World Bank cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Trung Quốc từ 4,3% xuống còn 2,7%.
Trong một tuyên bố, World Bank đã cắt giảm dự báo xuống 2,7% từ mức4,3% được dự đoán vào tháng 6. Tổ chức này cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm tới 2023 từ 8,1% xuống còn 4,3%.
Cả hai con số này đều thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng GDP của Bắc Kinh là khoảng 5,5% trong năm nay, một con số mà nhiều nhà phân tích tin là không thể đạt được.
Ngân hàng Thế giới cho biết: “Hoạt động kinh tế ở Trung Quốc tiếp tục theo dõi những thăng trầm của đại dịch – theo sau các đợt bùng phát và tăng trưởng chậm lại là sự phục hồi không đồng đều”.
"Tăng trưởng GDP thực tế được dự đoán sẽ đạt 2,7% trong năm nay, trước khi phục hồi lên 4,3% vào năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa trở lại”, World Bank dự báo.
Sau nhiều năm đột ngột đóng cửa, xét nghiệm hàng loạt, cách ly kéo dài và hạn chế đi lại, Trung Quốc trong tháng này đã đột ngột từ bỏ chính sách “Zero Covid”.
Tuy nhiên, sự gián đoạn đối với các doanh nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra khi các ca bệnh gia tăng và một số hạn chế vẫn được áp dụng.
Các cơ quan y tế đã thừa nhận rằng các số liệu chính thức không còn phản ánh bức tranh đầy đủ về các ca nhiễm bệnh trong nước khi các yêu cầu xét nghiệm hàng loạt đã bị loại bỏ.
Mara Warwick, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc, Mông Cổ và Hàn Quốc, cho biết: “Việc tiếp tục điều chỉnh chính sách Covid-19 của Trung Quốc sẽ rất quan trọng, vừa để giảm thiểu rủi ro sức khỏe cộng đồng vừa để giảm thiểu sự gián đoạn kinh tế hơn nữa”.
Tuần trước, IMF đã cảnh báo rằng họ cũng có thể sẽ hạ dự báo về Trung Quốc một lần nữa, đổ lỗi cho số ca nhiễm đã được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng.
Quỹ này đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong tháng 10 xuống còn 3,2% trong năm nay - mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ - trong khi kỳ vọng tăng trưởng sẽ tăng lên 4,4% trong năm tới.
Nhưng "rất có thể, chúng tôi sẽ hạ dự báo tăng trưởng của mình đối với Trung Quốc, cho cả năm 2022 và 2023", Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nói với AFP.
Các chuyên gia lo ngại Trung Quốc không được trang bị đầy đủ để quản lý làn sóng lây nhiễm khi nước này đang tiến hành mở cửa trở lại, với hàng triệu người cao tuổi dễ bị tổn thương vẫn chưa được tiêm phòng đầy đủ.
Warwick cho biết: “Những nỗ lực tăng tốc về chuẩn bị cho sức khỏe cộng đồng, bao gồm nỗ lực tăng cường tiêm chủng, đặc biệt là trong các nhóm có nguy cơ cao, có thể giúp mở cửa trở lại an toàn hơn và ít gây gián đoạn hơn”.
Nền kinh tế cũng đang chịu áp lực trên các mặt trận khác.
"Căng thẳng dai dẳng" trong lĩnh vực bất động sản - chiếm khoảng 1/4 GDP hàng năm - có thể gây ra những tác động tài chính và kinh tế vĩ mô rộng lớn hơn, Ngân hàng Thế giới lưu ý.
Và Ngân hàng Thế giới cũng nói thêm rằng tình trạng thất nghiệp của thanh niên, rủi ro từ thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra và suy thoái toàn cầu trên diện rộng cũng đe dọa tăng trưởng.
Nền kinh tế thế giới đang bị tác động bởi lãi suất tăng cao nhằm chống lại lạm phát phi mã do cuộc chiến của Nga ở Ukraine gây ra cũng như sự đình trệ của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bắc Kinh đã tìm cách giảm thiểu mức tăng trưởng thấp bằng một loạt biện pháp nới lỏng để hỗ trợ, cắt giảm lãi suất cơ bản và bơm tiền vào hệ thống ngân hàng.
Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc Elitza Mileva cho biết: “Việc hướng các nguồn tài chính vào chi tiêu xã hội và đầu tư xanh sẽ không chỉ hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn mà còn góp phần vào tăng trưởng toàn diện và bền vững hơn trong trung hạn”.
-
Bất động sản Trung Quốc “lao đao” vì sự thay đổi của chính sách Zero-Covid
Việc chính quyền Bắc Kinh nới lỏng chính sách Zero-Covid đang gây ra sự hỗn loạn trên thị trường quản lý bất động sản trị giá 4.100 tỷ USD của Trung Quốc.