09/05/2014 2:40 PM
Gửi đơn kêu cứu nhưng hơn ba năm qua, 24 hộ dân bị cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị, cụ thể là cất nhà không phép, tại tổ 17, KP2, P. Long Bình, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng khi việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực này không công bằng: giàu để, nghèo đập.

Hiện trường sau khi 24 hộ dân bị cưỡng chế, trong khi công trình xây dựng không phép vẫn “vô sự”

Tìm hiểu, chúng tôi được biết nhiều gia đình bị cưỡng chế phá dỡ nhà cửa (hầu hết là dân nhập cư) đã lần lượt bỏ nền đất - tài sản họ tích góp cả quá trình dài mới mua được, tìm chốn khác mưu sinh. Nhìn cảnh gạch đá đổ nát, nếu không biết trước nguyên do thì ai cũng tưởng khu vực này vừa trải qua thảm họa động đất. Nghe tin có phóng viên đến, những người bám trụ tiếp tục đòi công lý đang làm thuê gần đó vội chạy về trình bày bức xúc.

Cầm xấp đơn khiếu nại, anh Nguyễn Hồng Phong (SN 1968, đang ở nhờ nhà người chị tại khu phố kề bên) tường trình trong uất ức: “Sau khi bán hết tài sản ở quê và được người thân cho mượn thêm, tôi mới có đủ 250 triệu đồng mua mảnh đất này (trên 100m2) vào năm 2008. Cố gắng làm lụng và chắt chiu dành dụm, ba năm sau tôi mới cất được căn nhà cấp bốn. Khấp khởi mừng thầm vì cứ tưởng gia đình thoát cảnh ở trọ rày đây mai đó, nào ngờ sáng 10-5-2011 UBND phường đưa phương tiện đến phá dỡ theo quyết định của Chủ tịch Tống Thanh Đa (nay giữ chức Bí thư Đảng ủy phường). Giờ nhà bị đập, tiền nợ vẫn chưa trả xong trong khi công việc không ổn định, tôi chẳng biết xoay xở thế nào”.

Nhớ lại cảnh nhà cửa bị phá dỡ tan hoang, vợ chồng anh Vũ Văn Tính - chị Phạm Thị Dung không cầm được nước mắt. Cũng giống anh Phong, để có đủ tiền mua đất cất nhà, ngoài việc tiết kiệm trong chi tiêu, anh chị cũng phải vay mượn thêm hai bên nội, ngoại. Cứ ngỡ có được nhà riêng sẽ dôi ra khoản tiền để trả, nào ngờ giờ chỗ che nắng tránh mưa cũng không còn, lại mang số nợ hàng chục triệu đồng. Được biết nhiều gia đình sau khi bị cưỡng chế rơi vào cảnh ly tán, vì kế sinh nhai, họ đành phải gửi “núm ruột” của mình cho người thân để có thể tiếp tục học hành.

Theo hồ sơ thì đất 24 hộ dân mua có nguồn gốc của gia đình bà Bùi Lệ Quyên. Năm 2008, bà Quyên dành ra 1.800m2 phân lô bán nền. Sau khi nhận chuyển nhượng, người mua cũng chưa chuyển mục đích sử dụng. Tuy nhiên, những người đủ khả năng xây nhà tại thời điểm đó thì nay vẫn bình yên vô sự, mặc dù khu đất này phường đã thông báo quy hoạch trung tâm thể thao? Theo luật định, cho dù không quy hoạch đi chăng nữa thì việc xây nhà trên đất nông nghiệp là không phù hợp, kể cả đất xây dựng nhưng chưa được cấp phép. Mặt khác, trong quá trình xây cất, cơ quan chức năng đã lập biên bản buộc đình chỉ thi công nhưng người vi phạm vẫn không thực hiện, dẫn đến sai trái trầm trọng hơn. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của mọi người nhưng tất cả công dân đều phải tuân thủ pháp luật.

Các hộ thừa nhận việc xây cất của họ là sai, nhưng trường hợp này có thể cân nhắc cho tồn tại được bởi các yếu tố: thứ nhất, nơi đây đã hình thành khu dân cư hiện hữu; thứ hai, diện tích khu đất quá nhỏ không thể xứng tầm một trung tâm thể thao. Điều đáng nói là trên địa bàn phường còn quỹ đất công dồi dào để xây dựng công trình công cộng. Tuy nhiên, nguyện vọng này không được xem xét. Ngoài việc bị cưỡng chế một cách vội vã, các hộ dân còn bức xúc khi những người thực thi pháp luật xử lý vi phạm không công bằng, có dấu hiệu tiêu cực. Anh K. ấm ức: “Đất của bà T. tương tự tình trạng như chúng tôi nhưng lại cất được nhà khang trang. Tôi hỏi thăm thì gia chủ tiết lộ chung chi hết 7 triệu đồng. Chạy ăn từng bữa như tụi này kiếm được ngần ấy tiền không phải dễ nên đành chịu”. Không chỉ bà T., theo người dân, tổ dân phố kề bên có nhiều hộ xây nhà kiên cố trên đất nông nghiệp để kinh doanh chứ không phải cần chỗ trú thân như họ, vậy mà tất cả đều bình yên vô sự?

Phản ánh của anh K. và các hộ chỉ ở góc độ một chiều, không có bằng chứng xác thực. Tuy nhiên, theo tài liệu chúng tôi thu thập được thì trong thời gian ông Tống Thanh Đa giữ chức chủ tịch UBND phường, trên địa bàn có hàng loạt công trình xây dựng không phép mọc lên mà không bị xử lý? Ngoài nhà cao tầng còn có cả nhà xưởng với diện tích cả ngàn mét vuông. Từ đó cho thấy bức xúc của dân là có cơ sở. Không chỉ “bất động” trước các công trình hoành tráng, vị lãnh đạo này còn có dấu hiệu tiếp tay cho đầu nậu thôn tính đất lâm trường - nơi được xem để hình thành “lá phổi” cho TP.Biên Hòa.

Minh Dũng (Công an TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.