Vụ sạt lở tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè (TP.HCM) xảy ra đã hơn một tháng, tám hộ dân bị ảnh hưởng vẫn đang phải sống tạm bợ vì nhà cửa và hầu hết tài sản đã trôi xuống sông.

Ngay sau vụ sạt lở xảy ra vào đêm 26-6, UBND xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè (TP.HCM) đã hỗ trợ mỗi gia đình bị sạt lở 500.000 đồng/tháng trong khoảng thời gian ba tháng. Bên cạnh đó, MTTQ cùng các tổ chức, đoàn thể đã tới trao những phần quà thiết thực cho các hộ như mì gói, gạo. Tuy nhiên, chừng đó chỉ giải quyết cấp bách được khó khăn ban đầu cho các hộ dân. Khó khăn lớn nhất họ vẫn đang đối diện là nơi ăn chốn ở lâu dài.

Thuê phòng trọ, dựng chòi ở tạm

Căn phòng trọ đối diện với ngôi nhà bị sạt lở, vì thế ánh mắt bà Nguyễn Thị Thanh Đáng lại buồn mỗi khi nhìn về căn nhà quen thuộc đã bị hư hỏng nặng. Vụ sạt lở đã khiến gia đình bà Đáng cùng các hộ dân xung quanh bị mất nhà, mất hết tài sản.

Chỉ tay về phía căn nhà cũ, bà Đáng kể: “Mọi việc xảy ra khá nhanh. Lúc đó hơn 12 giờ đêm, bỗng nhiên tôi nghe tiếng “xoạch”, rồi sau đó tiếng “ầm”. Tôi lật đật ngồi dậy đi ra phía sau thì thấy một phần chòi đã trôi xuống sông. Tiếp đến khu vực nhà bếp cũng sụp xuống, mọi thứ bị cuốn đi trong tích tắc. May là hôm đó bà cháu tôi kịp tỉnh giấc để thoát ra ngoài”.

Bà Đáng cho hay bà cháu bà được mọi người xung quanh hỗ trợ phần nào quần áo, vật dụng, còn nhà thì phải đi thuê. Hiện một tháng tính cả tiền điện nước, bà phải trả hơn 1 triệu đồng. “Tôi già cả, không có lương, lại bệnh tật, thuốc men suốt ngày, cũng chẳng làm gì ra tiền. Còn vợ chồng thằng út làm công nhân, lương ba cọc ba đồng phải nuôi tôi với hai đứa con, vất vả lắm. Giờ tôi chỉ mong sớm được hỗ trợ căn nhà để lỡ tôi có nằm xuống cũng được nằm trong nhà của mình, như thế tôi mới nhắm mắt được” - bà Đáng nói như mếu.

Liền vách với nhà bà Đáng, nhà ông Nguyễn Văn Đầy cũng bị sụp mất. Vợ chồng ông bà chỉ kịp “cứu” hai chiếc giường cũ kỹ. Nhắc đến vụ sạt lở trong đêm, ông Đầy lại nghẹn ngào: “Tôi xây nhà từ năm 1976, từ nhà lá rồi vợ chồng tích cóp bao năm mới xây được nhà tường. Không chỉ nhà tôi mà nhà hai đứa con tôi sát bên cũng tan hoang”. Ông Đầy sau đó hỏi chủ miếng đất trống gần đó cho ông bà dựng lên căn chòi ở tạm đến nay. Dù đã bật ba chiếc quạt nhưng căn chòi vẫn rất nóng bởi nó chỉ được dựng tạm bằng những tấm tôn cũ. Chưa kể nền đất lồi lõm, đất cát lẫn lộn, lại ngập lênh láng mỗi khi trời mưa. Ông Đầy lo người vợ 82 tuổi bị loãng xương, đi lại loạng choạng trên nền đất như thế, lỡ có mệnh hệ gì…

Ông Nguyễn Văn Đầy (phải) trong căn chòi tôn dựng ở tạm sau vụ sạt lở. Ảnh: N.QUYÊN

Ngôi trường bỏ hoang trở thành chỗ ở của gia đình chị Nguyễn Thị Hồng (ngồi sau) và hai hộ dân khác. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Sống trong trường học bỏ hoang

Chị Nguyễn Thị Hồng cũng thuộc một trong tám hộ dân có nhà bị sạt lở. Bị mất nhà, ban đầu chị cũng tính đi thuê phòng trọ nhưng ngại phải tốn tiền, lại nghe hai hộ khác rủ rê, chị cùng con gái quyết định cùng họ đến tá túc trong ngôi trường học bị bỏ hoang mười mấy năm, nằm cách đó chỉ khoảng trăm mét.

Hiện tại, trong những căn phòng tối tăm, ẩm mốc của ngôi trường hoang tàn này có tám người đang sống. Họ nấu ăn tạm trên nền gạch mấp mô, nhà vệ sinh thì phải đi xa, xin dùng chung với một hộ dân gần đó. Chị Hồng lắc đầu ngao ngán: “Sống nhà mình mát mẻ, sạch sẽ quen rồi, giờ mẹ con phải ăn ở tạm bợ thế này, tôi thấy tủi cực quá”. Bà mẹ đơn thân trước đây còn có hàng tạp hóa tại nhà, có đồng ra đồng vào. Có người đã hẹn ngày giờ đến dạm ngõ con gái chị thì đùng một cái nhà sụp mất. “Con gái tôi bây giờ nhất quyết không nghĩ đến chuyện chồng con, cho đến khi nào hai mẹ con có nhà, có cuộc sống ổn định trở lại nó mới yên tâm đi lấy chồng” - chị Hồng xót xa.

Căn cứ vào Quyết định số 29 của UBND TP về chính sách hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn, trong thời gian tới UBND huyện Nhà Bè sẽ hỗ trợ cho tám hộ dân bị sạt lở. Cụ thể: Hỗ trợ di dời với số tiền 20 triệu đồng/hộ; trợ giúp cứu đói 15 kg gạo/người trong vòng ba tháng với giá 15.000 đồng/kg.

Sắp khởi công xây bờ kè và đưa dân vào khu tái định cư

Dự kiến ngay trong tháng 8 này TP sẽ khởi công xây bờ kè tại khu vực sạt lở vừa qua. Bên cạnh đó, UBND huyện đã kiểm kê khu vực bị sạt lở và di dời toàn bộ người dân ra khỏi đó. Các hộ dân sẽ sớm nhận được tiền bồi thường theo quy định. Hiện huyện cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu tái định cư Hiệp Phước 1 song song với việc xây bờ kè. Tại khu tái định cư, huyện đang khẩn trương xây cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hoàn thiện điện nước và một số hạng mục thiết yếu. Dự kiến đầu tháng 10 sẽ bố trí người dân bị ảnh hưởng vụ sạt lở vào sinh sống. Huyện cũng đang tiến hành rà soát và di dời khẩn cấp những hộ có nguy cơ sạt lở tại các khu vực trọng yếu như xã Lâm Thới, Nhân Đức vào sống tại khu tái định cư.

Ông NGUYỄN VĂN HẢI, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND huyện Nhà Bè

Nguyễn Quyên (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.