15/06/2018 11:23 AM
CafeLand - Đây là thông tin công bố trong báo cáo Điểm lại kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức chiều 14/6 tại Hà Nội.

Theo WB, triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện. GDP tăng gần 7,4% trong quý I/2018, nhờ môi trường bên ngoài thuận lợi với tăng trưởng GDP toàn cầu dự kiến đạt đỉnh ở mức 3,1% trong năm 2018. Năm nay, tăng trưởng ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương dự kiến sẽ chững nhẹ xuống 6,3%, chủ yếu do Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm dần.

“Tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng trong năm 2017 và quý I/2018 đang tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục tiến lên. Giai đoạn kinh tế đang vận hành vững chắc này là cơ hội lớn để đầu tư cho nguồn nhân lực, nhờ đó giải quyết những thách thức nhằm duy trì đà tăng trưởng. WB luôn sẵn sàng hỗ trợ để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững dài hạn”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết.

WB dự kiến GDP Việt Nam sẽ tăng 6,8% trong năm nay (so với 6,5% từ lần dự báo trước đó) trước khi ổn định lại ở mức 6,6% vào năm 2019 và 6,5% vào năm 2020, do sức cầu trên toàn cầu thế giới dự kiến sẽ chững lại. Dự báo lạm phát sẽ ở mức xung quanh mục tiêu 4% của Chính phủ. Cân đối tài khoản vãng lai dự kiến vẫn đạt thặng dư, nhưng có thể sẽ ở mức thấp hơn trong năm tới, do thâm hụt tăng lên ở tài khoản thu nhập và dịch vụ. Bội chi ngân sách và nợ công dự kiến vẫn trong vòng kiểm soát.

Bên cạnh đó, WB cũng đưa ra những cảnh báo rủi ro khi mà tiến độ tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp Nhà nước và khu vực ngân hàng còn chậm, gây ảnh hưởng đến tài chính vĩ mô, làm giảm triển vọng tăng trưởng và tạo ra các nghĩa vụ nợ lớn cho khu vực Nhà nước. Rủi ro từ chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang trỗi dậy, bất định căng thẳng địa chính trị và quá trình thắt chặt tiền tệ diễn ra sớm hơn dự kiến có thể dẫn đến những biến động gây xáo trộn trên thị trường tài chính.

WB khuyến cáo Việt Nam cần giảm chi phí thương mại, cải thiện chất lượng kết nối và hạ tầng liên quan đến thương mại, hình thành ngành dịch vụ logistics cạnh tranh, cần tăng cường phối hợp liên ngành và phối hợp với khu vực tư nhân.

Châu An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.