Hòa Phát chuyển hướng sang mảng thép chất lượng cao
Tại ĐHĐCĐ năm 2023 diễn ra hồi cuối tháng 3, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát cho biết thời gian tới, tập đoàn sẽ điều tiết sản xuất theo tình hình thị trường, tập trung phát triển các loại thép chất lượng cao, nhường sân chơi cho những doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng cơ bản.
Hiện tại, Hoà Phát đang dẫn đầu thị phần thép xây dựng và ống thép. Tuy nhiên, ông Long khẳng định từ nay trở đi, Hòa Phát sẽ chuyển rất mạnh sang sản xuất thép chất lượng cao, đầu tư chiều sâu để sản xuất thép chế tạo, thép cho sản xuất ốc vít, dự ứng lực ... tăng cường đầu tư và xuất khẩu các mặt hàng thép chất lượng cao như vậy.
Hoà Phát sẽ chuyển hướng sang mảng thép chất lượng cao, nhường sân chơi thép xây dựng cho doanh nghiệp khác trong ngành
Các sản phẩm thép chất lượng cao mà Chủ tịch Hoà Phát nói đến bao gồm thép cuộn cuốn cán nóng (HRC) dùng cho sản xuất tôn mạ, vỏ container, ống thép. Trong tương lai, Hoà Phát tính tới việc sản xuất HRC phục vụ cho ngành công nghiệp đóng tàu và vỏ ô tô.
Ngoài ra, trong dòng sản phẩm chất lượng cao bao gồm các mác thép đòi hỏi kỹ thuật sản xuất khó hơn, dùng làm nguyên liệu cho sản xuất ốc vít, tanh lốp ô tô, cáp, thép dự ứng lực…
Tại Việt Nam, Hoà Phát là doanh nghiệp trong nước sản xuất được các sản phẩm đặc thù như thép cuộn rút dây, thép làm lõi que hàn, làm thép dự ứng lực hay thép cuộn làm đinh ốc, vít. Hồi cuối năm 2022, Thép Hòa Phát Dung Quất đã sản xuất thành công thép cuộn làm tanh lốp xe ô tô mác thép SWRH82A, SWRH72A.
Sau thép cuộn làm tanh lốp xe ô tô, Thép Hòa Phát Dung Quất đã tiếp tục thử nghiệm và sản xuất thành công thép thanh vằn đóng cuộn (DBIC - Debar in Coil). Đây là loại thép xây dựng làm cốt bê tông cho các siêu công trình, được làm ở dạng cuộn để thuận tiện trong việc vận chuyển.
Lý giải cho việc chuyển hướng sang sản xuất thép chất lượng cao, ông Trần Đình Long cho biết định hướng tương lai của Hoà Phát là sẽ tập trung vào chiều sâu hơn với những loại thép khó sản xuất, đòi hỏi kỹ thuật cao với giá trị gia tăng cao hơn như ốc vít, thép đóng tàu, thép chế tạo…
“Tất nhiên, chúng tôi vẫn làm những sản phẩm cơ bản như thép xây dựng tuy nhiên sẽ không quá chú trọng đầu tư nữa”, ông Long cho biết.
Theo báo cáo đề xuất “Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Bộ Công Thương, các chủng loại thép hợp kim sử dụng trong đóng tàu, cơ khí chế tạo có nhu cầu lớn, song năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên dẫn đến tiếp tục phải nhập khẩu với số lượng lớn.
Theo dự báo sơ bộ, tổng nhu cầu thị trường các ngành chế tạo của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 có thể đạt tới 310 tỉ USD. Trong đó, ngành công nghiệp ô tô và cơ khí phục vụ công trình công nghiệp là hai ngành chiếm tỉ trọng lớn nhất.
Bộ Công Thương nhận định đây sẽ là thị trường rất lớn cho ngành thép trong nước, đặc biệt là các loại thép chế tạo, thép hợp kim chất lượng cao phục vụ các ngành công nghiệp chế tạo, vốn là phân khúc hiện nay Việt Nam chưa tự chủ được trong sản xuất thép nội địa.
Về lâu dài, để đảm bảo nhu cầu các loại thép hợp kim, thép chất lượng cao trong nước cần tiếp tục thu hút và đầu tư một số nhà máy liên hợp sản xuất thép lớn để phục vụ nhu cầu nội địa, giảm dần sự phụ thuộc vào thép nhập khẩu.
"Miếng bánh" thị phần thép xây dựng đang được phân chia ra sao?
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép thành phẩm trong tháng 3 đạt 2,4 triệu tấn, tăng 2,25% so với tháng trước nhưng giảm gần 28% so với cùng kỳ năm 2022. Bán hàng thép các loại đạt 2,2 triệu tấn, tăng 6,29% so với tháng trước nhưng giảm 29% so với cùng kỳ.
Tính chung 3 tháng đầu năm 2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 6,7 triệu tấn, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, bán hàng thép thành phẩm đạt hơn 6 triệu tấn, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện tại, nhu cầu thép tại thị trường nội địa ghi nhận sự khởi sắc trở lại khi Chính phủ nhấn mạnh việc thúc đẩy đầu tư công, đẩy nhanh việc xây dựng các công trình trọng điểm, các tuyến đường cao tốc. Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh giữa các thương hiệu thép xây dựng ngày càng khốc liệt về giá bán và xâm lấn thị phần của nhau.
Mức độ cạnh tranh giữa các thương hiệu thép xây dựng ngày càng khốc liệt về giá bán và xâm lấn thị phần của nhau
Năm ngoái, thị phần thép xây dựng của Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu với 34,8%, tăng 2,2 điểm phần trăm so với năm 2021. Bước sang tháng 3.2023, thị phần thép xây dựng của doanh nghiệp này giảm nhẹ xuống 33,81% và vẫn duy trì vị trí số 1 toàn ngành.
Thị phần của Hòa Phát lớn gấp hơn 2,5 lần doanh nghiệp đứng vị trí số 2 là Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel). Các doanh nghiệp xếp sau lần lượt là Formosa Hà Tĩnh, Thép Việt Đức và Posco Yamato Vina.
Trong khi sản lượng toàn ngành đi ngang thì trong năm 2023, Hòa Phát tiếp tục mở rộng sản xuất với dự án nhà máy thép Dung Quất 2. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng dự kiến đầu tư thêm 26.000 tỉ đồng cho giai đoạn mở rộng dự án Dung Quất với mục tiêu sản xuất 6 triệu tấn thép/năm.
Lý do điều chỉnh là hiện nay nhu cầu thép thị trường ngày càng tăng cao, việc điều chỉnh nâng công suất dự án không làm thay đổi công nghệ đang sử dụng và không tăng diện tích đất, chỉ bố trí lắp đặt thêm một số hạng mục công trình, trang thiết bị trên quỹ đất đã được cấp.
Lãnh đạo Hòa Phát cho biết, về tiến độ thực hiện đối với phần tăng công suất thêm 2 triệu tấn sẽ hoàn thành các thủ tục pháp lý trong quý 4.2023. Xây dựng, lắp đặt thiết bị và đưa công trình vào hoạt động hoặc khai thác vận hành từ quý 1.2024.
Như vậy, sau khi điều chỉnh công suất dự án Dung Quất 1 từ 4 triệu tấn lên 6 triệu tấn/năm thì tổng công suất của Hòa Phát Dung Quất 1 và 2 là 11,6 triệu tấn/năm.
Trước áp lực từ dự án Dung Quất của Hòa Phát, các doanh nghiệp thép khác ở Việt Nam đang có những động thái nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh.
Thời gian gần đây, một loạt các dự án thép quy mô hàng nghìn tỉ đồng vừa được chấp thuận đầu tư tại các tỉnh miền Trung. Sau Quảng Trị, Bình Định, các doanh nghiệp tiếp tục đổ vốn để xây nhà máy thép tại Nghệ An và mới đây là Thanh Hóa.
-
Thị phần ngành thép và tôn mạ biến đổi ra sao trong năm 2022?
Sau nửa đầu năm 2022 với nhiều biến động về giá bán cùng nhu cầu thép suy yếu, thị phần của các ông lớn như Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim trong ngành thép và tôn mạ tiếp tục có sự thay đổi lớn.
-
Hãng thép 50 năm tuổi tại miền Nam huy động thêm vốn từ cổ đông để xây nhà máy tại Đồng Nai
Doanh nghiệp này sẽ dùng toàn bộ nguồn tiền mới để đầu tư dự án sản xuất thép cán xây dựng, bổ sung công đoạn luyện phôi thép công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 - Nhơn Phú, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai....
-
Một “ông lớn” ngành thép bất ngờ được dự báo lợi nhuận tăng tới 1.600% trong năm 2024
Năm 2024, doanh nghiệp này được dự báo lợi nhuận tăng cao tới 1.600% nhờ mức nền thấp năm ngoái, đạt mức 510 tỷ đồng.
-
Các nhà sản xuất thép lớn trong nước có thể giành thêm thị phần nhờ vụ điều tra bán phá giá thép Trung Quốc
Năm 2025, MBS cho rằng thị phần của các doanh nghiệp thép lớn trong nước có thể cải thiện nhờ sự đóng góp của thuế. chống bán phá giá.