Thi công dự án đường giao thông trục chính đấu nối các khu chức năng của khu kinh tế Vân Đồn - Ảnh: Đỗ Phương
Cân nhắc thời hạn giao đất tới 99 năm
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của các “đặc khu kinh tế”. Theo đó, Dự thảo đưa ra một số chính sách áp dụng chung cho ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc như: Áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư thêm hai năm miễn thuế và bốn năm giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho thu nhập từ dự án đầu tư của 500 công ty hàng đầu thế giới và nhà đầu tư nước ngoài trong một số ngành, nghề ưu tiên phát triển và đáp ứng điều kiện về thời hạn thực hiện và quy mô vốn đầu tư.
Khi xảy ra tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh, dự thảo cho phép nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn giải quyết tranh chấp với các tổ chức, cá nhân khác tại tòa án nước ngoài có thẩm quyền hoặc với cơ quan nhà nước Việt Nam tại trọng tài nước ngoài, trọng tài quốc tế.
Đặc biệt, về chính sách đất đai, dự thảo cho phép tổ chức kinh tế trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài; Cho phép tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trực tiếp từ tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư như tổ chức kinh tế trong nước; Cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được quyền nhận chuyển nhượng, chuyển nhượng, mua, cho thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại, bao gồm nhà ở chung cư và căn hộ riêng lẻ, trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở và dự án bất động sản nghỉ dưỡng... Đặc biệt, hạn giao đất, cho thuê đất để sản xuất, kinh doanh đối với một số ngành, nghề ưu tiên phát triển được đề xuất tăng lên không quá 99 năm.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng cần bàn kỹ về thời gian ưu đãi giao đất tới 99 năm. Theo ông Phong, Phú Quốc có thể tới 90 năm nhưng Vân Phong, nhất là Vân Đồn chỉ nên cho thuê 50 năm vì gần địa điểm nhạy cảm về an ninh hay chiến lược quân sự. “Theo tôi, nên có thời hạn khác nhau cho ba đặc khu, không nên đồng loạt, trong đó Phú Quốc được quyền thuê đất dài nhất”, ông Phong nêu quan điểm.
Ông Trần Anh Tuấn, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đồng quan điểm khi cho rằng, việc tăng thời hạn giao đất, cho thuê đất để sản xuất, kinh doanh có thể lên 99 năm là một trong những chính sách hấp dẫn nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc ưu đãi này nhất thiết cần quy định rõ, ngành nghề nào được ưu đãi gắn với khung thời gian cụ thể và phải công khai, rõ ràng. Đối với những ngành nghề ưu tiên, thời gian hoàn vốn dài thì có thể xem xét khung tối đa. Còn đối với những dự án hoàn vốn nhanh thì không cần thiết”, ông Tuấn nói.
Mặt khác, theo ông Tuấn, những ngành nghề ưu đãi sẽ có những thay đổi nhất định trong từng giai đoạn. Vì vậy, nếu quy định danh mục và các điều kiện ưu đãi trong một thời gian quá dài là tự ràng buộc mình vào những cam kết vừa không cần thiết vừa không hiệu quả. Do vậy, đối với quy định các ngành nghề ưu đãi thì không cần đưa ra quá chi tiết trong luật. Về cơ bản, luật sẽ đưa ra các nguyên tắc như là những ngành nghề đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo môi trường… Còn việc quy định chi tiết, điều chỉnh cụ thể trong từng giai đoạn sẽ được đưa ra ở dạng văn bản dưới luật như nghị định, ông Tuấn đề xuất.
“Không thể xây tổ chim sẻ để đón phượng hoàng”
Ngoài cơ chế vượt trội về thời gian cho thuê đất, các chuyên gia cho rằng, còn cần nhiều cơ chế khác để đặc khu kinh tế thực sự phát triển đúng với kỳ vọng. Cụ thể, theo ông Trần Anh Tuấn, cơ chế chính sách là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển thành công của đặc khu, song vấn đề ưu đãi thuế khoá, tài chính cũng không thể “coi nhẹ”. “Cần tính toán làm sao vẫn ưu đãi cho nhà đầu tư nhưng cũng phải đảm bảo được lợi ích quốc gia. Ở các nước, họ có đặc khu kinh tế từ rất lâu rồi. Vì chúng ta đi sau nên cần phải có những bước đi làm sao có thể cạnh tranh được với những đặc khu khác”, ông Tuấn nêu quan điểm.
GS. TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới cho biết, việc xây dựng đặc khu đã được bàn từ rất lâu nhưng giờ mới chuẩn bị xây dựng hành lang pháp lý là khá muộn. Song muộn còn hơn không, nếu làm tốt, đặc khu của Việt Nam vẫn sẽ có khả năng cạnh tranh, trong đó quan trọng nhất vẫn là thể chế, chính sách vượt trội, tạo được sự đột phá.
Theo đó, ông Lược cho rằng hãy xây dựng thể chế theo hướng để để nhà đầu tư đề xuất chính sách, Nhà nước xem xét, quyết định.“Nhà đầu tư chiến lược thì tự họ sẽ đề ra những thể chế chính sách hành chính, kinh tế, đặc biệt cho đặc khu này mà họ có thể hoạt động được. Rõ ràng, muốn họ vào được thì phải có những thể chế, chính sách tương đồng với họ. Làm đặc khu, không thể theo kiểu xây tổ chim sẻ mà đón phượng hoàng được”, ông Lược nói.
Ông Lược cũng kiến nghị nên xây dựng một luật chung về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Sau đó, mỗi đơn vị sẽ có một nghị định riêng để bảo đảm phát huy thế mạnh của mình.“Sự thất bại hay thành công của các đặc khu phụ thuộc rất lớn vào việc lựa chọn địa điểm và câu chuyện thể chế. Thuế không phải vấn đề được đặt nặng. Nếu đặt lên bàn cân thì cơ chế chính sách là cái quan trọng nhất, vì thể chế mà không tạo điều kiện nhà đầu tư làm ăn tốt thì thuế nhẹ hay miễn thuế cũng không ý nghĩa nhiều. Ngược lại, nếu cơ chế hành chính khiến nhà đầu tư thuận lợi làm ăn thì thuế cao chút cũng không việc gì”, ông Lược nêu quan điểm.
Các chỉ tiêu kinh tế dự kiến đặt ra cho 3 đặc khu kinh tế
Mô hình dự kiến của tổ chức chính quyền đặc khu kinh tế Luật quy định chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) được tổ chức một cấp chính quyền địa phương, gồm có HĐND và UBND. Ở cấp xã, phường hiện tại, không tổ chức HĐND và UBND mà tổ chức thành các khu hành chính với tính chất là cơ quan hành chính đại diện của UBND để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý hành chính Nhà nước, giải quyết các thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công cho các tổ chức và cá nhân có liên quan trên địa bàn khu hành chính. |