Thầu lo luôn giấy phạt!
Một căn nhà không phép vừa bị cưỡng chế bên cạnh những căn nhà không phép khác chưa bị cưỡng chế - Ảnh: Hải Nam
Dọc các đường Quách Điêu, hương lộ 80 hay các đường liên ấp ở Bình Chánh đều thấy các khu nhà xây không phép trên đất nông nghiệp. Chị Yến, mới dọn đến ở căn nhà trong một con hẻm nhỏ tại hương lộ 80, ấp 6, xã Vĩnh Lộc B, cho biết nhà chị có diện tích 48 m2, mua đất giấy tay giá 120 triệu đồng. Để xây nhà, chị phải nhờ một thầu xây dựng với giá trọn gói là 170 triệu đồng. “Thầu xây dựng sẽ lo mọi thủ tục, sau khi xây 4 bức tường và lát xong nền nhà, thầu giao để tôi tự làm các phần còn lại”, chị Yến cho biết. Chúng tôi quan sát và nhận thấy nếu chỉ lát nền và xây 4 bức tường căn nhà cấp 4 thì giá không đến 100 triệu đồng, có nghĩa nhà thầu bỏ túi cả trăm triệu. Khi được hỏi ở nhà xây không phép có lo không? Chị Yến nói: “Thầu xây dựng đảm bảo sau 1 tháng sẽ có giấy phạt là mình yên tâm rồi, tôi đang chờ thầu giao giấy phạt vì chưa đủ 1 tháng”.
Ngay sau nhà chị Yến là 3 căn liền kề đang được xây. Cạnh đó, vài căn nhà đã bị đập nát khi vừa mới xây xong móng.
Tương tự, tại một khu đất thuộc ấp 1A, xã Vĩnh Lộc B có hàng chục căn nhà vừa được dựng lên. Ngày 28.6, chúng tôi tiếp xúc được với một thầu xây dựng tên T., đặt vấn đề “xây nhà không phép trọn gói”. Thầu T. cho biết: “Trước đây thì được chứ dạo này tình hình “căng” lắm, tôi không bảo đảm “lo” đô thị được”. Chỉ vào căn nhà tôn có diện tích 4 m x 10 m vừa dựng lên, chúng tôi hỏi nếu xây nhà như vậy bao nhiêu, T. bảo: “Nhà này chỉ chừng 30-40 triệu đồng tiền công và vật liệu, nhưng một thầu xây dựng khác đã làm 120 triệu”. Chị Quyên, một người dân sống cạnh khu đất này nói xen vào: “Bên đó phải chung chi nhiều lắm, mà chưa chắc xây được. Có người cũng lo, rồi bị giật sập, rồi cất lại”.
Vợ chồng anh Q. (tổ 7, ấp 6B, xã Vĩnh Lộc A) kể quê anh chị ở Hải Dương, vào TP.HCM để kiếm sống bằng nghề buôn bán rau ở chợ. Gom được ít tiền, anh chị mua nền đất, rồi nhờ cha mẹ ngoài quê thế chấp sổ đỏ vay tiền gửi vào xây dựng căn nhà cấp 4 vào tháng 11.2012. “Quá bức bách về chỗ ở, vả lại, thấy người ta xây được mình cũng xây. Nào ngờ, ngày 21.6 vừa qua, lực lượng cưỡng chế xuống giật sập căn nhà - gia sản quý giá nhất của vợ chồng tôi. Mà chẳng hiểu tại sao những căn nhà khác không sao mà chỉ có nhà tôi bị cưỡng chế?”, vợ anh Q. bức xúc.
Biết nhưng không thể xử lý ?
Trả lời câu hỏi có hay không đầu nậu tổ chức xây nhà trái phép, cả ông Thiều Văn Se, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B và ông Phan Bửu Thọ, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, đều khẳng định là có. Thậm chí, ông Se khẳng định qua khảo sát, đầu nậu xây dựng trái phép chiếm đến 80%, người dân tự xây chỉ chiếm chưa đến 20%. Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi “Vậy có phát hiện và xử lý trường hợp đầu nậu nào chưa?” thì cả ông Se và ông Thọ đều cho rằng “lực lượng này rất tinh vi, rất khó bắt được họ”!
Về tình trạng người dân phản ánh nếu có “chung chi” thì nhà được tồn tại dù trái phép, ngược lại sẽ bị cưỡng chế, ông Se cho rằng “đó chỉ là dư luận”. “Nếu có chứng cứ, người dân tố cáo, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý”, ông Se khẳng định. Khi chúng tôi hỏi ông nhìn nhận thế nào về tình trạng cùng trên một khu đất, cùng xây không phép nhưng có nhà thì được tồn tại, dù xây kiên cố, nhà chỉ mới xây móng hoặc làm sơ sài đã bị phá dỡ, ông Se nói “do lực lượng mỏng, quản lý không hết” và khẳng định “sắp tới chúng tôi sẽ xử lý hết”.
Mới đây, UBND H.Bình Chánh đã có công văn chỉ đạo chủ tịch 3 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng tiến hành kiểm điểm các bộ phận chức năng đã để xảy ra tình trạng xây dựng không phép. Tuy nhiên, trước thực trạng nhà không phép tràn lan như hiện nay, các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm những người tiếp tay vi phạm.
Sẽ cưỡng chế 521 căn nhà Lãnh đạo 2 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B khẳng định đến hết tháng 9.2013 sẽ cưỡng chế hết 521 căn nhà xây dựng trái phép; riêng Vĩnh Lộc A đến ngày 28.6 đã cưỡng chế 101 căn. Hiện 2 xã đã lên kế hoạch cưỡng chế, mỗi tuần sẽ thực hiện 2 đợt, mỗi đợt cưỡng chế khoảng 10 căn. |