17/08/2016 8:29 PM
Đại diện tỉnh An Giang cho biết đây là công trình chưa mang tính cấp thiết đồng thời cũng chưa có nguồn vốn nào để triển khai.
Trong quy hoạch giao thông vận tải vùng ĐBSCL, dự án xây dựng sân bay An Giang được Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải thuộc Bộ GTVT đưa vào kế hoạch xây dựng trong giai đoạn 2016-2020 với tổng vốn đầu tư lên đến 3.417 tỉ đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế, theo đại diện tỉnh An Giang đã nhiều năm qua, địa phương cho rằng đây là công trình chưa mang tính cấp thiết; đồng thời cũng chưa có nguồn vốn nào để triển khai.
Theo quyết định được phê duyệt, tổng diện tích dự án xây dựng sân bay ở An Giang là trên 230 ha. Trong đó, đất sử dụng chung là trên 169 ha, đất khu hàng không dân dụng hơn 34 ha và đất khu quân sự là trên 31 ha. Tổng vốn đầu tư cho dự án lên đến 3.400 tỷ đồng.
Ngành giao thông tỉnh An Giang cho rằng sân bay Cần Thơ không quá xa để phục vụ nhu cầu đi lại bằng đường hàng không.
Tuy nhiên, khi trao đổi vấn đề này với đại diện UBND tỉnh An Giang, ông Phạm Sơn, Chánh văn phòng UBND tỉnh, người phát ngôn của UBND tỉnh An Giang cho rằng, đã từ lâu UBND tỉnh không đề cập đến việc xây dựng sân bay và không đưa dự án sân bay vào kế hoạch trung hạn.
“Trước đây tỉnh có bàn đến việc xây dựng sân bay nhưng là dự án kết hợp quân sự, quốc phòng và khai thác kinh tế. Tuy nhiên, sau này tỉnh đã nhận thấy lợi ích kinh tế của dự án không nhiều. Cùng với đó, các Bộ ngành cũng chưa có quan điểm thống nhất nên tỉnh không còn đề cập đến vấn đề này”, ông Sơn cho biết.
Theo Ông Ngô Công Thức, Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang, quy hoạch sân bay An Giang đã có từ nhiều năm trước. Trong quy hoạch hiện nay của Bộ GTVT cũng còn dự án này.
Tuy nhiên, trong quy hoạch của quân sự, quốc phòng dù có dự án này và sẽ chỉ thực hiện trong thời điểm phù hợp nhất để có sự kết hợp giữa quân sự, quốc phòng và kinh tế. Bởi An Giang có lợi thế, tiềm năng du lịch rất lớn. Nhưng để đầu tư, triển khai xây dựng sân bay sẽ không phải là điều dễ dàng.
Theo ông Thức, gần đây, khi nhà đầu tư khi đến tìm hiểu, khảo sát cho rằng để đến An Giang tiện lợi nhất trong thời điểm này thì cần thiết nâng cấp, mở rộng quốc lộ 91 hoặc làm đường cao tốc kết nối giữa 4 địa phương vùng kinh tế trọng điểm lên tới Campuchia hơn là đầu tư cảng hàng không trong thời điểm này.
“Việc có đầu tư sân bay hay không là một vấn đề đặt ra mà nhiều nhà đầu tư còn phân tích kỹ lưỡng. Ngân sách hiện nay cho toàn vùng không nhiều, nhưng để xây dựng một sân bay hơn 3.000 tỷ đồng trong thời điểm này tỉnh An Giang cho rằng chưa hay và chưa phù hợp. Ngành giao thông đã xin ý kiến của thường trực UBND tỉnh, kiến nghị nâng cấp tuyến quốc lộ và có định hướng làm đường cao tốc. Muốn di chuyển bằng đường hàng không đã có sân bay Cần Thơ chỉ mất 40 phút, tới đó chỉ mất 40 phút”, ông Thức nêu quan điểm.
Theo đại diện lãnh đạo Sở GTVT An Giang, địa phương rất ý thức trước tình hình kinh tế còn khó khăn của đất nước và cần có sự đầu tư cho các công trình trọng điểm phục vụ cho mục tiêu chung. Chính vì thế, dự án xây dựng sân bay An Giang đối với địa phương chưa phải là vấn đề cấp thiết./.
Thanh Tùng (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.