rất gay go.

TS Lương Hoài Nam
Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.